ĐNO - Việc lựa chọn nội dung phản biện xã hội ngày càng có chất lượng, sát thực tiễn địa phương, cơ sở; vừa đúng, vừa trúng những vấn đề mà dư luận và nhân dân quan tâm.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết (giữa); Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng (bên trái); Trưởng ban Dân vận Thành ủy Lê Văn Trung chủ trì hội nghị. Ảnh: TRỌNG HUY |
Đó là nhấn mạnh của Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Trần Viết Phương tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; sơ kết 5 năm thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2-2-2018 của Ban Bí thư về “Giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên” do Thành ủy tổ chức sáng 18-1.
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Lê Văn Trung chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo tại hội nghị, từ năm 2013-2023, Mặt trận các cấp thành phố đã chủ trì tổ chức 1.104 đoàn giám sát với 448 chuyên đề và tham gia 1.865 cuộc giám sát với các cơ quan về các nội dung có liên quan.
Sau mỗi đợt giám sát chuyên đề, Mặt trận thành phố có báo cáo và gửi các kiến nghị đến Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan; đồng thời, theo dõi kết quả phản hồi, trả lời đối với các kiến nghị nêu ra.
Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Trần Viết Phương báo cáo tại hội nghị. Ảnh: TRỌNG HUY |
Nhìn chung, chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan đều nghiêm túc tiếp thu các kiến nghị của Mặt trận thành phố và có văn bản, cũng như các hình thức khác để phản hồi cho Mặt trận biết về kết quả giải quyết các kiến nghị, đặc biệt là đối với các chuyên đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.
Từ năm 2017-2020, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã tổ chức 18 đoàn giám sát, kiểm tra về việc thực hiện đề án Giám sát đại biểu dân cử. Công tác giám sát cho thấy các đại biểu dân cử đã nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt chức trách và nhiệm vụ, theo sát kiến nghị của cử tri, góp phần xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa đại biểu dân cử với nhân dân, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thành phố trong sạch vững mạnh.
Đối với hoạt động phản biện xã hội, từ năm 2014-2023, Mặt trận các cấp thành phố đã tổ chức 174 hội nghị phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân; tham gia phản biện bằng văn bản 885 nội dung, 90 cuộc đối thoại trực tiếp giữa MTTQ Việt Nam các cấp với cơ quan, tổ chức có dự thảo văn bản được phản biện; Mặt trận các quận, huyện phường, xã tổ chức 158 cuộc phản biện xã hội với nhiều nội dung phong phú, chất lượng liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.
Bên cạnh đó, tham gia phản biện bằng hình thức văn bản 862 nội dung do các cơ quan gửi đến; tổ chức đối thoại trực tiếp với cơ quan soạn thảo 88 cuộc; đã tổng hợp 806 ý kiến, kiến nghị, đề xuất gửi đến UBND quận, huyện, phường, xã các bộ phận liên quan xem xét, điều chỉnh trước khi ban hành.
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: TRỌNG HUY |
Đặc biệt, kể từ khi Ban Thường vụ Thành uỷ ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 30-11-2021 về “Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố”; Quyết định số 2838-QĐ/TU ngày 24-12-2021 về “Quy chế thực hiện giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp và nhân dân trong điều kiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, việc lựa chọn nội dung phản biện xã hội ngày càng có chất lượng, sát thực tiễn địa phương, cơ sở, vừa đúng, vừa trúng những vấn đề mà dư luận và nhân dân quan tâm.
Công tác tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến góp ý của nhân dân được các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu thực hiện nghiêm túc, ngày càng đi vào nền nếp, thiết thực.
Đối với huyện Hòa Vang, có nét nổi bật, sáng tạo là kết hợp thực hiện đối thoại 2 cấp (cấp huyện, cấp xã) với nhân dân, qua đó các ý kiến, kiến nghị được giải quyết kịp thời, tạo đồng thuận trong nhân dân.
Đối với cấp phường, có 1.251 kiến nghị của cử tri được chủ tịch UBND phường tổng hợp giải quyết theo thẩm quyền; có 352 kiên nghị của cử tri được chủ tịch UBND quận tổng hợp giải quyết theo thẩm quyền; đồng thời, các quận, phường tổng hợp gửi thành phố giải quyết 369 kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền của thành phố.
Nhìn chung, qua 10 năm triển khai thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW đã đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân về hoạt động tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền có sự chuyển biến tích cực.
Đối với kết quả giám sát các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống được xác định trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, 5 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã tổ chức giám sát được 13 chuyên đề giám sát có liên quan đến công tác cán bộ, đối với 174 lượt cơ quan, đơn vị, cá nhân.
Từ năm 2021 đến nay, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố làm Trưởng đoàn giám sát theo quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy giám sát nội dung này tại Huyện ủy Hòa Vang và Đảng ủy xã Hòa Phước; Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã thành lập Đoàn giám sát trực tiếp đối với 5 đơn vị; giám sát qua nghiên cứu báo cáo bằng văn bản đối với 4 đơn vị.
Qua các đợt giám sát, MTTQ Việt Nam thành phố đã có văn bản kiến nghị 27 vấn đề và đề nghị đơn vị được giám sát xây dựng kế hoạch khắc phục hạn chế, thiếu sót đoàn giám sát đã chỉ ra.
TRỌNG HUY