Phát huy bài học đồng thuận

.

Với phương châm “Lấy lợi ích của người dân làm trung tâm”, thời gian qua, thành phố chú trọng phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới. Từ đó, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Phó trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang phát biểu tại buổi khảo sát về thực hiện đề tài trọng điểm cấp quốc gia “Bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và vấn đề phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới” tại Thành ủy Đà Nẵng.  Ảnh: N.QUANG
Phó trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang phát biểu tại buổi khảo sát về thực hiện đề tài trọng điểm cấp quốc gia “Bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và vấn đề phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới” tại Thành ủy Đà Nẵng. Ảnh: N.QUANG

Chăm lo tốt cho đời sống nhân dân

Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) Lê Thị Thu Hà chia sẻ, từ bài học “dân là gốc”, “dân là trung tâm”, Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo UBND, Mặt trận xã và tổ chức thành viên tập trung quan tâm đến đời sống của nhân dân, đoàn viên, hội viên, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc hỗ trợ sinh kế, giới thiệu việc làm; ban hành các kế hoạch, chương trình thực hiện Đề án giảm nghèo giai đoạn 2020-2025. Trong đó, đề ra các chỉ tiêu, giải pháp để giảm tỷ lệ nghèo trong người đồng bào dân tộc; chú trọng xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch cộng đồng để phát triển kinh tế. Theo bà Hà, sau nhiều nỗ lực giảm nghèo qua các năm, hiện nay, số hộ nghèo còn sức lao động toàn xã chỉ còn 27 hộ (trong đó 2 hộ thôn Tà Lang và 10 hộ thôn Giàn Bí ).

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Thanh Khê Nguyễn Thị Minh Nguyệt chia sẻ, Quận ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức thành viên hướng các hoạt động về cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, “Trọng dân, gần dân, sát dân, học hỏi và có trách nhiệm với nhân dân”; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền… Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội, chăm lo cho hộ nghèo luôn được Quận ủy quan tâm chỉ đạo.

“Trong giai đoạn 2012-2022, toàn quận đã vận động đóng góp Quỹ “Vì người nghèo” được trên 132 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này và nguồn hỗ trợ của Mặt trận thành phố đã hỗ trợ xây mới 286 nhà, sửa chữa 1.287 nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo với tổng kinh phí hơn  26,2 tỷ đồng. Năm 2023, hộ nghèo toàn quận theo chuẩn thành phố là 337/48.180 hộ (chiếm0,007%); 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo đều có bảo hiểm y tế, đời sống của nhân dân được chăm lo chu đáo”, bà Nguyệt nói.

Theo báo cáo của Thành ủy về vận dụng bài học “dân là gốc”, “dân là trung tâm” trên địa bàn thành phố, qua gần 25 năm thực hiện chương trình “5 không”, “3 có”, “4 an”, thành phố đã hỗ trợ cho 227.822 lượt hộ, người. Kết quả có 5.742 hộ nghèo còn sức lao động thoát nghèo, 139 hộ thoát khỏi hộ đặc biệt nghèo. Bên cạnh đó, thành phố đặc biệt quan tâm và thực hiện tốt các chính sách, chế độ ưu đãi, chăm sóc sức khỏe các đối tượng chính sách, người có công theo quy định của Trung ương và ban hành một số chính sách vượt trội nhằm nâng cao mức sống người có công, bảo đảm mục tiêu nâng cao đời sống của người có công bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú với kinh phí chi trả hằng năm trên 340 tỷ đồng cho 20.542 đối tượng.

Ngoài ra, thành phố triển khai các chương trình, kế hoạch, dự án nhằm bảo vệ, chăm sóc cho đối tượng yếu thế trong xã hội. Tính đến nay, toàn thành phố có 32.890 đối tượng hưởng trợ cấp chính sách bảo trợ xã hội, kinh phí 250 tỷ đồng/năm và hơn  5.000 đối tượng hưởng chính sách đặc thù, kinh phí hơn  25 tỷ đồng/năm. Do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, năm 2020, thành phố đã hỗ trợ 107.433 đối tượng là người có công và bảo trợ xã hội gặp khó khăn (kinh phí 115,8 tỷ đồng), 3.083 đối tượng đặc thù (kinh phí hơn 4,6 tỷ đồng).

Đồng thời, thành phố ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả đề án “Có nhà ở”, đề án “7.000 căn hộ dành cho người thu nhập thấp” và huy động nhiều nguồn lực xây dựng nhà ở chung cư để bố trí cho các hộ chính sách, hộ nghèo chưa có chỗ ở ổn định, các hộ tái định cư, các đối tượng hưởng lương từ ngân sách. Bên cạnh đó, toàn thành phố có 678 mô hình “Dân vận khéo” được công nhận, nhiều mô hình được cấp ủy các cấp chủ động triển khai nhân rộng phù hợp với thực tế địa phương và ngày càng lan tỏa trong đời sống xã hội…

Tiếp tục phát huy bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”

Trưởng ban Dân Vận thành ủy Lê Văn Trung chia sẻ, thời gian đến, Thành ủy sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố; tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, chỉ đạo giải quyết kịp thời những kiến nghị, phản ánh của nhân dân. Đồng thời, tiếp tục ban hành những chính sách, giải pháp phù hợp với tình hình phát triển của thành phố đối với các giai cấp, tầng lớp nhân dân; tập trung phát triển kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề xã hội nảy sinh; đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở cơ sở; thể chế hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” thành những chính sách, quy chế, quy định cụ thể để nhân dân phát huy quyền làm chủ và thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. Bên cạnh đó, chú trọng chăm lo cho hộ nghèo, hộ khó khăn, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân.

Mới đây, tại buổi làm việc với Thành ủy Đà Nẵng thực hiện đề tài trọng điểm cấp quốc gia “Bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và vấn đề phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới”, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang đánh giá cao những nỗ lực của thành phố trong vận dụng bài học trong phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện dân chủ ở cơ sở; mong muốn thành phố tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra. Thành phố cần quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo, công tác vận động, cải cách hành chính, xây dựng chính quyền thân thiện nhằm phát huy quyền làm chủ, đặc biệt là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

NGUYỄN QUANG

;
;
.
.
.
.
.