Khẳng định chủ quyền biển, đảo

.

Hơn 6 năm qua, Nhà Trưng bày Hoàng Sa (UBND huyện Hoàng Sa) và Trung tâm Nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa (Học viện Chính trị khu vực III) đảm nhiệm việc tuyên truyền và phục vụ các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, bảo quản, giáo dục, truyền thông. Thông qua hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân, trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về cơ sở lịch sử, căn cứ pháp lý khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Những học sinh là “Cháu ngoan Bác Hồ” huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đến tham quan Nhà Trưng bày Hoàng Sa. (Ảnh: Đơn vị cung cấp)
Những học sinh là “Cháu ngoan Bác Hồ” huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đến tham quan Nhà Trưng bày Hoàng Sa. (Ảnh: Đơn vị cung cấp)

Trong năm 2023, Nhà Trưng bày Hoàng Sa đón tiếp và phục vụ 20.084 lượt khách với 240 đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu về quá trình khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Trong những dịp triển lãm, lượng khách tham quan tăng mạnh chứng tỏ người dân rất quan tâm đến thông tin, tư liệu liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa. Nhà Trưng bày cũng tổ chức được nhiều cuộc triển lãm, sự kiện như: “Tuổi trẻ với biển đảo quê hương” tại Trường Đại học Đông Á và tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam; triển lãm “Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới Châu bản triều Nguyễn”; phối hợp Sở Ngoại vụ tổ chức “Trại hè Việt Nam 2023” dành cho thế hệ trẻ kiều bào ở khắp nơi trên thế giới về nước giao lưu với thanh niên trong nước, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa,…

Tổ chức các sự kiện giáo dục về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa dành cho học sinh, sinh viên là một phần quan trọng của Nhà Trưng bày Hoàng Sa, khi có gần 50% tổng lượt khách, tương đương 40.587 học sinh, sinh viên đến xem các cuộc triển lãm trong 6 năm qua. Thông qua các cuộc thi như “Tìm hiểu về Hoàng Sa - Biển đảo quê hương”, “Xây dựng video về Hoàng Sa - Biển đảo quê hương” cho học sinh 8 trường của hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, thi viết thư, vẽ tranh, làm thiệp với chủ đề “Em yêu biển đảo quê hương”… giáo dục lịch sử, văn hóa cho học sinh các cấp trên địa bàn thành phố, giúp các em hiểu hơn về lịch sử, truyền thống đấu tranh và bảo vệ chủ quyền đối với Hoàng Sa.

Theo Giám đốc Nhà Trưng bày Hoàng Sa Lê Tiến Công, đơn vị đã sưu tầm hàng nghìn tư liệu, hiện vật từ các nguồn chuyển nhượng, mua bán, chuyển giao, hiến tặng, trong đó có thể kể đến hơn 700 đầu sách, báo, tạp chí tiếp nhận từ các cơ quan, nhà xuất bản; 300 hình ảnh về bảo vệ chủ quyền biển, đảo từ các cá nhân, các cơ quan báo, đài...

“Nhà Trưng bày Hoàng Sa là thiết chế văn hóa, lịch sử mang ý nghĩa chính trị đặc biệt, trưng bày, giới thiệu những thông tin, tư liệu về quá trình khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Đây cũng là nơi minh chứng về sự thật trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, cổ vũ tinh thần đấu tranh, ý chí bảo vệ chủ quyền trong mọi tầng lớp nhân dân. Chúng tôi hy vọng thời gian tới, công tác sưu tầm, nghiên cứu sẽ phát triển hơn nữa và nâng cấp Nhà Trưng bày thành bảo tàng Hoàng Sa”, ông Lê Tiến Công chia sẻ.

Năm 2017, Học viện Chính trị khu vực III thành lập Trung tâm Nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa nhằm làm đầu mối kết nối, tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học trong việc nghiên cứu, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Từ những tư liệu, sách, báo ít ỏi ban đầu, nay Trung tâm Nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa có hẳn phòng trưng bày bản đồ, tư liệu về chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa với hàng trăm đầu sách, báo, bản đồ, trở thành một địa chỉ văn hóa, lịch sử đặc biệt, là nơi trưng bày, giới thiệu những thông tin, tư liệu, bản đồ, hình ảnh về quá trình khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là địa điểm phục vụ cho việc tra cứu, học tập, nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, tổ chức các hoạt động khoa học như tọa đàm, hội thảo, trao đổi học thuật, sinh hoạt khoa học chuyên đề liên quan đến chủ quyền biển, đảo Việt Nam; là nơi tổ chức các báo cáo ngoại khóa cho học viên các lớp cao cấp lý luận chính trị.

Thời gian qua, Học viện Chính trị khu vực III triển khai thực hiện thành công nhiều đề tài cấp bộ, cấp cơ sở như: “Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua tư liệu Việt Nam và nước ngoài” do PGS.TS Trương Minh Dục làm chủ nhiệm (năm 2021) và “Báo chí với nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chủ quyền biển đảo Việt Nam” do TS. Trần Văn Thạch làm chủ nhiệm (năm 2018). Hằng năm, trung tâm đều có sự bổ sung, cập nhật các sách, bài viết tạp chí về vấn đề Biển Đông và chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Học viện Chính trị khu vực III đã xây dựng nhóm nghiên cứu về chủ quyền biển, đảo và các lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông bao gồm các nhà khoa học, các giảng viên, nghiên cứu viên trẻ tâm huyết, đam mê nghiên cứu.

TS. Lê Nhị Hòa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa cho rằng, các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục đã góp phần nâng cao nhận thức đầy đủ, đúng đắn, toàn diện về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, các lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông cho học viên các lớp cao cấp lý luận chính trị; cung cấp thông tin chính thống, thiết thực về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền, các lợi ích hợp pháp trên biển và giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông. Công tác nghiên cứu khoa học còn cung cấp những cơ sở lịch sử và căn cứ pháp lý minh chứng chủ quyền Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; góp phần đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

HOÀNG NHUNG

;
;
.
.
.
.
.