Tôi may mắn là có gần 20 năm gắn bó với ông Nguyễn Đình An với tư cách là lính giúp việc trực tiếp cho ông. Ngần ấy thời gian, với rất nhiều kỷ niệm, nhưng tôi tự thấy mình cũng chưa đủ điều kiện hiểu và viết về ông; mặc dù tôi trưởng thành như hôm nay, nhờ công của ông không ít...
Ông An lớn hơn tôi đúng 2 giáp (24 năm). Nhưng không hiểu sao ngay ngày đầu về cơ quan công tác tôi gọi ông bằng anh, trong khi nhiều anh chị lớn tuổi hơn tôi lại gọi bằng chú...?. Có lẽ do nhận thấy anh rất trẻ về tư duy, nhanh nhẹn về phong cách nên gọi bằng anh cho “khí thế”!
Tôi chỉ ghi lại những kỷ niệm nhỏ nhưng với tôi là ký ức đẹp của mình với người thủ trưởng mà mình rất quý mến và tự hào. Khi ông An làm Chủ tịch Mặt trận thì địa chỉ 70 Bạch Đằng trở thành nơi đến của các bậc trí giả trong Nam ngoài Bắc và kiều bào ta mỗi lần về nước. Ông An thường mời họ về Mặt trận giao lưu nói chuyện... cho nên anh em cán bộ thường được nghe nhiều thông tin mới trên nhiều lĩnh vực.
Thời ông An, cơ quan Mặt trận thường xuyên tổ chức nhiều cuộc sinh hoạt như giới thiệu sách, mừng thọ, kỷ niệm những người có uy tín, các danh nhân, học giả... Từ việc làm này, sau khi ông An nghỉ hưu, cơ quan Mặt trận còn duy trì thêm một thời gian như giới thiệu thơ Hồ Thấu, hồi ký Hồng Quang (Trần Văn Tân), thơ Phan Duy Nhân (Nguyễn Chính)...
Ai cũng thừa nhận là ông Nguyễn Đình An có trí nhớ và kiến thức chung rất tuyệt vời. Hiếm có vị lãnh đạo nào thực hiện một chuyến tham quan hơn chục ngày trên cùng một chiếc xe du lịch cùng cán bộ cơ quan. Số là sau kỳ bầu cử Quốc hội cơ quan Mặt trận thành phố tổ chức chuyến tham quan du lịch một số địa phương trong nước. Lần ấy là đi dọc các tỉnh từ Đà Nẵng ra phía Bắc và vòng Tây Bắc.
Đến điểm nào anh An cũng kể rất chi tiết nơi đó như Đại lộ kinh hoàng, Dốc Miếu, thành cổ Quảng Trị, Phượng Hoàng Trung đô, Văn Miếu Quốc Tử giám... Suốt chuyến đi anh cung cấp cho anh em biết khá nhiều kiến thức mới mẻ. Tôi không bao giờ quên một lần đi ngang qua thị trấn Phố Ràng (huyện Phổ Yên, tỉnh Lào Cai) vào lúc trời rạng sáng, anh An đã kể chi tiết về trận Phố Ràng mà nhà văn, liệt sĩ Trần Đăng đã viết.
Tôi nhớ trong một lần đi tham quan về Hà Nội, đoàn được Thành ủy tiếp! Trong hội trường tự nhiên ông Nguyễn Phú Trọng, lúc bấy giờ là Bí thư Thành ủy nói: “Tôi rất vinh dự được tiếp Thầy giáo đã dạy tôi, đó là thầy Nguyễn Đình An”. Tôi kể lại chuyện này vì biết bác Trọng luôn chân tình, giản dị, khiêm tốn khi về thăm thầy cũ, trường xưa, đã được công luận và dư luận ca ngợi... Chi tiết này thêm một minh chứng về đức tính của bác Nguyễn Phú Trọng.
Khi công tác trong cơ quan, nhiều lần tôi đại diện cho ông An đi dự phản biện hoặc nhận xét nhiều đề tài khoa học (ông viết sẵn bài, tôi chỉ qua đọc). Nhưng có cái hay là chế độ đâu ra đấy. Có chi tiết vui là cứ mỗi lần như thế anh em thân thiết trong cơ quan chờ tôi về để đi làm mấy chai bia. Nhưng khi tôi về đưa tất cả phong bì cho ông An, thì ông nhét vào túi chẳng nói gì cả. Hôm sau ông mới gọi tôi lên đưa lại rất chu đáo, tính ông An là vậy; rất rõ ràng, minh bạch. Ông An có tài duyệt bài rất nhanh... khi cán bộ tham mưu văn bản, đọc nhanh qua sửa ngay!
Với tôi, hầu như các văn bản soạn xong ông xem, nhưng không gạch bỏ mà thường gọi tôi lên trao đổi nên sửa ý này ý nọ. Chính việc làm này tôi rất kính trọng và yêu quý ông nhiều hơn! Và vì vậy làm cho mình trưởng thành nhiều hơn! Trong phòng làm việc của ông An, trên chiếc bàn lớn cơ man là tài liệu, tưởng như lộn xộn nhưng rất ngăn nắp; tài liệu nào để ở đâu ông nhớ vanh vách, khi cần thì lấy chứ không cần tìm... Điều đó cho thấy trí nhớ của ông thật tuyệt vời! Ở cơ quan có người thường sử dụng loại bút đắt tiền, nhưng chủ yếu để ký; trong khi đó ông An thường sử dụng bút bi Thiên long chỉ vài ba ngàn nhưng đã viết ra bao nhiêu điều có giá trị...
Khi ông tập hợp bài để xuất bản quyển sách “Ngày ấy”; cơ quan Mặt trận lúc bấy giờ chỉ có em Phạm Thị Nga và Phương Ngọc là quen chữ viết của sếp để đánh máy, vì chữ viết của ông An rất khó đọc. Nhiều lúc tôi và các em phải đọc cả đoạn văn để nhận định vài ba từ cho chính xác...! Đọc tập sách “Ngày ấy” của ông An ta sẽ bắt gặp rất nhiều tư liệu quý về xứ Quảng nhất là kỷ niệm về cuộc chiến. Ông An còn là đồng tác giả của công trình đồ sộ: Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng với tư cách là nhà nghiên cứu văn hóa có uy tín!
Trong cơ quan, ông An rất thương lính, nhiều anh chị em nhờ ông mà có nhà để ở và nhờ ông mà cải thiện đời sống...
Tôi nghĩ, không phải tự nhiên mà các ông Ba Phước (Hồ Nghinh), Võ Văn Đặng, Trần Văn Tân (Hồng Quang), Ngô Xuân Hạ... và Nguyễn Đình An ngay sau tên của họ gắn với chữ Mặt trận như: (Ông Hạ Mặt trận, ông Đặng Mặt trận, ông An Mặt trận...). Hiển nhiên là các ông ấy làm công tác Mặt trận, nhưng hơn hết họ là những người tiêu biểu, có sức lan tỏa, hiệu triệu các tầng lớp nhân dân nên tên của họ gắn liền với tên tổ chức.
Trong số họ gần như đã đi rất xa…Theo chân các bậc đàn anh, ông Nguyễn Đình An cũng đã vĩnh biệt chúng ta vào trưa ngày 18-2-2024 (Mồng Chín tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024) kết thúc 91 năm gắn bó với dương thế!. Như vậy “Những người muôn năm cũ... như họ” sẽ mãi mãi gắn bó với xứ Quảng, thành Đà!
Những dòng chữ này là tấm lòng của một cán bộ Mặt trận tự hào về các vị lãnh đạo tiền bối của mình và cũng là nén tâm nhang tiễn người anh, người thầy, người lãnh đạo… tôi rất quý mến về đất mẹ!
NGUYỄN ĐĂNG HẢI
Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam
thành phố Đà Nẵng