Người đảng viên trung kiên, mẫu mực

.

Suốt 80 năm qua, từ khi đọc lời tuyên thệ dưới cờ Đảng, bà Lê Thị Kinh luôn phấn đấu, rèn luyện, nỗ lực làm tròn mọi nhiệm vụ Đảng và Tổ quốc giao phó. Bà là một đảng viên trung kiên, mẫu mực.

Bà Lê Thị Kinh, sinh năm 1925, lớn lên trong một gia đình trí thức giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Cha của bà, cụ Lê Ấm là một nhà giáo giàu lòng yêu nước. Cụ thường khuyên các học trò của mình hãy học tập thật giỏi để sau này ra giúp nước. Mẹ của bà, cụ bà Phan Thị Châu Liên, con gái của nhà chí sĩ cách mạng Phan Châu Trinh, là người đóng góp rất nhiều cho cách mạng trong cả hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Thừa hưởng truyền thống yêu nước của gia đình, những người con lớn của cụ Liên (cùng với bà Kinh, còn có nhà văn Lê Khâm tức Phan Tứ, em trai bà Kinh), đã trở thành những cán bộ cách mạng từ lúc tuổi đời còn rất trẻ.

Theo lời kể của ông Nguyễn Ninh, con trai út của bà Kinh, từ năm 16 tuổi bà tham gia tổ chức học sinh yêu nước tại trường Nữ học và Quốc học Huế. Bà vận động và tham gia Tổng khởi nghĩa 1945 tại huyện Quế Sơn, Quảng Nam, vào Ủy ban nhân dân Cách mạng huyện, hoạt động kháng chiến chống Pháp tại tỉnh Quảng Nam. Bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1945; làm phó Hội trưởng Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh Quảng Nam. Năm 1954 bà cùng chồng con tập kết ra Bắc, tham gia thành lập Trại Nhi đồng miền Nam, nhà máy diêm Thống Nhất, làm Phó trưởng phòng Tổ chức Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức.

Những năm 1960, khi có 4 con nhỏ, bà vẫn đạt thành tích học tập xuất sắc và được giữ lại làm giảng viên Khoa Công nghiệp của Trường Đại học Kinh tế Tài chính (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân). Năm 1968 bà được cử giữ chức Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp nhẹ. Năm 1969 được điều động sang cơ quan CP72 (Bộ Ngoại giao Miền Nam - Ban Thống nhất Trung ương), sau đó được cử đi tham gia đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Sau năm 1975, bà tiếp tục làm việc ở Bộ Ngoại giao Việt Nam thống nhất, chuyên trách hệ thống các tổ chức quốc tế.

Từ năm 1982 đến 1986 bà làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở Italia, kiêm nhiệm một số nước vùng Địa Trung Hải và các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Rome. Bà giữ chức Vụ trưởng vụ Các tổ chức quốc tế tại Bộ Ngoại giao cho đến khi nghỉ hưu (1989).

Thời gian nghỉ hưu bà vẫn tích cực đóng góp cho công tác xã hội, tham gia sáng lập và chủ trì Hội Từ thiện và CLB tiếng Pháp tỉnh (Quảng Nam - Đà Nẵng). Từ năm 1992, bà tập trung sưu tầm, nghiên cứu tài liệu về cụ Phan Châu Trinh, đã xuất bản hai tập sách “Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới”. Bà đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huy chương Vì sự nghiệp ngoại giao, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc”...

“Trong suốt 80 năm qua, mẹ của chúng tôi đã luôn phấn đấu, rèn luyện, nỗ lực làm tròn mọi nhiệm vụ Đảng và Tổ quốc giao phó. Với từng bước trưởng thành, bà đã cùng mọi người đặt những nền móng đầu tiên xây dựng cơ sở vật chất cho nước nhà. Trên mặt trận ngoại giao, bà cũng tham gia góp sức cùng chia lửa với chiến trường, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến toàn thắng. Những ngày hòa bình, bà cũng góp nhiều công sức trong công cuộc xây dựng ngành ngoại giao Việt Nam, đạt được nhiều bước tiến vượt bậc”, ông Ninh nói.

Mới đây, nhân kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng (3-2), bà Kinh nhận Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng. Tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng khẳng định, trong quá tình hoạt động cách mạng, công tác, bà Kinh trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau. Ở cương vị nào bà cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có những đóng góp hết sức to lớn cho sự nghiệp cách mạng đất nước. Bí thư Thành ủy trân trọng chúc mừng bà Kinh, ghi nhận, biểu dương những đóng góp của bà trong suốt thời gian hoạt động cách mạng.

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.