Người lãnh đạo luôn đồng hành doanh nghiệp

.

Ngay sau ngày Công ty CP Dệt May 29-3 kỷ niệm 40 năm ngày thành lập công ty (29-3-1976 - 29-3-2016), tôi đến thăm anh Hoàng Minh Thắng tại nhà riêng với mục đích báo cáo với anh - người lãnh đạo luôn quan tâm đến sản xuất kinh doanh về thành tựu của công ty trong chặng đường 40 năm. Chị Bảy Phiện (vợ anh) cho biết, anh rất yếu nên tôi vào phòng riêng để gặp anh. Vừa gặp, anh đã hỏi tôi “Xí nghiệp lúc này làm ăn thế nào?”

Ông Hoàng Minh Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng phát biểu tại Đại hội tổng kết 5 năm 1976-1980 của Xí nghiệp công tư hợp doanh Dệt May 29-3. (Ảnh tư liệu)
Ông Hoàng Minh Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng phát biểu tại Đại hội tổng kết 5 năm 1976-1980 của Xí nghiệp công tư hợp doanh Dệt May 29-3. (Ảnh tư liệu)

Anh là vậy, lúc nào cũng lo cho sản xuất, tôi còn nhớ tháng 5-1982, khi Công ty Dệt May 29-3 còn là đơn vị công tư hợp doanh, trong một lần đến thăm công ty với cương vị là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, anh đã viết vào sổ vàng truyền thống: “Xí nghiệp công tư hợp doanh 29-3 là đơn vị sản xuất giỏi, năm nào cũng hoàn thành kế hoạch, giữ được chất lượng sản phẩm và có lãi, thường xuyên nộp ngân sách đúng kế hoạch, đời sống công nhân được cải thiện, quản lý bảo đảm an toàn lao động. Phương hướng đến, mở rộng và đi vào đầu tư chiều sâu của xí nghiệp, nâng cao đời sống công nhân, xây dựng cơ sở phúc lợi công cộng, an toàn lao động, hạch toán kinh tế ngày càng lãi nhiều hơn, trả lãi cổ đông đúng chính sách”.

Đầu năm 1984, đến gặp anh khi ấy là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, tôi đã báo cáo và trình bày với anh về nguyện vọng của bà con cổ đông muốn chuyển xí nghiệp công tư hợp doanh lên thành xí nghiệp quốc doanh, không cần suy nghĩ, anh hỏi tôi: “Mi không sợ à?” - cách nói thân mật của anh. Tôi hỏi lại anh:

- Sợ gì vậy anh?

- Lên quốc doanh cơ chế cứng nhắc hơn đấy.

- Theo em quốc doanh đang giữ vai trò lãnh đạo, lẽ nào cơ chế Nhà nước lại trói buộc quốc doanh. Nếu khó khăn em xin được cùng những doanh nghiệp khác khắc phục. Và rồi không bao lâu sau Xí nghiệp Công tư hợp doanh Dệt May 29-3 được tỉnh quyết định chuyển lên quốc doanh trở thành Nhà máy Dệt quốc doanh 29-3 (quyết định do anh Phạm Đức Nam, Chủ tịch UBND tỉnh ký ngày 30-4-1984).

Đầu quý 3-1985, tại một cuộc tiếp xúc với giám đốc các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhiều giám đốc đã phát biểu khó khăn về cơ chế chính sách. Tôi mạnh dạn phát biểu tâm trạng chung các giám đốc doanh nghiệp Nhà nước ví như chiếc xe tải đang chạy trên đường phố đông người lúc nào cũng dễ bị thổi còi và cảm thán bằng mấy câu thơ: “Hai chân phải chạy vật tư. Đầu đội luật pháp, chứng từ hai vai!”.

Trong phần kết luận chỉ đạo của mình anh Hoàng Minh Thắng đã nói “Giám đốc các doanh nghiệp nếu vì sự phát triển sản xuất, vì lợi ích Nhà nước, lợi ích tập thể và quyền lợi người lao động, có gì đó vi phạm cơ chế phải đi tù thì Thường trực, Thường vụ sẽ xách cơm vào thăm các đồng chí”.

Nghe anh nói, đội ngũ giám đốc doanh nghiệp chúng tôi hết sức phấn khởi. Dù sao trong thời buổi cực kỳ khó khăn, thân phận giám đốc dễ bị quy kết đã được người lãnh đạo cao nhất của tỉnh cảm thông, chia sẻ!

Phải chăng xuất phát từ những khó khăn của cơ sở, khi đảm nhận vai trò Bộ trưởng Bộ Nội thương (cuối năm 1986) anh đã đóng góp vào tiếng nói chung để Hội đồng Bộ trưởng ra đời Quyết định 217- HĐBT ngày 14 tháng 11 năm 1987 “ban hành các chính sách đổi mới kế hoạch hóa và hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa đối với xí nghiệp quốc doanh”, bước đầu đã xác lập quyền tự chủ sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Giờ đây anh đã thanh thản về cõi vĩnh hằng, tôi mạo muội ghi lại những dòng hồi ức này để bày tỏ lòng tiếc thương và kính trọng anh. Người lãnh đạo luôn đồng hành cùng doanh nghiệp!

HUỲNH VĂN CHÍNH

;
;
.
.
.
.
.