Để hiện thực hóa chủ trương của Đảng về giám sát và phản biện xã hội, 10 năm qua, Mặt trận các cấp, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội thành phố tổ chức hoạt động này thường xuyên, trọng tâm và đạt được kết quả tích cực. Qua đó, phát huy và nâng cao vai trò Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội thành phố trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng (giữa) trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giám sát, phản biện. Ảnh: TRỌNG HUY |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, qua 10 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW về quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định số 218-QĐ/TW quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Bộ Chính trị; 5 năm thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW của Ban Bí thư về “Giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”, UBND thành phố đã tăng cường công tác chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân.
Nội dung giám sát, phản biện xã hội được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, những vấn đề bức xúc, nảy sinh từ cơ sở gắn với quyền lợi chính đáng của đoàn viên, hội viên. Người dân ngày càng có điều kiện tham gia góp ý trực tiếp vào các dự thảo luật, các nghị quyết của Đảng, chính quyền.
Hoạt động giám sát đã giúp cấp ủy, chính quyền thấy được những tồn tại, hạn chế trong công tác lãnh đạo, điều hành, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan phục vụ nhân dân. Qua 5 năm triển khai Quy định số 124-QĐ/TW, Quy định số 06-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Giám sát của MTTQ Việt Nam thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”, các đoàn thể đã chủ động giám sát việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, đảng viên, đoàn viên, hội viên, góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” trong nội bộ.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Tăng Hoàng Hôn Thắm, giai đoạn 2014-2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố chủ trì tổ chức 1.104 đoàn giám sát với 448 chuyên đề và tham gia 1.865 cuộc giám sát với các cơ quan về các nội dung có liên quan. Trong đó MTTQ Việt Nam thành phố thành lập 49 đoàn giám sát, giám sát 35 chuyên đề về các nội dung liên quan thiết thực đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân.
Từ năm 2014-2023, Mặt trận các cấp thành phốtổ chức 174 hội nghị phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, tham gia phản biện bằng văn bản 885 nội dung, 90 cuộc đối thoại trực tiếp giữa MTTQ Việt Nam các cấp với cơ quan, tổ chức có dự thảo văn bản được phản biện.
Qua 10 năm thực hiện phản biện xã hội, Mặt trận các cấp thành phố đã tổng hợp 1.002 kiến nghị, đề xuất và đã có 954 ý kiến, kiến nghị được tiếp thu, ghi nhận và điều chỉnh đảm bảo phù hợp trước khi ban hành, tỷ lệ hơn 90%.
Theo bà Thắm, Mặt trận các cấp thành phố tích cực tham góp ý kiến vào 178 dự thảo luật do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố gửi đến; góp ý kiến vào 205 dự thảo nghị quyết của HĐND thành phố khóa VIII, IX, X. Đặc biệt, Mặt trận thành phố tham gia 6 nhiệm vụ cụ thể trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, nhiệm kỳ 2021-2026… và hơn 500 văn bản góp ý đối với dự thảo các chương trình, kế hoạch, đề án do UBND, các sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố ban hành có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của các tầng lớp nhân dân.
Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh (CCB) thành phố Trương Chí Lăng cho biết, để đạt được mục đích giám sát, bằng kinh nghiệm và uy tín của mình, trong quá trình chủ trì giám sát, Hội CCB thành phố tập trung nghiên cứu nắm vững nội dung đồng thời với sự phối hợp với các cơ quan chuyên môn, lĩnh vực nghiệp vụ, các đoàn thể chính trị - xã hội của thành phố để thành lập đoàn và tiến hành giám sát đạt được mục đích yêu cầu đề ra.
Để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam các cấp thành phố trong thời gian tới, bà Tăng Hoàng Hôn Thắm cho biết, cần tăng cường giám sát, phản biện xã hội theo chuyên đề để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp. Mặt trận các cấp chủ động tạo sự gắn kết giữa công tác nắm tình hình nhân dân, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri với việc triển khai công tác giám sát và phản biện xã hội.
Cùng với đó, tiếp tục phát huy vai trò của các Hội đồng tư vấn, các chuyên gia tham gia vào công tác phản biện xã hội; kiên trì, bền bỉ trong việc theo dõi kết quả các cơ quan, cấp có thẩm quyền giải trình việc tiếp thu, không tiếp thu các nội dung kiến nghị giám sát, phản biện xã hội của mặt trận. Đồng thời theo đuổi vấn đề đến cùng, chủ động, kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc về thể chế và nảy sinh trong quá trình thực thi để chủ động đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để xử lý.
TRỌNG HUY