Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được triển khai thực hiện trong thời điểm gặp không ít khó khăn, thách thức. Song, Đảng bộ thành phố bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, kết hợp với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhờ đó đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (bên trái) trao quyết định bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC). Ảnh: PV |
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW, Thành ủy ban hành Chương trình số 29-CTr/TU về triển khai thực hiện; thành lập Tổ công tác tham mưu, giúp Thành ủy triển khai thực hiện nghị quyết. Đồng thời, ban hành 12 chương trình, kế hoạch chuyên đề cụ thể hóa triển khai thực hiện nghị quyết. UBND thành phố ban hành kế hoạch về thực hiện Chương trình số 29-CTr/TU của Thành ủy và 10 kế hoạch thực hiện các chương trình hành động trên lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị
Theo Ban Tổ chức Thành ủy, quán triệt sâu sắc quan điểm “xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt”, Thành ủy đã tập trung nâng cao chất lượng và kịp thời ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định làm cơ sở cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành. Sự đoàn kết, thống nhất nội bộ, các nguyên tắc sinh hoạt của Đảng luôn được giữ vững; bám sát và tuân thủ quy chế làm việc để lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý công việc theo đúng thẩm quyền. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức nhiều hội nghị, tọa đàm về giải pháp nâng cao chất lượng công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên, tập trung vào đối tượng học sinh, sinh viên và trong doanh nghiệp. Nhờ đó, năm 2023, toàn Đảng bộ thành phố kết nạp 1.839 đảng viên mới, đạt tỷ lệ 3,08% số đảng viên đầu năm.
Tổ chức bộ máy được sắp xếp, kiện toàn gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Công tác cán bộ, quy hoạch, đào tạo cán bộ được thực hiện bài bản, đúng quy trình, quy định. Thành ủy ban hành Đề án số 03-ĐA/TU ngày 16-8-2022 “Một số giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ và chất lượng đội ngũ đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố đến năm 2030 và những năm tiếp theo”. Đồng thời, hoàn thành rà soát, bổ sung quy hoạch Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt và các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026 và xây dựng quy hoạch nhiệm kỳ 2025-2030, 2026-2031.
Tổ chức bộ máy chính quyền các cấp bảo đảm theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và phù hợp với tình hình thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố. Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nền nếp, hiệu quả việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng gắn với đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; ban hành các quy chế phối hợp, quy chế làm việc mẫu, các chỉ thị, quy chế về giám sát, phản biện xã hội trong điều kiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị để hướng dẫn các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện thống nhất, đồng bộ và kịp thời xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
HĐND thành phố tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động theo hướng mở rộng phạm vi giám sát, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, hiệu quả hoạt động, phù hợp với đặc điểm của mô hình chính quyền đô thị; lựa chọn nội dung kỳ họp HĐND sát thực tế, có chất lượng, kịp thời ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường tổ chức Chương trình “HĐND với cử tri”. UBND các cấp chủ động xây dựng và ban hành giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát huy được tính linh hoạt, chủ động trong điều kiện tổ chức chính quyền đô thị.
Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tăng cường thu hút đầu tư
Theo Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, xác định lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo là một trong những định hướng phát triển đột phá trong thời gian đến, thành phố đang tập trung xây dựng Đề án phát triển chip bán dẫn và vi mạch, các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực này; thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng, Tổ công tác và Tổ tư vấn liên ngành với sự tham gia của các sở, ngành và một số chuyên gia, ký kết biên bản ghi nhớ với một số tập đoàn hàng đầu thế giới để triển khai các nội dung liên quan.
Thành phố từng bước đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ với một số dự án lớn như: Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung, Vườn ươm doanh nghiệp, Khu Không gian đổi mới sáng tạo tại Khu Công viên phần mềm số 2, Không gian sáng tạo tại phường Hòa Xuân...; triển khai Kế hoạch phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ; thành lập Quỹ phát triển khoa học - công nghệ và tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các chương trình trọng điểm về khoa học và công nghệ cấp quốc gia.
Tỷ lệ đầu tư cho khoa học và công nghệ cơ bản bảo đảm kinh phí triển khai hoạt động với 0,25% tổng chi ngân sách thành phố trong giai đoạn 2019-2023. Bộ Khoa học và Công nghệ đang hoàn chỉnh Đề án thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng theo Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đến nay, thành phố đã ban hành 20 văn bản về cơ chế, chính sách liên quan hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố ngày càng phát triển, cơ bản đầy đủ các thành tố với các trụ cột chính là: cơ quan Nhà nước - viện nghiên cứu, trường đại học - tổ chức hỗ trợ - cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia tích cực vào hệ sinh thái.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Trần Thị Thanh Tâm, giai đoạn 2019-2023, thành phố cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 22.260 doanh nghiệp với vốn điều lệ 110.175 tỷ đồng; đồng thời, tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có vốn Nhà nước theo Nghị quyết số 12-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) và phương án sắp xếp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đi đôi với đó, thành phố ban hành nhiều chương trình, đề án với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư. Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chương trình số 44-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Trên cơ sở đó, UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện, nhất là Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Công tác đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng luôn được chú trọng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, gắn với hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.
NGỌC PHÚ