“Hồi đánh với tụi Mỹ, có nơi mô ác liệt bằng đoạn cuối con sông Thu Bồn đổ ra Cửa Đại, chúng tôi gọi sông “giảm thọ””, Trần Văn Đi nói, “Không phải không có mà nghĩ là ít có. Vậy mà tôi phải nhận hai cái chức Trưởng ban Giao bưu và Trưởng ban Giao vận, ngày đêm thường trực cùng chiếc ghe qua lại trên sông “giảm thọ”. Có thư hỏa tốc nửa đêm cũng bơi qua sông. Có người bị thương cấp cứu thì bằng mọi cách phải qua sông. Đoạn sông “giảm thọ” dài chừng cây số mà có hai cái đồn địch. Cái đồn Hải thuyền ở cửa biển - Cửa Đại, gọi là đồn Gành. Bọn Hải thuyền túc trực trên sông từ Cửa Đại lên Hồng Triều, Bàn Thạch. Bo bo rượt dưới nước nhanh như xe tăng chạy trên bờ. Ban ngày ớn nhất trực thăng Mỹ, nghe tiếng là thấy trực thăng rượt trên đầu, chúng sà sát ngọn dừa nước. Ban đêm, muốn qua sông phải canh chừng bo bo của Hải thuyền. Thuyền của ta bơi tốc lực từ bến Đình, Cẩm Thanh qua bến Nồi Rang, Duy Nghĩa, xa chừng 700m, mất 9 phút. Là chín phút sinh tử!
Rừng dừa 7 mẫu ở xã Cẩm Thanh, Hội An hiện nay là điểm tham quan nổi tiếng của khách du lịch. Ảnh: HOÀNG NHUNG |
Trừ thương binh, ai ngồi lên ghe thì phát cho cây dầm. Canh chừng Hải thuyền, hô xuất phát thì cắm cổ bơi. Ban ngày bo bo rượt sát bờ, thấy bụi rậm hay đám dừa nước nào nghi ngờ, chúng rải đại liên vào, lá dừa rơi rụng, nước tung tóe. Ban đêm, pháo cối cầm canh khu vực hai bến đò. Anh em tôi là cán bộ, đảng viên, chịu cực, chịu khổ là đương nhiên. Thương nhất và cũng đáng biểu dương là mấy đứa con gái mới 16, 17, từ trong vùng địch thoát ly ra mà bổ sung cho giao vận, giao bưu, tức là, đôi tay ôm cây dầm chèo đò, đôi chân chạy đưa thư. Hưởng hòa bình bốn mươi chín, năm mươi năm rồi, nửa đời người rồi, giờ, đứa còn đứa mất, nhớ nay còn con Ba và con Đây”.
Cuối năm 1964, khi du kích và cán bộ thị xã xuất hiện giữa chiều làm chủ An Bàng, Phước Trạch, Nguyễn Thị Ba mới được kết nạp vào Đội thiếu niên Tiền phong. Tham gia đội quân tóc dài xuống đường, nổi dậy trong chiến dịch xuân Mậu Thân 1968, không còn hợp pháp, Ba thoát ly gia đình liền bổ sung cho giao vận, ngày đêm không rời chiếc thuyền trên sông, đưa cán bộ, chuyển thương binh, tải đạn từ Cẩm Thanh về tuyến sau Xuyên Thọ, Xuyên Nghĩa, Bình Dương. Từ một cô gái chèo đò vượt sông dưới làn bom đạn giặc, Ba trở thành Phó Bí thư Thị đoàn Hội An, rồi trụ vững với vị trí Phó Bí thư Đảng ủy xã thời Cẩm An gặp khó khăn nhất...
Còn Trần Thị Đây, hồi kéo ra vùng giải phóng còn sợ ma, đi cũng bám chị Tư nấu ăn, ngủ cũng ôm chị Tư, đến khi phân công chèo đò, chuyển thư từ niêm dấu “khẩn” đỏ chót, thì Đây được phong biệt danh con Rái. Các vị lãnh đạo tỉnh ủy, thành ủy, cán bộ chủ chốt của Hội An, Đà Nẵng thời chống Mỹ, khi cần vượt sông bất cứ lúc nào đêm hôm, pháo cối cầm canh, thì có Đây. Chủ tịch Đinh Tư báo đi là bố trí Đây đưa đi, mà đi với ông Tư thì phải đi đến nơi, ông không chịu bàn giao cho một ai khác. Có vài ba khách thì Đây cầm cây dầm chèo thuyền, còn một khách thì Đây dìu lội qua sông, vừa nhanh, vừa an toàn hơn ngồi trên thuyền dễ bị Hải thuyền thấy rượt theo. Thường đi với thị đội trưởng, sau này là Bí thư Võ Hiên thì nhanh và gọn, nhẹ, hai chú cháu xuống sông, như hai con rái. Còn mỗi khi có thư khẩn, thư hỏa tốc, Trưởng ban Trần Văn Xe gọi thì liền có Đây. Đi công tác về, treo cái võng bên miệng hầm, ngủ liền, vậy mà gọi Đây đâu? Dạ, có Đây! Đây tung ra khỏi võng, bỏ thư từ, công văn, cái áo vào tấm ni-lông đùm lại, xuống sông lội từ thôn Tư Cẩm Thanh lên Cẩm Kim, lên Hồng Triều, Bàn Thạch, có khi lội cát từ chợ Nồi Rang lên tận thôn Ba, thôn Tư Xuyên Tân...
Bây giờ, có được hai cô con gái và hai cháu ngoại, hỏi lại chuyện đưa khách qua sông, Đây cười, rớm nước mắt: “Không biết tại răng hồi đó em làm được những việc mà chừ nghĩ lại thấy sợ, kể lại thấy run”. Tôi cười, nói với Đây: “Ngày ấy, nhờ những người như em mà giặc Tây, giặc Mỹ đều phải chịu thua dân mình!”.
Ác liệt nhất, cực nhất là chiến dịch Mậu Thân 1968. Trần Văn Xe nhìn ra mặt sông, nheo đôi mắt trầm tư nhớ về một thời hào hùng: Nhận lệnh làm cầu phao cho bộ đội qua sông, cả bộ phận tiền phương chúng tôi mất ăn mất ngủ. Công việc quá nhiều, quá nặng và quá gấp. Mà mừng, nghe đi giành chính quyền về tay nhân dân ai không mừng! Đồn bốt địch nhiều, đủ sắc lính, chúng còn hung hăng lắm, chắc có đánh lớn. Ai nấy lo nhiệm vụ của mình. Anh chị em chúng tôi bí mật chuẩn bị mấy chục chiếc ghe nhỏ và cơ số cọc tre, tấm cốt. Tất cả đều nhận chìm dưới sông. Nhận lệnh xuất quân thì kéo ghe lên, cứ hai chiếc để song song nhau làm phao, gác mấy cây cọc tre qua làm thanh, đặt tấm cốt tre đan thành từng tấm lên làm mặt cầu, để sát các đôi ghe hàng ngang sẽ có một cây cầu nổi cho bộ đội chủ lực trú ở Cẩm Thanh qua sông Đò - con sông nhỏ chạy trong rừng dừa bảy mẫu vào đất Cẩm Châu, tiến công quận lỵ Hiếu Nhơn và nhà lao Hội An.
Nửa đêm chuyển quân, mờ sáng thì đưa hàng nghìn quân đấu tranh chính trị tay cầm dây, giáo, mác ở các xã vùng đông Duy Xuyên, Thăng Bình, cùng ba mũi quân của Cẩm Thanh, Cẩm An, Trà Quế, Cẩm Châu nhập thị ‘‘khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân’’. Cực mà khí thế bừng bừng. Bộ đội thọc vô nội thị, đánh một số mục tiêu, có thắng, nhưng không gọn, nhiều đồn bốt quá, quân đâu mà đánh cho xuể. Khi bị phản kích, lui ra dưới làn bom, pháo phản kích điên cuồng của địch, cực và ác liệt không thể kể.
Thương nhất và tổn thất nặng là dân đấu tranh chính trị chưa kịp nổi dậy thì bị đàn áp bằng súng đạn phải lui qua sông Cái (Thu Bồn). Nhiều người bị thương nhẹ ráng chạy. Nhiều người sáng dậy sớm mang cơm, bánh theo, chưa kịp ăn, đói khờ cũng phải chạy. Vợ tôi cùng mẹ chị Cẩm Thanh nấu cơm, nấu bắp cho ai đói ăn, đưa người trái bắp hối họ qua sông sợ chúng đuổi theo bắt sống, bỏ tù. Chưa lúc nào phải đưa thương binh, tử sĩ qua sông nhiều như xuân Mậu Thân. Hầu hết các anh lãnh đạo chủ chốt của mũi quân vào Hội An như Bí thư Ngô Xuân Hạ, Chủ tịch Đinh Tư, Thị đội trưởng Võ Hiên, Phó chỉ huy Mặt trận 4 thuộc Đặc khu ủy Quảng Đà Nguyễn Hoán... đều bị thương.
Trong khi máy bay địch quần, liệng trên đầu thì chị Phan Thị Hồng, y tá Đội phẫu và bác sĩ Huỳnh Xuân Sáu, phụ trách Đội phẫu đóng ở chợ Bàn Thạch phải hộ tống 40 thương binh vào bệnh xá. Theo nhật ký của bác sĩ Cao Hữu Chuyên và y tá Hồng ghi: Đội phẫu bắt đầu nhận thương binh là du kích, bộ đội và dân. Trong vòng 3 ngày, 360 ca đủ loại vết thương phần mềm, gãy xương, sọ não, lồng ngực, bụng, có một nhà báo tên là Hoài Hà (phóng viên Báo Quảng Đà đi cánh Hội An)... Bác sĩ Huỳnh Xuân Sáu đứng mổ liên tục suốt ngày đêm. Cũng trong đợt này, chị Hiền y tá Cẩm An cho biết, đội phẫu thuật của y sĩ Ngụy Như Cang được lệnh sơ tán xuống vùng dừa nước ven sông để lánh địch. 16 giờ địch rút quân về bãi pháo Cẩm Hà, đến 17 giờ đội phẫu triển khai cấp cứu tại thôn Trà Quế, đồng thời cử người về tuyến sau Duy Nghĩa - Bình Dương tổ chức trạm vận chuyển đưa đón thương phẫu thuật điều trị... Mười đêm xuân Mậu Thân không ngủ, người tôi đi nhẹ tưng.
Nhắc chuyện ngày xưa để nhớ ngày xưa. Nhớ và biết ơn vậy thôi. Chứ bây giờ, người ngày ấy, ai còn thì già, người thì đi xa, chỉ phố cổ vẫn còn cổ, ngoài ra thì mới, lạ lẫm. Những sông Đò, sông Đế Võng, Cửa Suối, Trảng Kèo, Bàu Ốc, những làng Thanh Hà, Kim Bồng, Cẩm Hà, Cẩm Châu, Trà Quế, Thanh Tam... một thời bị bom, pháo tơi bời, nay trở thành làng du lịch sinh thái hấp dẫn khách bốn phương...
Cầu Cửa Đại nối thành phố Đà Nẵng, Hội An với thành phố Tam Kỳ, Núi Thành hừng hực sức sống bằng con đường cho hai làn xe gần trăm cây số. Đứng trên cầu Cửa Đại - cầu nối Cẩm Thanh qua Duy Nghĩa, nhìn về phía đông, biển xanh mênh mông, nhấp nhô sóng trắng, thuyền đánh cá vượt qua Cửa Đại, hướng Cù Lao Chàm; nhìn về phía tây, thuyền du lịch tham quan cồn Thuận Tình xanh um cây lá, thuyền êm ru bơi dưới ‘‘rừng dừa bảy mẫu’’, thuyền lên thăm làng mộc Cẩm Kim, thăm làng gốm Thanh Hà... Ai muốn vui với trời - mây - sông nước, bến bãi Thu Bồn, theo thuyền lên với làng Đại Bình cây trái bốn mùa, lên với Tý, Sé, Dùi Chiêng, Hòn Kẽm - Đá Dừng, núi cao hùng vĩ...
HỒ DUY LỆ