Triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính

.

Theo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2023-2025 của UBND thành phố, Đà Nẵng sẽ tiến hành sắp xếp, sáp nhập các phường tại các quận Hải Châu, Thanh Khê và Sơn Trà. Hiện nay, các địa phương liên quan đang tích cực triển khai xây dựng, ban hành đề án sắp xếp theo quy định, bảo đảm tiến độ, quy trình.

 Một góc đô thị Hải Châu. Ảnh: X.SƠN
Một góc đô thị Hải Châu. Ảnh: X.SƠN

Theo dự kiến, sẽ sáp nhập từ 45 phường toàn thành phố còn lại 36 phường. Cụ thể, tại quận Thanh Khê, dự kiến sáp nhập 8 phường còn lại 4 (sáp nhập phường Tam Thuận với Xuân Hà; phường Thạc Gián với phường Vĩnh Trung; phường Tân Chính với Chính Gián; phường Thanh Khê Đông với Hòa Khê).

Quận Hải Châu dự kiến sáp nhập 7 phường còn lại 3 (gồm, phường Hải Châu 1 với phường Hải Châu 2; phường Phước Ninh, phường Nam Dương và phường Bình Hiên; phường Bình Thuận với phường Hòa Thuận Đông) và quận Sơn Trà dự kiến sáp nhập 2 phường An Hải Tây và An Hải Đông làm một.

Riêng phường Thạch Thang (quận Hải Châu) với yếu tố mang tính đặc thù (về lịch sử, vị trí địa lý, bảo đảm an ninh, quốc phòng…), nên thành phố đề xuất chưa thực hiện sáp nhập.

Ngoài ra, thành phố dự kiến điều chỉnh địa giới hành chính đối với quận, phường trong giai đoạn này, gồm nhập một phần diện tích và dân số của quận Liên Chiểu vào quận Thanh Khê; nhập một phần diện tích và dân số của phường Thuận Phước vào phường Thanh Bình và nhập một phần diện tích của phường Thọ Quang vào phường Mân Thái.

Việc lấy tên gọi các phường mới sau sáp nhập sẽ được thành phố lưu ý, bảo đảm tính đồng thuận cao của nhân dân, các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương. Cùng với đó, xem xét việc sử dụng các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp hoặc tên gọi đã được sử dụng trong lịch sử hình thành, phát triển của địa phương.

Mới đây, Sở Nội vụ có văn bản hướng dẫn gửi các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu về tổ chức lấy ý kiến cử tri về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thành phố Đà Nẵng.

Theo đó, để việc sắp xếp đơn vị hành chính bảo đảm theo kế hoạch, tiến độ đề ra, Sở Nội vụ yêu cầu UBND các quận, phường có trách nhiệm tổ chức việc lấy ý kiến cử tri trên địa bàn phường theo từng tổ dân phố, báo cáo tổng hợp gửi cấp trên (UBND quận) theo mẫu; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức lấy ý kiến cử tri tại các phường và tổng hợp, báo cáo thành phố (đối với cấp quận).

Theo UBND thành phố, về phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố, căn cứ ý kiến tham gia góp ý của Bộ Nội vụ và bộ, ngành liên quan, ý kiến thống nhất của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, UBND thành phố đã hoàn thiện và ban hành phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Đà Nẵng.

Căn cứ phương án số 1076/PA-UBND, UBND thành phố đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai một số nội dung công việc cụ thể. Sở Nội vụ đang phối hợp UBND các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu triển khai xây dựng các đề án liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Đà Nẵng.

Cụ thể là Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Đà Nẵng và Đề án điều chỉnh địa giới hành chính quận Thanh Khê và sắp xếp các phường thuộc quận Thanh Khê giai đoạn 2023 - 2025.

Theo Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW ngày 30-11-2023 của Ban Tổ chức Trung ương về thực hiện sắp xếp tổ chức, CBCC, viên chức cơ quan đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở những địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, số lượng lãnh đạo, quản lý, số lượng biên chế công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị mới tối đa không vượt quá tổng số cán bộ lãnh đạo, quản lý và biên chế công chức, viên chức hiện có trước khi sắp xếp.

Ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp ủy trực thuộc bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị mới, chậm nhất 60 tháng kể từ ngày quyết định thành lập tổ chức có hiệu lực thi hành thì thực hiện đúng quy định chung.

Trường hợp đặc biệt, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh báo cáo Ban Tổ chức Trung ương trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.