Sở Giao thông vận tải vừa phối hợp với Công ty CP GeoData tổ chức “Hội thảo Ứng dụng GeoData trong khảo sát, thiết kế, quản lý đầu tư xây dựng” với sự tham gia của các sở, ban, ngành, chuyên gia, kỹ sư... đến từ các đơn vị khảo sát, thiết kế, giám sát, quản lý dự án trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Hình ảnh hiện trạng thông tin địa chất công trình GeoData thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Sở Giao thông vận tải |
Hội thảo với mong muốn sớm tiếp cận và hình thành một hệ thống Quản lý và ứng dụng kỹ thuật số về thông tin địa chất công trình, kết nối giữa các đơn vị khảo sát, thiết kế; cơ quan quản lý; các cơ sở đào tạo, giảng dạy ở các trường đại học, các chuyên gia nghiên cứu đầu ngành; đồng thời kết nối giữa các sở, ban, ngành, các địa phương khác của thành phố… để tối ưu quá trình khảo sát, thiết kế, thẩm duyệt hồ sơ cũng như quản lý dữ liệu, giảng dạy và nghiên cứu.
Xu hướng chuyển đổi tất yếu
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lương Thạch Vỹ, kỹ thuật số và các ứng dụng công nghệ mới trong giai đoạn 4.0 này là xu hướng tất yếu và bắt buộc cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước nếu như chúng ta không muốn tụt hậu lại so với thế giới và tụt hậu lại ngay với chính các ngành nghề khác đã chuyển đổi số và ứng dụng các công nghệ mới trên tại Việt Nam. Ngày nay, kỹ thuật số tiến thêm một bước so với chuyển đổi số. Kỹ thuật số kết hợp thu thập dữ liệu từ chuyển đổi số và sử dụng nó trong môi trường ảo để tạo ra các giải pháp sáng tạo. Đơn cử về ứng dụng Kỹ thuật số hiện nay là yêu cầu về sử dụng mô hình thông tin công trình (BIM) theo Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17-3-2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, lộ trình áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng áp dụng đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, dự án sử dụng vốn khác. Cụ thể, về mục đích, yêu cầu áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm thiết kế; tăng cường quá trình trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng, chủ đầu tư, tổ chức tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng; trong quá trình thi công xây dựng hỗ trợ xây dựng phương án tổ chức thi công, tổ chức và quản lý các nguồn lực trong quá trình xây dựng, kiểm soát chất lượng xây dựng; trong quá trình nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng hỗ trợ quá trình nghiệm thu, phục vụ cho giai đoạn quản lý, vận hành công trình xây dựng.
Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, việc sử dụng mô hình BIM như là công cụ để hỗ trợ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước (thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở; cấp phép xây dựng; quản lý xây dựng; kiểm tra công tác nghiệm thu...). Đồng thời, tùy theo yêu cầu của thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, hồ sơ hoàn thành công trình, khi áp dụng mô hình BIM, tệp tin BIM cần phải đáp ứng một số yêu cầu tối thiểu sau: thể hiện được kiến trúc công trình, các kích thước chủ yếu; hình dạng không gian ba chiều các kết cấu chính của công trình; hệ thống đường ống điều hòa, thông gió, cấp thoát nước công trình. Một số bản vẽ các bộ phận chi tiết ở dạng không gian hai chiều nhằm bổ sung thông tin phải ở định dạng số khi nộp kèm theo tệp tin BIM. Các bản vẽ, khối lượng chủ yếu của các bộ phận công trình phải trích xuất được từ tệp tin BIM...
Giải pháp bắt buộc
Riêng về lộ trình áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) giai đoạn 1: từ năm 2023, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp I, cấp đặc biệt của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án. Giai đoạn 2: từ năm 2025, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp II trở lên của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án. Được biết, sứ mệnh phát triển hoàn thiện cơ sở hạ tầng nói chung và với ngành giao thông vận tải nói riêng trong giai đoạn hiện nay sẽ vô cùng “bận rộn”, gắn liền với nhiều thách thức và trách nhiệm; vừa nặng nề, vừa cao quý.
Vì vậy, yêu cầu thực tế không cho phép các cơ quan quản lý, các đơn vị thiết kế, khảo sát, quản lý dự án vận hành, hoạt động và quản lý theo những phương thức cũ dựa trên các dữ liệu rời rạc, quy trình quản lý thiếu đồng bộ, thiếu liên kết. Thực tế đòi hỏi phải cải tiến và phải có phương thức quản lý mới, công nghệ mới với các nguồn dữ liệu tập trung, đồng bộ và là nguồn dữ liệu mở, chia sẻ, vì vậy, kỹ thuật số là một giải pháp bắt buộc, là giải pháp của thời đại.
Một trong những ứng dụng và hiệu quả thiết thực của việc quản lý và có nguồn dữ liệu về địa chất công trình từ việc số hóa là có cơ sở để tính toán phương án công trình để tránh các vị trí nền đất yếu, mất ổn định để giảm chi phí thực hiện công trình. Từ việc có thông tin về địa tầng, địa chất công trình, các đơn vị chuẩn bị đầu tư, các đơn vị thiết kế có cơ sở xác định chi phí đầu tư tương đối chính xác ngay từ bước lập báo cáo tiền khả thi hoặc chủ trương đầu tư của các dự án/công trình, hạn chế việc phát sinh và sai lệch lớn về kinh phí thực hiện dự án trong quá trình triển khai. Nguồn dữ liệu GeoData là cơ sở để các cơ quan chuyên môn, cơ quan thẩm định có cơ sở để đối chứng, kiểm chứng tính các số liệu khảo sát, các báo cáo kết quả khảo sát và là cơ sở nguồn dữ liệu để định hướng phát triển không gian ngầm của thành phố.
GIA MINH