Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng từ cơ sở - Bài cuối: Đề xuất một số giải pháp

.

Thực tiễn cho thấy nhờ những chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước cùng các biện pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả của các cơ quan chức năng đã huy động được sức mạnh của toàn thể người Việt Nam cùng vào cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.  Trong ảnh: Đảng ủy khối Các cơ quan thành phố tổ chức hội thi Bí thư Chi bộ giỏi năm 2023. Ảnh: NGỌC PHÚ
Tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. TRONG ẢNH: Đảng ủy khối Các cơ quan thành phố tổ chức hội thi Bí thư Chi bộ giỏi năm 2023. Ảnh: NGỌC PHÚ

Nâng cao tính lý luận trong sinh hoạt thường kỳ của chi bộ cơ sở

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là vấn đề vừa mang tính thực tiễn vừa có tính lý luận. Vì vậy, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cần được hiểu cụ thể thêm ở góc độ là nâng cao tính lý luận của sinh hoạt chi bộ. Trong sinh hoạt chi bộ, cấp ủy thường đề cập chủ yếu những nội dung lãnh đạo tình hình kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… trên địa bàn.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng yêu cầu cấp ủy và từng đảng viên phải trang bị những tri thức về những nội dung cốt lõi của nền tảng tư tưởng của Đảng, phải thường xuyên học tập, trau dồi các quan điểm lý luận của Đảng để có khả năng giải thích, động viên, thuyết phục quần chúng ở nhiều đối tượng khác nhau với trình độ nhận thức khác nhau. Hiện nay, các chi bộ cơ sở đều tiến hành sinh hoạt chuyên đề. Tuy nhiên, không nhất thiết khi có quy định về sinh hoạt chuyên đề mới chọn một nội dung để tập trung thảo luận, mà có thể trong sinh hoạt thường kỳ, chi bộ dành khoảng 30 phút để đọc và thảo luận một nội dung cụ thể nào đó trong 5 nội dung chủ yếu của nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu.

Ngay cả các chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhiều chi bộ cũng chủ yếu tập trung vấn đề đạo đức, phong cách của Bác, ít chú ý đề cập những ý kiến chỉ đạo rất sâu sắc và dễ hiểu của Bác về mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, về chống chủ nghĩa cá nhân, về việc học tập nâng cao tri thức của người đảng viên... để có thể vận dụng trong tình hình hiện nay. Ngoài ra, những chuyên đề “nóng” về tình hình chính trị thế giới cũng cần phổ biến, trao đổi để tạo nhận thức đúng về tính ưu việt của sự ổn định chính trị ở nước ta. Tất nhiên, ở đây, cần có sự vào cuộc tích cực và nhạy bén của các cơ quan làm công tác tư tưởng, tuyên giáo các cấp.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền miệng

Đây là giải pháp hữu hiệu góp phần xây dựng và củng cố niềm tin vào nền tảng tư tưởng của Đảng ở cơ sở. Công tác tuyên truyền miệng đã được Đảng ta quan tâm từ lâu, từ khi các đảng viên của Đảng với số lượng ít ỏi, còn hoạt động bí mật. Ngay sau ngày đất nước thống nhất, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương các khóa đã nhiều lần ban hành các chỉ thị, nghị quyết có liên quan đến việc tăng cường lãnh đạo và đổi mới công tác tuyên truyền miệng và công tác  tổ chức đội ngũ báo cáo viên và tuyên truyền viên của Đảng.

Đảng ta xác định đây là một trong những kênh thông tin quan trọng nhất, trực tiếp truyền bá sâu rộng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phổ biến, giáo dục, quán triệt các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trước các vấn đề thời sự quan trọng trong nước và quốc tế; góp phần tạo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin, cổ vũ phong trào cách mạng. Chính vì vậy, chi bộ cơ sở cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực công tác này, phải xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên phổ biến các tài liệu theo hướng dẫn với nhiều phương thức linh hoạt. Đội ngũ này cũng đồng thời là nơi tích tụ và lan tỏa thông tin chính thống. Những báo viên, tuyên truyền viên cơ sở cần được rèn luyện bản lĩnh và nghệ thuật tuyên truyền để bản thân thấm nhuần và từ đó lan tỏa, thuyết phục, định hướng dư luận, bảo vệ cái đúng, cái chính nghĩa, phê phán cái sai trái, lệch lạc nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Phát huy hiệu quả đối thoại trực tiếp

Hoạt động đối thoại như một điểm nhấn nhằm thuyết phục, định hướng dư luận, xây dựng và củng cố niềm tin, bảo vệ nền tảng tư tưởng ở cơ sở. Đối thoại cũng là một biện pháp tuyên truyền miệng, tuy nhiên, biện pháp này đòi hỏi việc tuyên truyền mang tính “trực diện” hơn, đòi hỏi bản lĩnh và thái độ điềm tĩnh, lắng nghe, thấu hiểu, từ đó có sự trao đổi thẳng thắn, kiên quyết nhưng chân tình với người đối thoại.

Cũng như công tác tuyên truyền miệng nói chung, hiện vẫn còn nhiều cấp ủy, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này. Tuy nhiên, như có người từng nói, đây là câu chuyện “từ trái tim đến trái tim”, nếu người đảng viên có sự chân thành thì sức thuyết phục sẽ rất lớn, rất hiệu quả. Nội dung đối thoại cần tập trung vào những sự việc hiện tượng cụ thể để thuyết phục những người còn chưa thông suốt với một chủ trương nào đó của Đảng, của chính quyền, thậm chí có những phản ứng tiêu cực; từ chỗ đối kháng, qua đối thoại, có thể dần dần được cảm hóa và thay đổi nhận thức theo hướng tích cực.

Thực tế từ Đảng bộ thành phố Đà Nẵng cho thấy, lãnh đạo thành phố đã kiên trì thực hiện phương thức đối thoại dân chủ trực tiếp với cộng đồng dân cư, coi đây là biện pháp rất hiệu quả để nắm được tâm tư nguyện vọng của nhân dân, từ đó thuyết phục, vận động nhân dân. Đối thoại trực tiếp không phải chỉ tuyên truyền một chiều mang tính áp đặt, mà hai bên cùng trao đổi, đối thoại bình đẳng, tạo được bầu không khí chính trị lành mạnh, kết quả là tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, là thái độ tự giác chấp hành những chủ trương của Đảng, Nhà nước và của chính quyền địa phương.

Qua đối thoại, người dân có điều kiện tự nhận thức sâu sắc hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình, tự khám phá ra mình ở tầm cao mới của yêu cầu phát triển của thành phố để tích cực và tự giác tham gia vào quá trình phát triển đó. Phương thức đối thoại được mở rộng đa dạng, phong phú, cốt tạo hiệu quả thiết thực. Đó là hình thức đối thoại giữa các đồng chí lãnh đạo cấp cao nhất của thành phố, của quận, huyện với cấp thấp nhất là người dân thường, kể cả những đối tượng đặc thù như những người mãn hạn tù đang hoàn lương, những người đạp xích lô, xe thồ… đang có nhu cầu hợp tác, hỗ trợ nhau trong sinh kế hàng ngày.

Đối thoại có thể được tiến hành theo lịch định kỳ, nhưng cũng có thể đột xuất; đối thoại có thể diễn ra tại trụ sở của cơ quan hành chính nhưng cũng có thể ngay tại địa bàn dân cư; đối thoại không theo giờ hành chính, không câu nệ thời gian, phù hợp với thời giờ làm ăn buôn bán của bà con lao động… Văn hóa đối thoại có thể được xem như một yếu tố quan trọng của việc thực thi văn hóa chính trị; nó không dừng ở những lời nói chung chung mà thực sự đã mang lại những kết quả có thể đo đếm được bằng những công trình mang ý Đảng, hợp lòng dân. Và điều này hoàn toàn có thể áp dụng trong công tác tư tưởng chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ngay tại địa bàn cơ sở.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là sự nghiệp hệ trọng, liên quan đến sự tồn vong của chế độ, của Đảng ta. Đảng đã xác định, đây là sự nghiệp của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó, vai trò của cơ sở rất quan trọng. Lịch sử cách mạng dân tộc đã chứng minh “dân là gốc”. Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng không đi ngoài quy luật này. Nền tảng nhân dân luôn được bồi đắp sẽ là cơ sở để nền tảng tư tưởng của Đảng luôn vững bền. Và chắc chắn đó là nguồn lực vô tận để đất nước Việt Nam ngày càng cường thịnh, phát triển.

NẠI HIÊN

;
;
.
.
.
.
.