Đổi mới phương pháp tuyên truyền đến đoàn viên, thanh niên

.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật luôn được các cấp Đoàn quan tâm và triển khai hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao hiểu biết, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội trong đoàn viên, thanh niên.

Đoàn phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) ra mắt mô hình “Pháp luật 4.0”. Ảnh: NVCC
Đoàn phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) ra mắt mô hình “Pháp luật 4.0”. Ảnh: NVCC

Đổi mới “sân chơi” pháp luật

Tháng 3-2024, Đoàn phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) ra mắt mô hình “Pháp luật 4.0”. Ban tổ chức xây dựng video ngắn tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đoàn viên, thanh niên trên mạng xã hội . Bằng cách quét mã QR, đoàn viên, thanh niên truy cập nội dung tuyên truyền như: Luật Thanh niên, Luật Nghĩa vụ quân sự… Hiện kênh “Pháp luật 4.0” thu hút hơn 1.000 người theo dõi, 3.109 lượt yêu thích và gần 8.000 lượt tương tác. Phạm Ngọc Huy Hoàng (SN 1999, phường Thanh Khê Tây) cho biết: “Clip tuyên truyền kiến thức pháp luật trên kênh “Pháp luật 4.0” gần gũi, dễ hiểu và dễ nhớ. Thông qua mạng xã hội, tôi có thể dễ dàng tra cứu, tìm hiểu các quy định của pháp luật, ngoài ra, người làm công tác tuyên truyền tiếp nhận những ý kiến phản biện, kiến nghị. Từ đó, tiếp thu và phản hồi cho người xem hiểu đúng và chính xác”.

Chia sẻ thông tin tích cực về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những sự kiện lịch sử để giáo dục truyền thống là việc làm cần thiết. Qua đó, tạo hiệu ứng và sức lan tỏa rộng trong xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng lành mạnh, tạo sự phát triển toàn diện của đoàn viên, thanh thiếu niên.

Anh Nguyễn Văn Nên, Bí thư Đoàn phường Thanh Khê Tây cho biết, để tuyên truyền đạt hiệu quả, cần căn cứ vào tâm lý “cư dân mạng”. Đa phần người xem thích tin ngắn bằng hình ảnh, chứa đựng cảm xúc. Vì vậy, tuyên truyền trên mạng xã hội cần thông qua những sự kiện, sự việc có thật, đang diễn ra được nhiều người quan tâm với hình ảnh sống động, bắt mắt. “Thời gian tới, Đoàn phường tiếp tục xây dựng và lựa chọn những văn bản pháp luật phù hợp, đổi mới nội dung, tăng sức hấp dẫn để truyền tải đến đoàn viên, thanh niên”, anh Nên nói.

Cùng thời điểm trên, Đoàn xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) ra mắt mô hình “Cà phê thanh niên với tuyên truyền, phổ biến pháp luật”. Theo đó, ban tổ chức tuyên truyền các nội dung liên quan về an toàn giao thông, tình hình an ninh trật tự; phổ biến Luật Căn cước đến đoàn viên, thanh niên 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí. Mô hình hướng đến thanh niên chưa tham gia vào tổ chức Đoàn, không có việc làm ổn định, vi phạm pháp luật . Mỗi quý 1 lần, Đoàn xã tổ chức tuyên truyền tại quán cà phê cho đoàn viên, thanh niên.

Chủ đề được xây dựng dựa trên tình hình thực tế, các vấn đề phát sinh dư luận đang quan tâm. Chị Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đoàn xã Hòa Bắc cho biết: “Mô hình “Cà phê thanh niên với tuyên truyền, phổ biến pháp luật” giúp cho đoàn viên, thanh niên tiếp cận, tìm hiểu các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách dễ dàng. Đồng thời, phát huy sức mạnh, tiên phong của thế hệ trẻ trong công tác tuyên truyền pháp luật, góp phần nâng cao ý thức chấp hành, giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội tại địa phương”.

Chấp hành pháp luật nghiêm túc

Chương trình tương tác trực tuyến “Thanh thiếu nhi Đà Nẵng với pháp luật Việt Nam” do Thành đoàn tổ chức đạt nhiều kết quả tích cực trên mạng xã hội. Chương trình được phát sóng trực tiếp trên trang Fanpage Tuổi trẻ Đà Nẵng. Số đầu tiên tập trung vào Luật An ninh mạng và các hình thức lừa đảo trên không gian mạng, thu hút hơn 9.000 lượt xem, 1.600 lượt bình luận và 100 lượt chia sẻ. Chương trình nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với hoạt động chuyển đổi số; xây dựng và nhân rộng các mô hình phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả; nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ chấp hành pháp luật của đoàn viên, thanh niên trên địa bàn.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành đoàn Nguyễn Duy Thành, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật có vai trò quan trọng trong việc giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi. Ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng ưu thế mạng xã hội để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên là biện pháp phù hợp xu thế hiện nay.

Qua đó, không chỉ tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí mà còn đưa các văn bản luật đến gần hơn với giới trẻ, từ đó cập nhật kiến thức để chấp hành pháp luật nghiêm túc. Chương trình “Thanh thiếu nhi Đà Nẵng với pháp luật Việt Nam” sẽ được duy trì đều đặn vào mỗi quý với các chủ đề dự kiến gồm: giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy; trật tự an toàn giao thông và phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

KHÁNH NGÂN

;
;
.
.
.
.
.