65 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh - ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19-5-1959 - 19-5-2024)

Dấu chân người lính trên con đường huyền thoại

.

65 năm đã trôi qua, nhưng đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một “con đường huyền thoại”, một kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại. Nơi tuyến lửa đó, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã làm nên những chiến công vang dội, trong đó có những người đang sinh sống tại Đà Nẵng.

 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Thị Thao (ngoài cùng bên phải) và đồng đội tại buổi gặp mặt kỷ niệm 56 năm ngày thành lập Tiểu đoàn Vận tải nữ 232. Ảnh: L.H
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Thị Thao (ngoài cùng bên phải) và đồng đội tại buổi gặp mặt kỷ niệm 56 năm ngày thành lập Tiểu đoàn Vận tải nữ 232. Ảnh: L.H

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

Ngày 19-5-1959, Thường trực Tổng Quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (sau gọi là Đoàn 559) làm nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng quân sự vào miền Nam, tổ chức đưa đón bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại... Tuyến hành lang giao liên vận tải quân sự Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh được thiết lập, thật sự là cầu nối giữa hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường miền Nam.

Trong những năm tháng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, trên chiến trường Khu 5 có một đơn vị gồm 550 cô gái tuổi mười tám, đôi mươi thực hiện nhiệm vụ vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược, làm nên huyền thoại về “đội quân tóc dài” của miền Trung khói lửa. Đó là Tiểu đoàn Vận tải nữ 232 do bà Phạm Thị Thao (SN 1949, quê Đà Nẵng) làm Tiểu đoàn trưởng. Tiểu đoàn Vận tải nữ 232 thuộc Cục Hậu cần (Quân khu 5) được thành lập ngày 8-3-1968. Họ là những cô gái không ngại hy sinh, gian khổ, lăn lộn giữa bom đạn, “vai trăm cân, chân vạn dặm” gùi gạo, cõng đạn, khiêng thương binh về tuyến sau điều trị.

Với khẩu hiệu hành động “Không để bộ đội ở chiến trường đói rét, thiếu vũ khí, thiếu lương thực và súng đạn”, các nữ chiến sĩ nhắc nhở nhau: “Không chuyển được hàng ra mặt trận là có lỗi với các chiến sĩ ngoài tiền tuyến”. Điều ấy luôn thôi thúc các chị trong tiểu đoàn “đạp 50 cân xuống đất, hất 70 cân sang bên, vì chiến trường mang lên một tạ”, “không tính khối lượng, không tính chỉ tiêu, có sức bao nhiêu cống hiến tất cả”. “Thời đó, mỗi ngày chị em trong tiểu đoàn mang trên vai 100 kg hàng. Chúng tôi đi liên tục, không ngày nào nghỉ, trừ trường hợp bị sốt rét. Để mang được những chuyến hàng ra chiến trường, chúng tôi phải vất vả vô cùng. Đường dốc lên, dốc xuống, phải đi từng bước, từng bước chứ không thể đi nhanh”, bà Phạm Thị Thao nhớ lại.

Dấu chân các nữ chiến sĩ đã in khắp vùng núi Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, Đường 9-Nam Lào... Luồn rừng, băng đèo, lội suối dưới những cơn mưa tầm tã hay cái nắng cháy da, cái rét cắt thịt, gùi hàng gấp hai lần trọng lượng cơ thể trong lúc địch liên tục lùng sục, càn quét, nhưng các nữ chiến sĩ luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Lập nên nhiều kỳ tích, các chị được các cấp tặng danh hiệu “Kiện tướng hành lang”, được tặng Huy hiệu Bác Hồ, Huân chương Chiến công giải phóng... Tiểu đoàn trở thành ngọn cờ tiêu biểu của ngành hành lang vận tải Khu 5, tập thể đơn vị và Tiểu đoàn trưởng Phạm Thị Thao, Chính trị viên phó Đại đội 2 Nguyễn Thị Huấn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bà Thao kể: “Không chỉ đưa vũ khí, đạn dược, thuốc men ra chiến trường, chuyển thương binh về tuyến sau, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ hàng, bảo vệ đường hành lang, đơn vị còn xuống đồng bằng chuyển gạo, muối, mở đường, dựng nhà, làm kho chứa hàng, sản xuất chăn nuôi tại chỗ. Không nề hà gian khổ, hiểm nguy, với chúng tôi, cứ đưa mỗi chuyến hàng đến tiền tuyến là kéo ngày giải phóng miền Nam gần thêm một ít”.

Niềm tin mãnh liệt ấy đã thôi thúc và tiếp sức cho các nữ quân nhân vượt qua gian khổ, vượt lên chính mình. Những năm tháng ấy, các chị em trong tiểu đoàn chất trên vai bao gạo nặng trĩu, thùng đạn cồng kềnh quyết tâm phải mang bằng được nguyên vẹn ra mặt trận. Giữa đạn bom ác liệt, chị em san sẻ từng viên thuốc, cọng rau, thìa cháo và cùng hát vang bài ca cách mạng. “Điều kiện về ăn, ở, mặc lúc bấy giờ hết sức khó khăn. Chị em động viên nhau ăn sắn, rau rừng để dành gạo nấu cháo phục vụ cho số thương binh nặng từ chiến trường chuyển lên”, bà Thao kể.

Tháng 10-1972, Tiểu đoàn Vận tải nữ 232 giải thể, tất cả các thành viên trong tiểu đoàn được vận chuyển sang làm nhiệm vụ mới. Trong 4 năm công tác, Tiểu đoàn Vận tải nữ 232 đã vận chuyển hơn 5.000 tấn hàng hóa ra chiến trường. Ước tính trung bình, mỗi nữ chiến sĩ đi bộ hơn 600km mỗi năm…

Bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống

Với tinh thần “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Máu có thể đổ, đường không thể tắc”, bộ đội và dân công hỏa tuyến Trường Sơn đã bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống…, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Cầm Bá Trùng (SN 1952, trú quận Liên Chiểu) cho biết, năm 1968, theo sự phân công của tổ chức, ông được biên chế về Sư đoàn 472, Bộ Tư lệnh 559. Hơn 7 năm làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông, mở đường phục vụ vận tải trên đường Trường Sơn, ông đã cùng đồng đội bám đường, bám trọng điểm, phát huy nhiều sáng kiến trong việc bảo đảm giao thông. Chỉ tính trong thời gian 6 tháng đầu năm 1969, ông chỉ huy tiểu đội bảo đảm giao thông ở ngầm Tôm Ru, dốc Tà Beng, dốc 18, đường 128... Dưới bom rơi, đạn nổ, ông động viên, chỉ huy bộ đội bám đường, bám tuyến, bảo đảm cho các đoàn xe vượt qua an toàn.

Ông Trùng nhớ lại, ngày 20-2-1969, đoàn xe chở hàng vào chiến trường gồm 25 chiếc. Máy bay địch thả bom nổ chậm vào khu vực trọng điểm, nhiều quả không biết nổ vào lúc nào. Bằng kinh nghiệm, ông và đồng đội biết rằng bom chưa thể nổ ngay nên trực tiếp dẫn từng chiếc xe qua khỏi bãi bom một cách an toàn… Tối 15-3-1969, trong lúc tiểu đội đang san lấp mặt đường thì bất ngờ máy bay địch thả bồi một loạt bom bi xuống đội hình. Mọi người kịp thời vào hầm trú ẩn. Nắm được quy luật hoạt động của địch, tranh thủ lúc tạm lắng tiếng máy bay, tiểu đội tiếp tục hoàn thành khối lượng công việc còn lại để kịp thời cho xe ta vượt qua trọng điểm. Địch lại kéo đến, thả một loạt bom xuống nơi đơn vị đang làm việc rồi thả pháo sáng và bay đi. Lợi dụng ánh sáng của pháo sáng, tiểu đội kiểm tra lại lần cuối để xe tiếp cận, vượt qua trọng điểm trước giờ cao điểm oanh tạc của máy bay địch...

​​​​​​​Ông Trùng kể, có lần vào tháng 2-1971, một đoàn xe của ta bị máy bay địch đánh trúng đội hình. Một số xe bị cháy, đường tắc. Nếu chậm trễ thì máy bay địch sẽ vòng trở lại. Tiểu đội nhanh chóng tiếp cận hiện trường, san lấp hố bom, dập lửa, băng bó cho thương binh và trực tiếp dẫn từng chiếc xe qua trọng điểm. Nhờ đó, hơn 30 xe còn lại được an toàn, thương binh được đưa về cấp cứu... 

Đến giờ, ông Hồ Văn Chi (SN 1945, quê tỉnh Nghệ An, trú quận Hải Châu) vẫn nhớ như in những tháng ngày gian nan, hiểm nguy nơi mặt trận Trường Sơn. Năm 1970, ông Chi tham gia Đội khảo sát thiết kế giao vận 5. Nhiệm vụ của ông và đồng đội là đi khảo sát tuyến đường thuộc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk. Ông Chi cho biết, mỗi khi cấp trên ra quyết định mở  đường từ điểm này đến điểm kia, lực lượng kỹ sư, kỹ thuật, công nhân sẽ căn cứ vào bản đồ, vạch ra tuyến và bắt đầu vượt rừng núi mênh mông để đi soi đường, phát quang cây cối, cắm mốc để bộ đội, thanh niên xung phong, dân công tiến hành mở đường. Là lực lượng tiên phong trong công tác mở đường nên đơn vị ông gặp vô vàn gian nan, hiểm nguy giữa rừng thiêng nước độc, thú dữ, mưa lụt, lũ bão nhưng tất cả đều quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trong 16 năm, các lực lượng trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã chiến đấu anh dũng. Biết bao bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình để giữ vững mạch máu giao thông trên con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại này.

LÊ HÙNG

;
;
.
.
.
.
.