70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Tháng Năm về thăm quê hương Đại tướng

.

Trong những ngày sôi nổi kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, khi cả nước hướng về mảnh đất Điện Biên lịch sử, chúng tôi may mắn có mặt tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình (tên cũ là làng An Xá, tổng Đại Phong Lộc, huyện Lệ Thủy, phủ Quảng Ninh). Đây là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cất tiếng khóc chào đời và là nơi chứng kiến những năm tháng tuổi thơ của vị Đại tướng lừng danh đã góp công to lớn làm nên “thiên sử vàng” Điện Biên Phủ chấn động năm châu.

Đoàn tham quan chụp ảnh cùng ông Võ Đại Hàm (thứ 4, bên trái sang) trước ngôi nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: N.H
Đoàn tham quan chụp ảnh cùng ông Võ Đại Hàm (thứ 4, bên trái sang) trước ngôi nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: N.H

Thời tiết miền Trung vào hè nắng như đổ lửa, nhưng khu vườn nhỏ mát dịu và 3 gian nhà gỗ đơn sơ - nơi sinh ra Đại tướng - vẫn không ngớt các đoàn khách tham quan.  Không hẹn mà gặp, nhiều người dân từ các nơi về với Quảng Bình, sau khi viếng khu mộ của Đại tướng ở Vũng Chùa - Đảo Yến thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, thì tâm tư mọi người đều muốn về thăm ngôi nhà gắn bó với tuổi thơ của vị tướng huyền thoại.

Ngay khi đứng trước cổng chính vào khu vườn nhà, du khách như được chạm vào ký ức về những xóm làng cổ xưa truyền thống ở một vùng quê miền Trung, thật thanh bình, thật gần gũi. Cổng chính được làm bằng gỗ đơn sơ nhưng vững chãi, trên lợp lá. Tiếp nối cổng vào là hàng chè tàu quen thuộc, bao quanh khu sân vườn rộng rãi, thoáng đãng. Sau khoảng sân rộng là ngôi nhà ba gian, hai chái truyền thống, mái hiên lợp tranh che nắng che mưa.

Được biết, ngôi nhà này đã từng bị giặc Pháp đốt cháy trụi năm 1947, mãi đến 30 năm sau, năm 1977, ngôi nhà được gia đình Đại tướng và chính quyền địa phương phục dựng nguyên trạng trên nền đất cũ. Trong ngôi nhà này, hầu như những vật dụng gia đình như: tủ sách, tấm phản, bộ tràng kỷ, sập gụ, tủ thờ... đều đã được sắp xếp lại như xưa. Gian chính của ngôi nhà là bàn thờ, tượng và di ảnh của Đại tướng. Một bộ tràng kỷ dành cho khách viếng thăm ngồi ghi cảm tưởng; một số bức ảnh chọn lọc được trưng bày, trong đó đặc biệt có ảnh Đại tướng chụp chung với Bác Hồ và các đồng chí của mình. Gian bên cạnh còn có chiếc sập gụ đã bóng nước thời gian.

Chúng tôi lần lượt thành kính thắp hương tưởng nhớ, lặng ngồi bên bộ tràng kỷ để nhìn ngắm những kỷ vật gắn với tuổi thơ của Đại tướng và lắng nghe những câu chuyện về ông. Tiếp chúng tôi bên chiếc bàn nhỏ nơi hiên nhà là người đàn ông khoảng ngoài 80, người rắn rỏi quắc thước. Đó là ông Võ Đại Hàm, cháu gọi Đại tướng bằng ông thúc bá, là người nhận nhiệm vụ trông coi ngôi nhà hơn 40 năm qua. Ông vốn là công chức nhà nước, không gắn với binh nghiệp, nhưng lại là người có vinh dự được Đại tướng và tộc họ tin cậy giao cho nhiệm vụ trông coi khu nhà lưu niệm quý giá này. Lâu dần, ông đồng thời trở thành người thuyết minh cho khách trong và ngoài nước về khu nhà lưu niệm.

Ông Hàm chậm rãi kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện liên quan đến gia đình và tuổi thơ của Đại tướng. Những lần Đại tướng về thăm quê. Câu chuyện về ngôi nhà lưu niệm. Chuyện về tấm lòng người dân quê hương với Đại tướng và tình cảm của Đại tướng với quê hương…Những câu chuyện này có lẽ ông Hàm đã kể hàng trăm, có khi hàng nghìn lần, nhưng lần nào cũng có cảm giác ông rất xúc động. Đó là nỗi xúc động của riêng ông với tư cách là người trong dòng tộc, nhưng đồng thời cũng là nỗi xúc động của mọi người đến nơi đây khi nghĩ về cuộc đời của Đại tướng.

Kết thúc câu chuyện, ông Hàm dẫn chúng tôi ra chiêm ngưỡng cây khế cổ thụ ngoài sân vườn gắn liền với tuổi ấu thơ của Đại tướng, do hai cụ thân sinh của ông trồng. Theo lời ông Hàm, cây khế này chính là chứng tích duy nhất còn lại trong khuôn viên ngôi nhà gia đình Đại tướng. Qua hai cuộc chiến tranh, bom đạn bắn phá, gần như ngôi nhà cũ của gia đình Đại tướng bị san phẳng, riêng cây khế vẫn đứng vững và nhờ thế mà những người thợ xác định được vị trí chính xác để phục dựng ngôi nhà trên nền đất cũ như hiện nay. Điều thú vị là đã hơn trăm tuổi nhưng cây khế vẫn đều đặn ra hoa bói quả.

Rời ngôi nhà đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ của Đại tướng và cũng là khu lưu niệm quý giá của người dân quê hương Quảng Bình và người dân cả nước, mối liên tưởng đã dẫn chúng tôi đến với 56 ngày đêm gian nan và hào hùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ, đến với những đêm thức trắng trước những quyết định mang tính lịch sử làm nên phút giây toàn thắng vẻ vang trên chiến trường, buộc tướng Pháp phải đầu hàng ngay tại căn cứ Mường Thanh. Từ ngôi nhà bình dị đơn sơ này một con người đã được sinh ra, đã có những bước chập chững đầu tiên, được tôi luyện để trở thành vị tướng tài ba với những bước đi lịch sử, là một phần của lịch sử.

Trong tâm khảm của mỗi con người Việt Nam, quê hương và tuổi thơ luôn là máu thịt, là bệ đỡ cho những bước đi trong đời. Với một trí thức, một dũng tướng tài ba như Võ Nguyên Giáp, trải bao gian nan thử thách, quê hương luôn chiếm giữ vị trí quan trọng trong cuộc đời ông, giúp ông yên tâm dấn thân và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Chiến thắng Điện Biên Phủ là cột mốc chói lọi đầu tiên trong thời đại Hồ Chí Minh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo dân tộc bước tiếp những chặng đường mới đầy vẻ vang trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giành thắng lợi cuối cùng, thống nhất Tổ quốc thân yêu, giang sơn thu về một mối.

NẠI HIÊN

;
;
.
.
.
.
.