Tháng 5 nhớ Bác

.

Cứ mỗi độ tháng 5 về, nữ biệt động “thép” Trần Thị Kim Cúc (SN 1936, tổ 13, phường Thanh Bình, quận Hải Châu), nguyên Đội trưởng Đội công tác đặc biệt nội thành Đà Nẵng, lại bồi hồi nhớ Bác. Với bà Cúc, dù thời gian có thể xóa nhòa mọi thứ nhưng kỷ niệm về 9 lần gặp Bác Hồ luôn được khắc sâu trong tim, là ánh sáng soi đường cho cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của bà.

Bà Trần Thị Kim Cúc xem lại những bức ảnh và hồi tưởng kỷ niệm về những lần gặp Bác Hồ. Ảnh: LAM PHƯƠNG
Bà Trần Thị Kim Cúc xem lại những bức ảnh và hồi tưởng kỷ niệm về những lần gặp Bác Hồ. Ảnh: LAM PHƯƠNG

Ấn tượng lần đầu gặp Bác

Chúng tôi đến thăm bà Cúc những ngày gần sinh nhật Bác 19-5. Trong căn nhà nhỏ ấm cúng, tấm ảnh chân dung Bác Hồ được treo trang trọng giữa nhà. Lần giở cuốn nhật ký viết trong những ngày chiến đấu với bệnh tật ở miền Bắc, bà Cúc chùng lại ở những trang viết về 9 lần được gặp Bác Hồ.

Lần đầu tiên vào năm 1966, đúng vào ngày sinh của Bác, khi ấy bà Cúc đang điều trị bệnh tại khoa A1, Bệnh viện Việt - Xô. Bà Cúc nhớ như in, hôm đó là thứ Bảy, sau bữa cơm chiều, bà nằm trên giường bệnh, lòng đang nghĩ về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang trong giai đoạn ác liệt. Lúc này, giám đốc bệnh viện cùng bác sĩ chủ nhiệm khoa bước vào hỏi thăm tình hình sức khỏe và thông báo lát nữa có người trong Phủ Chủ tịch đến thăm. Nghe đến đây, bà Cúc ngớ người suy nghĩ là ai nhưng trong lòng khấp khởi hy vọng đó là Bác Hồ. “Tôi là người con miền Trung, chưa một lần gặp Bác nhưng suốt những năm tháng tham gia cách mạng, hình ảnh Bác Hồ luôn ở trong tim, là kim chỉ nam soi đường chỉ lối cho tôi thắng chông gai, vượt giông bão nên tôi vẫn thầm mong người đến thăm là Bác. Từ lúc nghe giám đốc bệnh viện thông báo, tôi hồi hộp luôn dõi mắt ra cửa chờ đợi”, bà Cúc nhớ lại.

Đúng 19 giờ, một chiếc ô-tô tiến vào sảnh nhà A1. Trên xe bước xuống là một ông già với chòm râu trắng, mặc áo bà ba lụa màu nâu, khoác bên ngoài là áo blouse trắng, dáng đi nhanh nhẹn, khoan thai. Theo sau là thư ký Vũ Kỳ, giám đốc bệnh viện và chủ nhiệm khoa A1. “Tôi nhìn chăm chú và linh tính nhận ra đó là Bác, tôi reo lên: Bác Hồ, đúng là Bác Hồ rồi và nhón chân định chạy ra cửa. Lúc đó Bác vừa vào tới, xua tay bảo tôi đừng chạy kẻo ngã”, bà Cúc xúc động kể. Sau khi nghe giám đốc bệnh viện thông báo về tình hình sức khỏe và hướng chữa trị, Bác chảy nước mắt, sờ tay lên đầu hỏi về vết thương bị địch đóng đinh vào não của bà Cúc. Rồi Bác hỏi chuyện ăn, ngủ của bà, dặn chủ nhiệm khoa A1 ngoài việc chăm sóc thuốc men cần chú ý đến chuyện ăn uống, thay đổi thực đơn. Bác còn biết rõ người miền Trung thích ăn canh cá nấu chua nên dặn nhà bếp chuẩn bị chu đáo để bà Cúc ăn ngon miệng. Sau khoảng 2 giờ trò chuyện, Bác ra về, hứa sẽ đón bà Cúc vào Phủ Chủ tịch ăn cơm cùng Bác.

Khắc ghi ân tình của Bác

Sau đó là liên tiếp 4 buổi chiều, Bác cho xe đón bà Cúc vào Phủ Chủ tịch. Ở đây, bà Cúc được ngồi ăn cơm cùng Bác, kể cho Bác nghe những câu chuyện ở chiến trường miền Nam đánh Mỹ và quá trình tham gia cách mạng của bản thân. Lần nào kể chuyện cho Bác nghe, dù chuyện vui hay buồn Bác đều rơi nước mắt, xót xa cho đồng bào, chiến sĩ đang ngày đêm vượt gian khó đánh Mỹ. Lần thứ 6, bà Cúc vào Phủ Chủ tịch, Bác bảo bà về chuẩn bị, hai ngày nữa sang Bắc Kinh chữa bệnh và dặn bà tranh thủ học tiếng Trung. Vâng lời Bác, suốt thời gian điều trị, dù đau ốm, lên cơn động kinh liên miên nhưng cứ lúc nào tỉnh, bà Cúc lại nhờ người phiên dịch dạy tiếng Trung. Sau 18 tháng điều trị, bà Cúc về nước.

Chiều 30 Tết năm 1968, bà Cúc được Bác gọi vào Phủ Chủ tịch để hỏi thăm tình hình sức khỏe sau khi điều trị. Thấy bà ăn mặc phong phanh, Bác dặn phải chú ý giữ gìn sức khỏe, nhất là che chắn phần đầu để không bị ốm. Rồi Bác lấy mũ đội cho bà, lấy khăn quàng cổ có hai màu tượng trưng hai miền Nam, Bắc quàng lên cổ bà. Trong bữa cơm cùng Bác, khi được hỏi về nguyện vọng, bà Cúc bày tỏ mong muốn được trở lại chiến trường vì đạn bom ở quê hương đang ác liệt. Nghe vậy Bác im lặng, lấy khăn lau nước mắt, rồi bảo bà đợi vết thương ổn định. Biết Bác không đồng ý, bà Cúc xin Bác được đi học. Một lần nữa vì lo cho sức khỏe của bà, Bác im lặng. Sau đó, Bác “kiểm tra” khả năng tiếng Trung của bà Cúc bằng một câu hỏi tiếng Trung. Sau khi trả lời Bác bằng tiếng Trung, Bác xoa đầu bà khen giỏi, rồi nói: chỉ cần có ý chí thì học ở đâu cũng được, không cần phải đến trường. Biết Bác không muốn bà đi học vì lý do sức khỏe, bà Cúc giấu Bác, trốn đi học bổ túc văn hóa ở Trường Phổ thông lao động Trung ương (tỉnh Hưng Yên).

Đầu năm 1969, bà Cúc được Đài Tiếng nói Việt Nam nêu gương về thành tích học tập. Hay tin, Bác cho thư ký xuống trường đón bà Cúc vào phủ. “Lúc này, sức khỏe Bác đã yếu, da dẻ không còn hồng hào như trước. Bác nằm trên giường, nắm tay tôi dặn dò đủ điều...”, bà Cúc kể. Trò chuyện một lúc thì Bác mệt nên nằm nghỉ, bà Cúc đi ăn cơm cùng ông Phạm Văn Đồng và mọi người, sau đó về nhà khách Trung ương. Chiều đó, ông Vũ Kỳ đón bà Cúc vào lại Phủ Chủ tịch ăn cơm tối cùng Bác. Bác dặn thư ký mua sách vở, bút mực, lương khô làm quà cho bà Cúc đem về trường. Sau bữa cơm, bà Cúc chia tay Bác, trở lại trường học tập. Đây cũng là lần cuối cùng bà Cúc được gặp Bác.

Ngày 2-9-1969, khi đang học ở trường, bà Cúc nghe đài, hay tin Bác mất. “Nghe tin Bác mất nước mắt tôi chảy dài, cảm giác hụt hẫng, nghẹn ngào dâng trào như vừa mất đi người thân yêu. Tôi lên cơn động kinh nặng. Trong lúc bất tỉnh, tôi thấy Bác Hồ đang ở trên cao, vẫy tay xuống bảo tôi cố gắng lên. Từ đó, tôi nỗ lực học giỏi để đền đáp công ơn, tình yêu thương của Bác”, bà Cúc tâm sự.

Sau đó, bà Cúc thi đậu vào khoa Hóa, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhờ nỗ lực học giỏi, bà Cúc nhận được học bổng đi Liên Xô nhưng vì điều kiện sức khỏe nên đành nhường lại cho người khác. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bà Cúc về lại quê nhà, tiếp tục cống hiến, tham gia các hoạt động công tác tại địa phương và trở thành tấm gương sáng cho con cháu và thế hệ trẻ noi theo.

Bà Trần Thị Kim Cúc tham gia cách mạng năm 14 tuổi, làm giao liên cho Huyện ủy Hòa Vang. Năm 17 tuổi, bà được phân công làm Đội trưởng Đội công tác đặc biệt nội thành Đà Nẵng. Năm 20 tuổi, bà vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Với tinh thần dũng cảm, gan dạ và sự mưu trí, bà Cúc tham gia nhiều trận đánh Mỹ nức tiếng. Nhiều lần bị địch bắt tra tấn dã man, bà vẫn một lòng trung thành với cách mạng. Năm 1966, bà Cúc được đưa ra miền Bắc chữa bệnh và có 9 lần được gặp Bác Hồ. Bà Cúc hiện là thương binh 1/4, thương tật 95%.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.