Báo Đà Nẵng tiếp tục ghi nhận ý kiến sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
* Bà Trần Tường Vân, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê: Chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành
Việc chính thức áp dụng mô hình chính quyền đô thị sẽ tạo điều kiện cho các địa phương chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành. Đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu tại các tại quận, phường được đề cao và hoàn toàn chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trong lãnh đạo, điều hành công việc.
Hơn nữa, sẽ quyết định nhanh những vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương khi được phân cấp, ủy quyền. Vai trò, trách nhiệm của từng các nhân, thành viên trong UBND các cấp cụ thể hơn. Việc phân công nhiệm vụ cho các thành viên được rõ ràng và chịu trách nhiệm cụ thể sẽ giúp cho các thủ trưởng chủ động hơn trong công việc cũng như phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Với mô hình chính quyền đô thị sẽ khiến cho bộ máy chính quyền tại địa phương được tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Nhiệm vụ của từng công chức được rà soát, bảo đảm phù hợp với năng lực, sở trường, vị trí việc làm. Qua đó, dễ dàng đánh giá được năng lực của từng cán bộ, công chức trong điều hành, tổ chức nhiệm vụ được giao.
* Ông Phan Công Bằng, Bí thư Đảng ủy phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu): Đòn bẩy để thành phố phát triển
Người dân Đà Nẵng rất phấn khởi khi Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Điều này sẽ tạo đòn bẩy giúp thành phố phát huy hết được tiềm năng, lợi thế và tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo cơ hội để thành phố từng bước tháo gỡ các khó khăn do các kết luận, thanh tra, kiểm tra… kéo dài nhiều năm qua. Việc tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị trong thời gian qua đã giúp thành phố tinh gọn bộ máy, tiết kiệm nguồn ngân sách. Chính quyền đô thị cũng giúp thành phố thuận lợi hơn trong phát triển, thể hiện được vai trò đầu tàu kinh tế của khu vực miền Trung.
* Ông Hồ Tấn Phước, Phó Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà): Tính thống nhất, thông suốt trong điều hành, quản lý của UBND phường
Trải qua thời gian thí điểm cho thấy, cơ chế hoạt động của UBND phường từ khi thực hiện chính quyền đô thị là cơ chế thủ trưởng, công khai quyết định, tạo ra ưu điểm của việc triển khai mô hình chính quyền đô thị là việc tổ chức bộ máy tinh gọn, thủ tục hành chính cắt giảm, tăng tính chủ động trong điều hành chính quyền, tăng trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phát huy dân chủ. Công tác chỉ đạo, điều hành của phường xuyên suốt, cụ thể hơn, bảo đảm sự điều hành trực tiếp, nâng cao tính chủ động của cơ quan hành chính và trách nhiệm người đứng đầu. Khi không tổ chức HĐND, UBND phường hoạt động theo chế độ thủ trưởng nhưng vẫn bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ... Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tập thể UBND phường vẫn đảm bảo; thẩm quyền, trách nhiệm của chủ tịch và các thành viên khác được phát huy.
* Ông Lê Quang Hiếu, Bí thư Chi bộ 1 Hóa Sơn, phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu): Kỳ vọng tiếng nói của cử tri, nhân dân sớm được giải quyết
Tôi rất vui khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị. Trong thời gian thí điểm, mô hình chính quyền đô thị đã phát huy hiệu quả quyền làm chủ của người dân, giải quyết nhanh, sớm các đóng góp ý kiến, kiến nghị xây dựng thành phố. Thời gian tới, tôi kỳ vọng mô hình chính quyền đô thị sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, thông qua những cuộc đối thoại giữa người đứng đầu các cấp với nhân dân, kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị của nhân dân ngay tại cơ sở. Từ đó, tạo niềm tin, sự đồng thuận trong nhân dân, góp sức để Đà Nẵng ngày càng phát triển văn minh, hiện đại.
NHÓM PV THỜI SỰ