ĐNO - Ngày 8-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng thảo luận ở tổ số 11 cùng đại biểu các tỉnh: Tuyên Quang, Tây Ninh, Sơn La.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu thảo luận. Ảnh: V.H |
Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội cho biết, khái niệm đưa ra các hành vi: tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao và tiếp nhận.
Qua báo cáo tổng kết việc thi hành luật thời gian qua cho thấy, một số hành vi, thủ đoạn phổ biến là môi giới hôn nhân, môi giới xuất khẩu lao động, môi giới nhận trẻ em làm con nuôi; môi giới giữa người mua, người bán ghép tạng để thực hiện hành vi mua bán người. Do đó, cơ quan soạn thảo cần bổ sung vào phần khái niệm hành vi “Môi giới”.
Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục an ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) cho biết, thời gian gần đây, tình hình mua bán người ở khu vực biên giới diễn biến khá phức tạp.
Vừa qua, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là lực lượng vũ trang tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trên các địa bàn.
Bên cạnh đó, việc đánh giá tình hình về mua bán người có chiều hướng phức tạp và gia tăng, thủ đoạn tinh vi.
Đặc biệt là đối tượng tổ chức, phạm tội nằm trong các băng nhóm có tổ chức, có tiền án, tiền sự, có các hoạt động phức tạp, nhiều thành phần nghề nghiệp khác nhau, tạo thành đường dây khép kín để mua bán.
Theo báo cáo của Bộ Công an, từ tháng 1-2012 đến tháng 2-2023, đã khởi tố 1.744 vụ, 3.059 bị can. Vì vậy, đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện đối với những cơ sở pháp lý đã nêu trong tờ trình và báo cáo thẩm tra.
Qua nghiên cứu, đại biểu Trần Đình Chung đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu chỉnh lý về khái niệm mua bán người để bảo đảm yêu cầu đặt ra.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh phát biểu thảo luận. Ảnh V.H |
Thảo luận về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, đại biểu Nguyễn Duy Minh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tán thành sự cần thiết việc ban hành luật.
Theo đại biểu, trong các báo cáo nhận định gần đây của Bộ Công an và các địa phương, tình trạng vi phạm pháp luật của người chưa thành niên ngày càng gia tăng. Trong các nhận định, có xu hướng trẻ hóa; các cử tri cũng phản ánh tình trạng bạo lực học đường, chủ yếu ở độ tuổi chưa thành niên.
Đại biểu cũng đặc biệt ghi nhận dự thảo luật vừa thể hiện tính nghiêm khắc, vừa nhân văn. Đi vào một số ý kiến cụ thể, đại biểu cho biết, người làm công tác xã hội được nêu trong Điều 4, 27, 31, quy định các điều kiện của “người làm công tác xã hội” và nhiệm vụ, quyền hạn khá nặng nề và khó khăn.
Do đó, cân nhắc, bổ sung thêm chế độ, chính sách, bởi công việc khó khăn, quá trình làm công tác xã hội sẽ vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của người chưa thành niên, của gia đình.
Về các biện pháp “Xử lý, chuyển hướng”, đại biểu thống nhất 12 biện pháp trong dự thảo nhưng cần quan tâm thêm việc tham gia, điều trị, tư vấn tâm lý; cần cân nhắc thêm tính khả thi, hợp lý tại khoản 4, Điều 153 của dự thảo luật...
N.PHÚ - VŨ HƯNG