Kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của uỷ ban kiểm tra các cấp được quy định tại Điều 32, Điều lệ Đảng. Đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và gặp nhiều trở ngại vì: Đối tượng kiểm tra sợ bị kiểm tra, sợ ảnh hưởng đến uy tín, sợ mất thành tích, nên thường xuất hiện tâm lý mặc cảm, phản ứng, đối phó, thiếu hợp tác, thiếu trung thực và không tự giác nhận lỗi.
Tổ chức đảng có liên quan thường e ngại, không muốn cộng tác trong quá trình kiểm tra. Một bộ phận ủy ban kiểm tra và cán bộ kiểm tra thiếu bản lĩnh, dũng khí, tính chiến đấu, nên có biểu hiện né tránh, nể nang, ngại va chạm; chưa tích cực trong công tác tham mưu đề xuất, đề ra giải pháp nắm bắt thông tin liên quan đến đối tượng thông qua nguồn thông tin từ báo chí, dư luận xã hội; các đơn thư giấu tên, không rõ địa chỉ. Bên cạnh đó nhận thức của một số cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy về công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm chưa đầy đủ theo quy định.
Đảng ủy khối Các cơ quan thành phố tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng năm 2024 cho các tổ chức đảng trực thuộc. Ảnh: P.V |
Hiện nay, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng càng trở nên cấp thiết gắn với kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, các biểu hiện suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; do đó công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được Đảng xác định là một trong những giải pháp trọng tâm.
Đồng thời, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên cần được tăng cường hơn để ngăn ngừa vi phạm và xử lý kịp thời nếu có vi phạm. Qua đó, phát huy tính giáo dục, tính nhân văn, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên, trước hết cần coi trọng việc nâng cao nhận thức cho các tổ chức đảng, nhất là cấp uỷ các cấp về vai trò, vị trí, ý nghĩa, tác dụng, quy trình và phương pháp kiểm tra để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, làm cho công tác kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm đạt chất lượng và hiệu quả.
Công tác nắm tình hình tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên phải được thực hiện thường xuyên, tăng cường công tác giám sát thường xuyên, theo dõi kết quả thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên từng địa phương, cơ quan, đơn vị và mở rộng nội dung giám sát chuyên đề trọng tâm là lĩnh vực tài chính, quản lý và sử dụng đất, xây dựng, đấu thầu, công tác cán bộ… những nơi dễ phát sinh vi phạm. Ủy ban kiểm tra các cấp cần chủ động thực hiện công tác giám sát, kết hợp nhiều kênh thông tin, phát hiện, xác định, nhận định chuẩn xác dấu hiệu vi phạm mà tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm, dễ phát sinh vi phạm, có nhiều bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân.
Công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm cần thực hiện đúng phương châm chủ động phòng ngừa, giáo dục, ngăn chặn không để xảy ra vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên; giúp cho tổ chức đảng và đảng viên kiểm tra thấy được khuyết điểm hoặc vi phạm (nếu có), không để khuyết điểm trở thành vi phạm. Đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới chỉ khi có dấu hiệu vi phạm thì mới tiến hành kiểm tra, có dấu hiệu vi phạm nội dung nào thì kiểm tra nội dung đó, sau kiểm tra phải làm rõ đúng, sai, kết luận chuẩn xác có hay không vi phạm và xử nếu có vi phạm thì xử lý đảm bảo công minh, chính xác, kịp thời.
Hiện nay có một số nơi nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm; cho rằng đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm thì phải xử lý kỷ luật do vậy cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho tổ chức đảng và đảng viên về vị trí, ý nghĩa, tác dụng việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra để chỉ đạo, tiến hành kiểm tra hoặc chấp hành nghiêm chỉnh khi được kiểm tra.
Mặt khác cần nghiên cứu đổi mới phương pháp quy trình kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên phải gắn với chức năng nhiệm vụ quyền hạn của từng loại tổ chức đảng hoặc tùy từng loại hình tổ chức đảng mà vận dụng ban hành quy trình kiểm tra ở cấp mình, trong đó đảm bảo qui định những việc nhất thiết phải thực hiện trong quá trình kiểm tra; qua đó góp phần cải cách thủ tục hành chính trong Đảng, phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả và phát huy được tính chủ động, sáng tạo của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra, cán bộ, đảng viên.
Tăng cường công tác phối hợp với các tổ chức đảng có liên quan, các cơ quan bảo vệ pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đồng thời thực hiện tốt quy định kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm, nhất là hành vi lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
HÀ ĐỨC HOÀI