Nỗ lực cải thiện chỉ số cải cách hành chính

.

Thành phố có nhiều giải pháp để không ngừng nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (Par-Index), Chỉ số mức độ hài lòng của các tổ chức, công dân, doanh nghiệp đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công (Sipas).

Người dân đến giao dịch tại bộ phận “Một cửa” Trung tâm Hành chính thành phố. Ảnh: TRỌNG HUY
Người dân đến giao dịch tại bộ phận “Một cửa” Trung tâm Hành chính thành phố. Ảnh: TRỌNG HUY

Theo báo cáo phân tích Par-Index của thành phố do Bộ Nội vụ công bố, năm 2023, dù đạt 87,68 điểm, tăng hơn 1,14 điểm so với năm 2022, Đà Nẵng xếp thứ 12/63 tỉnh, thành, giảm  7 bậc so năm ngoái. Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đứng thứ 3, sau Hải Phòng và Hà Nội. Đà Nẵng đứng thứ nhất vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (14 tỉnh, thành phố). Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Trung Sơn cho rằng, điểm sáng trong chỉ số Par-Index năm 2023 của thành phố, đó là so với 11 đơn vị xếp trên về chỉ số Par-Index, điểm thẩm định Đà Nẵng đứng thứ 5, chỉ thấp hơn đơn vị đứng đầu là Quảng Ninh 0,3 điểm. Điều này cho thấy, công tác cải cách hành chính (CCHC) của thành phố được đánh giá cao. Đối với điểm Sipas, thành phố đứng thứ 22/63 tỉnh, thành phố, tăng 12 bậc so với năm 2022.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng, để cải thiện chỉ số CCHC của thành phố năm 2024 và những năm tiếp theo, thành phố cần tiếp tục triển khai một số giải pháp như tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và thường xuyên quán triệt mục đích, nội dung, vai trò của công tác CCHC của thành phố; trách nhiệm của từng cơ quan, người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành, địa phương trong việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ CCHC thành phố giao. Các địa phương, đơn vị đẩy mạnh công tác tham mưu UBND thành phố triển khai các giải pháp khắc phục những hạn chế, không ngừng nâng cao cải thiện điểm số, thứ hạng các Chỉ số Par-Index, Sipas; người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả thực hiện các nhiệm vụ CCHC được giao.

Các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 34-CT/TU của Thành ủy về tiếp tục đẩy mạnh CCHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, kịp thời chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp sai phạm (nếu có); nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong giải quyết, phối hợp giải quyết công việc, bảo đảm có chất lượng, đúng tiến độ được giao; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao cho cấp dưới, chấn chỉnh, xử lý tình trạng đùn đầy, né tránh công việc, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhũng nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát, đôn đốc hoàn thành 100% các nhiệm vụ CCHC được UBND thành phố giao, trong đó chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà cơ quan, đơn vị đã đăng ký trong thực hiện chỉ tiêu về đẩy mạnh CCHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương theo chủ đề năm 2024 của thành phố gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của từng cơ quan, đơn vị, từng công chức, viên chức, tạo sự chuyển biến rõ nét về năng suất lao động, tinh thần và động lực làm việc, khơi thông các nguồn lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Thành phố tổ chức hội nghị phân tích chỉ số Par-Index, Sipas do Bộ Nội vụ công bố để đưa ra các giải pháp cải thiện chỉ số. Ảnh: TRỌNG HUY
Thành phố tổ chức hội nghị phân tích chỉ số Par-Index, Sipas do Bộ Nội vụ công bố để đưa ra các giải pháp cải thiện chỉ số. Ảnh: TRỌNG HUY

Ông Võ Ngọc Đồng đề nghị các cấp, các ngành, địa phương tiến hành rà soát phân tích cụ thể, phát huy hiệu quả kết quả đạt được và có giải pháp khắc phục ngay các tiêu chí, các nội dung còn bất cập, chưa đạt yêu cầu, những tiêu chí mất điểm qua các năm, đặc biệt là mất điểm do yếu tố chủ quan. Tiếp tục tập trung công tác cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực liên quan đến người dân, doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực quan trọng như đầu tư, đất đai, xây dựng. Từng cấp, từng ngành chủ động thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng cơ sở dữ liệu đã kết nối trong quản lý và giải quyết thủ tục hành chính, phát huy những kết quả đạt được trong công tác xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trong công tác chuyển đổi số, tập trung đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, tích cực hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Par - Index là chỉ số CCHC, là công cụ quan trọng để theo dõi, đánh giá hoạt động CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố. Chỉ số CCHC cấp tỉnh được sử dụng đánh giá, xếp hạng 63 UBND tỉnh, thành phố, với 8 lĩnh vực đánh giá, 37 tiêu chí và 88 tiêu chí thành phần. Tổng điểm đánh giá là 100 điểm, trong đó, 32 điểm là đánh giá thông qua điều tra xã hội học.
SIPAS là Chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Kết quả đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước được thể hiện bằng một bộ chỉ số gồm 3 loại với số lượng chỉ số khác nhau: Chỉ số nhận định, đánh giá của người dân, với 45 chỉ số; Chỉ số hài lòng của người dân, với 51 chỉ số; Chỉ số nhu cầu, mong đợi của người dân, với 10 chỉ số. Bộ chỉ số này được xây dựng, phản ánh trên phạm vi cả nước nói chung và của từng tỉnh, thành phố nói riêng.

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.