Chính quyền đô thị Đà Nẵng: Từ thí điểm đến chính thức - Bài 2: Cần cơ chế phù hợp

.

Với vị trí, vai trò quan trọng của khu vực miền Trung và cả nước, là đô thị hạt nhân nên thành phố Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai tổ chức chính quyền đô thị. Đây cũng là cơ sở để Trung ương ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, đã thông qua Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025. Ảnh: Q.H
Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, đã thông qua Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025. Ảnh: Q.H

Khi thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, thành phố Đà Nẵng đã phát huy được những tính ưu việt của mô hình. Song trong quá trình thực hiện phát sinh nhiều vướng mắc do thiếu cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, yêu cầu ban hành nghị quyết mới để khắc phục những tồn tại, đề ra chính sách đặc thù bảo đảm tương đồng với các thành phố lớn trong cả nước theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết mới của Quốc hội cho phép thành phố Đà Nẵng chính thức tổ chức chính quyền đô thị ra đời.

Khẳng định vai trò đầu tàu

Trình bày tờ trình báo cáo tóm tắt dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào ngày 13-5-2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội. Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14, thành phố Đà Nẵng đạt được một số kết quả nổi bật về hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước và đẩy mạnh cơ chế phân cấp, ủy quyền từ chính quyền thành phố cho chính quyền quận, phường. Tuy nhiên, thành phố còn gặp một số khó khăn, vướng mắc về cơ cấu tổ chức, cơ chế tài chính của UBND quận, phường; về liên thông cán bộ và biên chế công chức phường; về thẩm quyền của HĐND quận, phường.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Nghị quyết số 119/2020/QH14 chủ yếu tập trung vào thí điểm mô hình chính quyền đô thị, còn thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội, đột phá, có tính động lực, lan tỏa. Do đó, với việc xây dựng dự thảo nghị quyết mới thay thế nhằm xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm phát huy tính ưu việt, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập của mô hình chính quyền đô thị và tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng như mục tiêu đặt ra tại các nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội.

Ngày 7-6-2024, tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV, hơn 20 đại biểu thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, hầu hết tán thành phải ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 119/2020/QH14. Theo đó, việc ban hành nghị quyết mới thay thế nhằm tạo cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội, đột phá để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thành phố Đà Nẵng đạt được các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW là hết sức cần thiết.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng là đô thị hạt nhân trong chuỗi đô thị động lực của vùng, một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Quá trình phát triển theo định hướng của Trung ương, Đà Nẵng đạt được nhiều điểm sáng tích cực về du lịch, thành phố thông minh và chuyển đổi số, và sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa nếu như có cơ chế, chính sách đột phá. Còn đại biểu Hà Sỹ Đồng, đơn vị tỉnh Quảng Trị cho rằng, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị và 3 năm thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội, cho thấy thành phố Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đặc biệt khẳng định việc thực hiện mô hình tổ chức một cấp chính quyền đô thị theo chủ trương của Đảng từ Nghị quyết Trung ương 5 khóa X đến các nghị quyết tới nay là đúng đắn, phù hợp với đặc điểm của đô thị.

Phải có cơ chế mới cho Đà Nẵng

Giải trình các ý kiến thảo luận của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Đà Nẵng là một thành phố hết sức năng động, với một vị trí hết sức quan trọng, vừa qua đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng trên rất nhiều mặt. Tuy nhiên, quy mô của Đà Nẵng hiện đang còn rất nhỏ, không gian phát triển và dư địa phát triển của thành phố bắt đầu bó hẹp lại. Do đó, cần phải có một cơ chế mới cho Đà Nẵng vừa phát huy được vai trò là trung tâm của vùng động lực miền Trung. Ngoài ra, Đà Nẵng là một cực tăng trưởng của cả nước, nên khi bàn đến Đà Nẵng thì không phải bàn riêng cho Đà Nẵng mà bàn cho cả vùng miền Trung, làm bệ đỡ cho cả Tây Nguyên. Đà Nẵng phải đi trước, phải đạt được những thành tựu cao hơn, nhanh hơn nữa để còn thu hút, thúc đẩy và lan tỏa ra các địa phương khác. Vì vậy, việc ban hành nghị quyết mới là sự cần thiết và tính cấp bách để phát huy được vai trò và sứ mệnh của Đà Nẵng trong thời gian tới.

Báo cáo sơ kết 3 năm thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở thành phố Đà Nẵng trình Quốc hội của Chính phủ nêu rõ các hạn chế, vướng mắc, bất cập. Theo đó, vướng mắc về thẩm quyền bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của HĐND quận, UBND phường ban hành trước ngày 1-7-2021 khi không còn tổ chức HĐND quận, phường. Việc UBND quận, phường không còn là cấp ngân sách đã hạn chế tính chủ động trong việc cân đối thêm nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ tại địa phương; khó khăn trong việc đáp ứng kịp thời nguồn kinh phí để xử lý các nhiệm vụ cấp bách, đột xuất phát sinh trên địa bàn như phòng, chống, khắc phục thiên tai, dịch bệnh.

Trong mô hình chính quyền đô thị, cán bộ thuộc tổ chức Đảng, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội ở phường vẫn là cán bộ cấp xã, việc quản lý, sử dụng và chế độ, chính sách thực hiện theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức cấp xã. Công chức phường thuộc biên chế công chức của UBND quận, được quản lý, sử dụng như công chức quận, đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý cán bộ ở địa phương, gây tâm tư cho cán bộ thuộc tổ chức Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở phường. Quy định này cũng gây khó khăn cho thành phố trong việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức ở phường, xã cũng như trong công tác quản lý, sử dụng cán bộ, công chức liên thông giữa các cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội với chính quyền và giữa cấp huyện và cấp xã. Khó tạo sự linh hoạt trong công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyên, điều động cán bộ, công chức giữa các cơ quan, tổ chức và giữa cấp huyện với cấp xã. Cùng với đó, các khó khăn, vướng mắc liên quan đến số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố, về tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, thẩm quyền giao biên chế công chức phường… được chỉ ra cụ thể.

“Qua 2 lần thí điểm, đặc biệt là giai đoạn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14, cùng với những kết quả tích cực, nhiều hạn chế bất cập cũng được chỉ ra cần có giải pháp tháo gỡ. Trong bối cảnh phát triển thực tế hiện nay và qua đánh giá, thành phố Đà Nẵng đủ điều kiện, cơ sở để thực hiện chính thức tổ chức chính quyền đô thị, đồng thời cần có các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội, đột phá có tính động lực, lan tỏa giúp thành phố phát triển, khẳng định vai trò đầu tàu, trung tâm của khu vực miền Trung - Tây Nguyên”, Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng đánh giá.

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

T. HUY - H.NHUNG - T.HÙNG - N. PHÚ

;
;
.
.
.
.
.