Chính quyền đô thị Đà Nẵng: Từ thí điểm đến chính thức - Bài 4: Vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt vì mục tiêu phát triển

.

Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng mở ra nhiều cơ hội cho thành phố phát triển đột phá, mạnh mẽ hơn trong giai đoạn đến.

Nghị quyết số 136/2024/QH15 mở ra nhiều cơ hội cho thành phố Đà Nẵng phát triển đột phá, mạnh mẽ hơn trong giai đoạn đến. TRONG ẢNH: Lãnh đạo thành phố thăm hỏi, động viên đơn vị thi công dự án cảng Liên Chiểu.
Nghị quyết số 136/2024/QH15 mở ra nhiều cơ hội cho thành phố Đà Nẵng phát triển đột phá, mạnh mẽ hơn trong giai đoạn đến. TRONG ẢNH: Lãnh đạo thành phố thăm hỏi, động viên đơn vị thi công dự án cảng Liên Chiểu.

Nâng cao vai trò của HĐND thành phố

Có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, Nghị quyết số 136/2024/QH15 với nhiều cơ chế, chính sách mới tạo điều kiện cho Đà Nẵng khơi thông các nguồn lực, tháo gỡ các điểm nghẽn về quy định pháp luật, thúc đẩy thành phố phát triển nhanh, bền vững.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Trần Phước Sơn cho biết, tại Nghị quyết số 136/2024/QH15, Quốc hội giao HĐND thành phố nhiều nhiệm vụ, quyền hạn về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố (ngoài thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan). Theo đó, HĐND thành phố được quyền quyết định dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình, trong đó bao gồm dự toán ngân sách của chính quyền địa phương cấp dưới; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương. HĐND thành phố quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, trung hạn và hằng năm của thành phố, trong đó bao gồm kế hoạch của quận, phường. Thông qua chủ trương thành lập, giải thể, nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính quận, phường...

Điểm mới là Quốc hội quy định, HĐND thành phố căn cứ loại đơn vị hành chính cấp xã, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn, quy mô dân số và diện tích tự nhiên tăng thêm của đơn vị hành chính cấp xã theo quy định của Chính phủ để quyết định số lượng cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã. HĐND thành phố thành lập Sở An toàn thực phẩm, là cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố. Tại Nghị quyết số 136/2024/QH15, Quốc hội quy định HĐND thành phố có các nhiệm vụ, thẩm quyền về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Đáng chú ý, HĐND thành phố được quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể có quy mô dự án nhóm B thuộc lĩnh vực giao thông theo quy định của pháp luật về đầu tư công, có quyền quyết định việc tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tổng thể; quyết định mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm đầu tư của dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng tại quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể.

Bên cạnh đó, HĐND thành phố còn có các nhiệm vụ, thẩm quyền ban hành danh mục các dự án đầu tư công thực hiện tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; quy định cụ thể các nội dung của dự án PPP trong lĩnh vực thể thao, văn hóa và đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng chợ tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hợp đồng dự án PPP. HĐND thành phố quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố, chi thu nhập tăng thêm; quyết định bố trí khoản chưa phân bổ trong tổng chi ngân sách quận, phường theo dự toán ngân sách hằng năm; quyết định sử dụng nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon cho các chương trình, dự án ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Ngoài ra, HĐND thành phố quyết định đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài Khu thương mại tự do Đà Nẵng để thúc đẩy việc hình thành và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh; quyết định các chương trình, dự án được ngân sách thành phố hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho đối tượng học chuyên ngành vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; quy định chế độ đãi ngộ về thu nhập, chi phí lưu trú đối với các chuyên gia, nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Trần Phước Sơn, từ những cơ sở trên, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 57/NQ-HĐND ngày 30-7-2024 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc  hội và tổ chức thực hiện theo Chỉ thị số 44-CT/TU ngày 22-7-2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về lãnh đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 136/2024/QH15. Trong đó quy định HĐND thành phố triển khai nội dung thuộc trách nhiệm của mình được quy định tại Nghị quyết số 136/2024/QH15; quy định trách nhiệm tổ chức thực hiện của Thường trực HĐND thành phố, các ban, các tổ đại biểu, đại biểu HĐND thành phố và UBND thành phố.

“Nhằm triển khai, thực hiện đầy đủ, trách nhiệm, tạo sự thống nhất trong nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội, phát huy tối đa nguồn lực, sức mạnh của nhân dân và thống nhất trong hành động của toàn thể các đại biểu HĐND thành phố, đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố với tinh thần đồng tâm hiệp lực sẵn sàng thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 136/2024/QH15, tạo ra những động lực phát triển mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố nhanh và bền vững trong thời gian đến, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thành phố, đóng góp vào sự phát triển chung của khu vực và cả nước”, ông Sơn nhấn mạnh.

Tạo sự chủ động cho địa phương

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hòa Vang Lê Trung Thắng, Nghị quyết số 136/2024/QH15 chủ yếu tác động trực tiếp đến các quận nội thành ở nội dung tổ chức chính quyền đô thị, song huyện Hòa Vang không đứng ngoài cuộc trong sự phát triển chung của thành phố. Ông Thắng cho biết, qua nghiên cứu, nghị quyết mới với nhiều cơ chế, chính sách có liên quan trực tiếp đến Hòa Vang, là điều kiện giúp huyện tháo gỡ nhiều khó khăn, bất cập trong công tác chỉ đạo, điều hành để phát triển huyện sớm trở thành đô thị loại 4 như mục tiêu thành phố đề ra. Hòa Vang có nhiều dự án lớn của thành phố triển khai. Một số dự án chậm tiến độ hầu hết liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa gặp vướng mắc. Do đó, với cơ chế cho phép HĐND thành phố tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập sẽ là điều kiện hết sức thuận lợi để việc triển khai dự án được nhanh chóng, bảo đảm sự chủ động cho địa phương.

Mặt khác, quy định việc liên thông giữa cán bộ, công chức phường, xã với cán bộ, công chức cấp huyện trở lên, cũng như chính sách quy định HĐND thành phố quyết định cụ thể số lượng cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã sẽ giúp địa phương chủ động trong công tác quản lý, sử dụng, đồng bộ trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động và bố trí nguồn nhân lực. Một cơ chế mới mà ông Thắng cho rằng chủ yếu dành cho Hòa Vang là việc HĐND thành phố được quyền sử dụng nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon cho các chương trình, dự án ứng phó biến đổi khí hậu. Với cơ chế này, sẽ phát huy lợi thế của Hòa Vang khi có diện tích rừng lớn, đồng thời khuyến khích việc trồng và phát triển rừng trên địa bàn huyện ngày càng hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quận ủy Liên Chiểu cho rằng, việc triển khai thực hiện chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 136/2024/QH15 là hoàn toàn phù hợp thực tiễn tại Đà Nẵng. Đơn cử như, khi thực hiện chính quyền đô thị, việc chuyển phương thức hoạt động của UBND quận, phường ở chế độ tập thể sang chế độ thủ trưởng, gắn với việc phân cấp quản lý hành chính, trong đó có ngân sách, tạo điều kiện cho người đứng đầu cơ quan hành chính quận, phường chủ động hơn trong điều hành, giải quyết công việc của phường. Đồng thời, khi thực hiện mô hình, cần bảo đảm đúng vai, không làm thay nhưng cũng không buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và phát huy vai trò, trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu trong tổ chức thực hiện.

Chủ tịch UBND phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) Đinh Hữu Phúc cho rằng, mục tiêu ban đầu của thành phố khi xây dựng chính quyền đô thị là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn hiện nay. Bởi qua hai giai đoạn thực hiện thí điểm, Đà Nẵng đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, phải kể đến tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, thủ tục hành chính được cắt giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, người dân trong giải quyết các thủ tục hành chính. Đội ngũ cán bộ, công chức chú trọng nâng cao phẩm chất, chuyên môn, nghiệp vụ cũng như tinh thần phục vụ nhân dân.

“Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 không những tạo cú hích cho thành phố thực hiện một chính quyền gắn kết một loạt nghị quyết thể hiện Đà Nẵng là đầu tàu kinh tế lớn của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, mà còn tạo tiền đề để từ thành phố đến cơ sở tổ chức mô hình chính quyền đô thị ổn định, tránh xáo trộn, bảo đảm tâm lý tốt cho đội ngũ cán bộ trong bộ máy cũng như tâm lý người dân thành phố”, ông Phúc nhấn mạnh.

T.HUY - H.NHUNG - N.PHÚ - T. HÙNG

;
;
.
.
.
.
.