Chuẩn bị cho văn kiện Đại hội của Đảng lần thứ XIV

Phát huy những thế mạnh riêng có để phát triển kinh tế - xã hội bền vững

.

ĐNO - Sáng 1-8, phát biểu kết luận tại buổi làm việc của Đoàn công tác của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng với các tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Trần Hồng Hà đề nghị các địa phương trong vùng tiếp tục phát huy những thế mạnh riêng có, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng phát biểu trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: X.H
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng (bên trái) phát biểu trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: X.H

Trao đổi tại buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, trong nhiệm kỳ qua, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 4-5-2024 về phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cơ sở chính trị, pháp luật đã có, vấn đề đặt ra là về tổ chức triển khai, cơ chế, giải pháp thực hiện được quy hoạch vùng.

Theo đó, cần phải bảo đảm các cơ chế và nguồn lực việc triển khai định hướng cho quy hoạch. Phải xác định nguồn lực tập trung cho định hướng công trình, dự án có tính chất liên kết và lan tỏa vùng, cả nước. Cụ thể như nhiệm kỳ tới, Quốc hội cần cho chủ trương phát triển đoạn cao tốc đường sắt; liên kết các địa phương trong vùng nếu muốn phát triển các lĩnh vực như du lịch... Bài học kinh nghiệm, khi đường hàng không có vấn đề thì du lịch phát triển nhờ đưa đón bằng đường sắt như mở đường tàu Huế - Đà Nẵng.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho rằng, Bộ Chính trị đã ban hành rất nhiều nghị quyết riêng cho một số địa phương chứng tỏ, sự quan tâm tạo điều kiện để các địa phương phát huy tiềm năng lợi thế. Vì vậy,  Bí thư Thành ủy đề nghị trong báo cáo trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV cần phải đánh giá lại việc cụ thể hóa các nghị quyết này của Bộ Chính trị, trên cơ sở tổng kết đánh giá và luật hóa những vấn đề đã được thực tiễn chứng minh.

Từ thực tiễn thí điểm của từng địa phương sẽ luật hóa, trở thành nội dung áp dụng chung cho các địa phương. Trong báo cáo cũng cần xác định các điều kiện để bảo đảm cho việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, những đột phá ở địa phương đã được cụ thể hóa trong nghị quyết Quốc hội, Bộ Chính trị như thí điểm mô hình khu thương mại tự do, cơ chế phát triển ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết (bên trái) trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: X.H
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết (bên trái) trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: X.H

Tương tự, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng, hiện nay, quy hoạch cấp tỉnh/thành phố của các tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xem xét, định hướng phát triển. Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực nào để cụ thể hóa các chương trình mục tiêu dự án, nhất là những dự án lớn, chương trình lớn, đề án lớn vẫn còn là khó khăn.

Tại Quảng Nam, từ nay đến 2030 theo quy hoạch tỉnh cần 630.000 tỷ đồng, trong khi đó đầu tư công trong 5 năm khoảng 60.000 tỷ đồng. Như vậy, thiếu hụt nguồn lực cực kỳ lớn và nguồn lực từ xã hội hóa là hết sức quan trọng. Mong muốn Trung ương sớm hoàn thiện các cơ chế để xã hội hóa đầu tư các dự án lớn, cũng như cơ chế đặc thù cho kinh tế mở.

Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đề xuất cần có cơ chế phù hợp cho những tỉnh có nhiều di sản thiên nhiên khai thác nguồn lực văn hóa, di tích, kết hợp kinh tế xanh và bảo tồn di tích. Cần có nguồn lực của Trung ương kể cả nguồn lực về kinh phí, về chuyên gia quốc tế cho công tác bảo tồn và trùng tu các di tích.

Hơn nữa, để giải quyết thỏa đáng câu chuyện an sinh xã hội ở phía tây, khu vực miền núi, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam kiến nghị Trung ương cần sớm có cơ chế hướng dẫn về quản lý bảo vệ rừng và phát triển kinh tế rừng, để người dân thực sự sống được nhờ vào rừng, phát triển kinh tế dưới tán rừng.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: X.H
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: X.H

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh, đồng tình với vấn đề cần tháo gỡ những vướng mắc hiện nay của các địa phương để khơi thông nguồn lực. Đồng thời, đề nghị cần tăng cường cơ chế thí điểm để phát huy lợi thế của vùng và một số lĩnh vực.

Từ cơ chế thí điểm nếu phát huy hiệu quả sẽ có thể điều chỉnh, hoàn thiện pháp luật và mở rộng khung pháp luật. Điển hình như, năng lượng tái tạo đang là tiềm năng lợi thế rất lớn ở các tỉnh, thành phố ven biển.

Riêng tỉnh Bình Thuận, qua khảo sát, địa phương có tiềm năng phát triển đến 20.000MW điện. Trong khi thủy điện Sơn La lớn nhất cũng là 2.400MW. Trong nhiệm kỳ tới, nên có những cơ chế tập trung hỗ trợ bằng hình thức phù hợp để xây dựng những doanh nghiệp có thực lực, có sản phẩm mạnh, có thương hiệu đủ sức để vươn ra thế giới...

Phát biểu kết luận tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các địa phương; đề nghị các địa phương trong vùng cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ những thế mạnh riêng có, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nâng cao hiệu quả, chất lượng và tính bền vững.

Trọng tâm là đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI, tiếp tục đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo… Riêng về cơ cấu kinh tế, ngoài tập trung cho các ngành mang tính chất đại diện cho xu thế của thời đại cần chú trọng phát triển theo mô hình kinh tế tự nhiên hài hòa, một nền kinh tế độc lập, tự chủ, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo trên cơ sở phát huy giá trị tự nhiên, giá trị di sản.

Thực tế này đòi hỏi sự thay đổi mang tính cách mạng, thay đổi mô hình kinh tế, chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững để doanh nghiệp trong nước tham gia và khẳng định vị trí trong chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Bên cạnh việc ban hành hệ thống quy hoạch, pháp luật bao phủ các lĩnh vực, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng cần tiếp tục rà soát, xây dựng thể chế chính sách đồng bộ, thống nhất, cập nhật kịp thời những vấn đề thực tiễn đang biến chuyển nhanh chóng, tạo không gian cho tư duy đổi mới, sáng tạo.

XUÂN HẬU

 

;
;
.
.
.
.
.
.