Chuyện của những nữ anh hùng

.

Đà Nẵng hiện có hàng trăm cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong các thời kỳ kháng chiến, trong đó có nhiều nữ anh hùng vinh dự được Nhà nước ghi công. Vượt qua những năm tháng gian lao trong khói bom, đạn lửa, các cô đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, cùng đồng đội làm nên những chiến công chói lọi, cống hiến cả tuổi xuân, sức trẻ của mình góp phần vào công cuộc giải phóng đất nước, quê hương.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Tám (thứ hai, bên trái sang) tại buổi giao lưu, giáo dục truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thành phố. Ảnh: C.T
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Tám (thứ hai, bên trái sang) tại buổi giao lưu, giáo dục truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thành phố. Ảnh: C.T

Những nữ anh hùng hiện sinh sống trên địa bàn thành phố đã xấp xỉ tuổi thất thập, sức khỏe không còn nhiều, nhưng tinh thần quả cảm và ý chí chiến đấu năm xưa dường như vẫn còn nguyên vẹn. Chiến tranh đi qua in dấu trên những gương mặt khắc khổ nhưng luôn toát lên một niềm tin tất thắng. Các nữ anh hùng Hồ Thị Lý, Phạm Thị Thao, Nguyễn Thị Tám... đều từng là những người con gái mảnh mai, xinh đẹp ra đi từ quê hương Hòa Vang, Điện Bàn...

Các cô được sinh ra trong những năm tháng bi thương của chiến tranh và đã tự nguyện dấn thân vào đạn bom, đối mặt từng ngày, từng giờ với cái chết mà không một chút xao lòng. Về giữa đời thường, các cô vẫn luôn yêu đời, lạc quan, như chưa hề trải qua chặng đường chiến tranh cam go thử thách. Thật cảm động là các cô vẫn thường xuyên gặp mặt, giao lưu, hội ngộ với nhau vào các dịp lễ, Tết, những ngày trọng đại của đất nước, quê hương để nhắc nhở nhau về một thời hoa lửa không thể nào quên.

Mỗi lần gặp gỡ là các cô lại bồi hồi nhớ về những kỷ niệm chiến tranh gian lao mà anh dũng. Đó là câu chuyện của cô Hồ Thị Lý với những ngày làm giao liên, địch vận, dẫn đường cho bộ đội, du kích đánh địch, gắn liền với những năm tháng vào tù ra tội và nhiều vết thương đau đớn. Cô Phạm Thị Thao thì không thể quên những đồng đội của Tiểu đoàn vận tải nữ 232 (Cục Hậu cần, Quân khu 5) với nhiệm vụ vận chuyển hàng từ hậu cứ ra tuyến trước và chuyển thương binh từ tuyến trước trở về. Các cô, các chị đã băng rừng, trèo đèo, lội suối, gùi cõng 60-70kg vũ khí, hàng hóa trên đôi vai mảnh mai để phục vụ cho tiền tuyến. Trong những chuyến đi ấy, hàng trăm đồng đội của cô Thao đã dũng cảm hy sinh, lặng lẽ cống hiến cả một thời thanh xuân trẻ trung cho đất nước.

Còn với cô Nguyễn Thị Tám, trận đánh Mẹ Nhu vang dội giữa lòng thành phố của những biệt động thành quả cảm kiên trung vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức. Một thời oanh liệt, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc cứ thi nhau ùa về trong tâm trí những nữ anh hùng. Trong căn phòng truyền thống đặc biệt lưu giữ những kỷ niệm, kỷ vật của cuộc đời chiến đấu trong căn nhà cô Nguyễn Thị Tám ở đường Phan Thanh (quận Thanh Khê), dường như lịch sử vẫn chưa hề đi qua. Những bức ảnh của cô thời trẻ với mái tóc dài óng ả mà cô sẵn sàng cắt đi để tham gia cách mạng, những tấm hình cùng đồng đội cũ với các trận đánh nở hoa trong lòng địch, tất cả vẫn như đang nhắc nhở chính cô và các thế hệ hôm nay về một thời không thể nào quên.

Không quên những năm tháng đã qua, các nữ anh hùng sinh sống trên địa bàn thành phố hôm nay dù còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, bệnh tật hành hạ triền miên do những vết thương chiến tranh để lại, nhưng họ vẫn sống và cống hiến sôi nổi như những năm xưa trên chiến hào đánh giặc. Các cô vẫn thường xuyên đến các buổi tọa đàm, hội họp, lễ kỷ niệm của đoàn thanh niên, hội phụ nữ, trường học để tuyên truyền về  lịch sử hào hùng của quê hương, thắp lên ngọn lửa yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong lòng thế hệ trẻ.

Cô Phạm Thị Thao dù sức khỏe yếu nhưng nỗ lực quyên góp kinh phí xây nhà tình nghĩa cho hàng chục đồng đội khó khăn. Cô Nguyễn Thị Chính bị thương nặng, một mắt giả, một chân giả vẫn lặn lội vào tận các tỉnh miền Trung, miền Nam làm từ thiện. Các cô vẫn tích cực tham gia vào công tác xã hội ở địa phương, xây dựng phong trào phụ nữ của xã, phường, thôn xóm. Tấm lòng của các nữ anh hùng kiên trung, bất khuất trong đánh giặc và cũng vô cùng nhân hậu, giản dị giữa đời thường.

Luôn giữ vững khí phách, ý chí của những nữ anh hùng, các cô chính là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay, đặc biệt là các thế hệ phụ nữ quân đội học tập, noi theo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.

CÁT TƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.