Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Thượng Đức (7-8-1974 - 7-8-2024)

Bản hùng ca vang mãi

.

Căn cứ Thượng Đức nằm trên triền núi cao nhìn xuống cánh đồng rộng của xã Đại Lãnh, Hà Nha, vùng B Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), tiếp giáp với ngã ba sông Côn gặp sông Vu Gia, cách căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng 40km về hướng đông, phía tây gần đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn. Nơi đây từng là chiến trường ác liệt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Tượng đài Chiến thắng Thượng Đức. Ảnh: NHÂN MÙI
Tượng đài Chiến thắng Thượng Đức. Ảnh: NHÂN MÙI

Từ vị thế quan trọng đó, Mỹ-ngụy bố trí hơn 2.000 quân, với các loại vũ khí, trang bị mạnh; sở chỉ huy, kho tàng được thiết lập trong các lô cốt nửa chìm, nửa nổi bằng bê tông cốt thép kiên cố: “khó tấn công - lợi thế về phòng thủ”. Vì thế, quân địch mệnh danh đây là “cánh cửa thép bất khảxâm phạm”.

Trước tình hình trên, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tham mưu quyết địch mở chiến dịch giải phóng Thượng Đức mang mật danh “K711”. Nhận nhiệm vụ, Đại tá Hoàng Đan, Phó Tư lệnh Quân đoàn 2, Tư lệnh chiến dịch, cùng Tư lệnh Quân khu 5 triệu tập chỉ huy các đơn vị chiến đấu, phối hợp chiến trường với quân dân tỉnh Quảng Đà họp bàn đề ra phương án tác chiến. Đến “giờ G” sáng 29-7-1974, pháo binh ta bắn khống chế sân bay Đà Nẵng cũng là lúc các trận địa pháo 85 ly, pháo B-14 (Liên Xô cũ) được bộ đội cải tiến từng cụm, ống pháo A12 dễ cơ động đặt trên dãy Hàm Tân, núi cao phía đông bắc Thượng Đức đồng loạt bắn cấp tập tiêu diệt các mục tiêu trong căn cứ. Bị đánh bất ngờ nhưng quân địch trong các lô cốt dưới chân núi và sườn núi đánh trả quyết liệt, cùng với máy bay đánh bom, pháo kích của chúng bắn đến gây khó khăn cho nhiệm vụ mở cửa trên các mũi, hướng tiến công vào căn cứ của bộ đội ta…

Được đồng đội Nguyễn Hữu Tưởng, nguyên chiến sĩ tham gia chiến đấu trận Thượng Đức (Đại tá, nguyên cán bộ Phòng Chính trị Quân khu 4) giới thiệu, tôi về quê hương xứ Nghệ tìm gặp đồng chí Nguyễn Thái Thân, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 8, (Đại tá, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 66, Sư đoàn 304); Nguyễn Văn Trường, Trung đội trưởng Trinh sát Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304).

Qua trò chuyện, các cựu binh nhớ lại: Hồi đó, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định chuyển từ chiến thuật “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “bao vây, đánh lấn”; củng cố đội hình, trận địa pháo; điều động Tiểu đoàn 8 từ vùng B Đại Lộc vượt sông Vu Gia lên chi viện cho Tiểu đoàn 7 đang gặp khó khăn trước cửa mở trên hướng chủ yếu vào căn cứ. Đến 8 giờ sáng 7-8-1974, khi mây mù trên các sườn núi tan dần, căn cứ Thượng Đức bị chìm ngập đạn pháo, khói đất mù mịt, kho tàng bốc cháy ngùn ngụt.

Lợi dụng thời cơ đó, bộ binh ta trên các mũi, hướng đồng loạt kích nổ hệ thống FE (rồng lửa) mở toang hàng rào dây kẽm gai xông lên tiêu diệt từng mục tiêu. Bộ binh đồng loạt tấn công, cùng với pháo kích tiếp tục bắn vùi dập, khiến cho quân địch hoảng loạn, tháo chạy, đầu hàng. Sau gần 2 giờ chiến đấu, “cánh cửa thép Thượng Đức” bảo vệ phía tây Đà Nẵng bị quân giải phóng phá toang, giải phóng hơn 1 vạn dân quay về quê cũ đón niềm vui chiến thắng.

Chiến trận chưa dừng lại ở đó. Đầu tháng 9-1974, quân địch cay cú điều động Sư đoàn nhảy dù (Quảng Trị vào), tăng viện Sư đoàn 3 và xe bọc thép từ Đà Nẵng lên tái chiếm Thượng Đức, trong đó có cao điểm 1.062. Cuộc chiến tại 1.062 diễn ra thế trận giằng co quyết liệt giữa bộ đội ta với quân địch kéo dài đến cuối tháng 11-1974. Cuối cùng, Sư đoàn 3 và Sư đoàn dù mang danh “Thiên thần mũ đỏ” bị bộ đội Sư đoàn 304 và các đơn vị phối hợp chiến đấu đánh quỵ không còn sức để chiến đấu, chấp nhận sự thất bại nhục nhã. Chiến thắng Thượng Đức là tiền đề để quân và dân Khu 5 đồng loạt nổi dậy tiến công giải phóng tỉnh Quảng Đà; phối hợp Sư đoàn 304, 324 từ Thượng Đức theo quốc lộ 14 thẳng tiến về giải phóng thành phố Đà Nẵng ngày 29-3-1975.

Đại tá Nguyễn Thái Thân tâm sự: Vào dịp kỷ niệm ngày Chiến thắng Thượng Đức (7-8) hằng năm, những đồng đội Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 304, 324 tổ chức chuyến hành trình thăm lại chiến trường xưa, thắp nén hương tưởng nhớ các đồng đội anh dũng chiến đấu hy sinh tại chiến trận Thượng Đức. Đồng đội chúng tôi khi về lại nơi đây đều chung niềm vui trong sự phát triển, đổi mới toàn diện, cuộc sống yên bình đang ôm ấp trên từng vùng quê Đại Lãnh, Hà Nha, vùng B Đại Lộc. Đặc biệt, từ Tượng đài chiến thắng, Khu nhà trưng bày truyền thống, bến sông Hà Tân, Nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Lãnh và đường lên cao điểm 1.062 tạo nên quần thế di tích lịch sử - văn hóa truyền thống mang giá trị nhân văn sâu sắc trong giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay. 

NHÂN MÙI

;
;
.
.
.
.
.