KỶ NIỆM 79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM (19-8-1945 - 19-8-2024):

Khởi nghĩa Tháng Tám 1945 ở Đà Nẵng

.

Cuộc khởi nghĩa Tháng Tám 1945 ở Đà Nẵng kết thúc thắng lợi nhanh chóng, kết quả đó không chỉ là quá trình khẩn trương chuẩn bị lực lượng, phân tích tình hình, nắm chắc thời cơ, mà đó còn là kết quả của việc tổ chức, lãnh đạo đấu tranh, xây dựng lực lượng qua suốt chặng đường dài.

9 giờ sáng ngày 26-8-1945, tại Tòa Đốc lý (Tòa Thị chính), UBND cách mạng lâm thời thành phố Đà Nẵng tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân và công bố 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh.
9 giờ sáng ngày 26-8-1945, tại Tòa Đốc lý (Tòa Thị chính), UBND cách mạng lâm thời thành phố Đà Nẵng tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân và công bố 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh.

Theo lịch sử Đảng bộ thành phố Đà Nẵng giai đoạn 1925-1954, tháng 5-1945, Tỉnh ủy Quảng Nam triệu tập hội nghị mở rộng, đề ra nhiệm vụ cấp bách là mở rộng, củng cố mặt trận Việt Minh, phát triển các đoàn thể cứu quốc, tiến tới thành lập Ủy ban cứu quốc các cấp, phát triển các đội tự vệ vũ trang, đẩy mạnh luyện quân sự, rèn sắm vũ khí, phân công tỉnh ủy viên chỉ đạo phong trào, tập trung xây dựng cơ sở ở vùng yếu, thành phố Đà Nẵng và miền núi của tỉnh. Nhận rõ vị trí chiến lược của Đà Nẵng, Tỉnh ủy phân công đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ trực tiếp phụ trách, tăng cường cán bộ hoạt động thành phố. Đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ ra Đà Nẵng cùng các đồng chí Nguyễn Trác, Nguyễn Xuân Nhĩ lập thành chi bộ Đảng...

Tháng 7-1945, Mặt trận Việt Minh thành phố được thành lập. Cuộc họp quyết định lấy tên “Mặt trận Việt Minh thành Thái Phiên”, khẩn trương phát triển các đoàn thể cứu quốc, tự vệ cứu quốc, cài người vào tổ chức thanh niên Phan Anh để phân tích cho anh em rõ chiêu bài “độc lập” giả hiệu của Nhật, phổ biến chương trình Việt Minh, nắm lực lượng này. Sau một thời gian ngắn, cả ba khu phố (khu Đông, khu Tây, khu Trung) đều có cơ sở cứu quốc...

Đầu tháng 7-1945, công tác chuẩn bị khởi nghĩa ở Đà Nẵng càng được xúc tiến khẩn trương hơn. Trước đây, các xã ở khu Tây đã có ban chấp hành nông dân nay phải có sự lãnh đạo thống nhất trên toàn khu phố, nên ta triệu tập một cuộc họp đại biểu nông dân cứu quốc khu Tây. Riêng hai xã Thanh Khê, Hà Khê tổ chức một cuộc họp trên thuyền ở ngoài biển để hợp nhất lấy tên gọi là Việt Minh Thanh Hà.

Ở khu Đông, ta xây dựng được Ủy ban Việt Minh gồm 5 người. Sau đó thành lập tổ chức nông dân cứu quốc khu Đông 9 người.  Ở nội thành, ta phát triển cơ sở Việt Minh trong các công, tư sở như công chính, đề-pô xe lửa, hãng Shell, nhà máy đèn, kho bạc, bệnh viện, nhà thuốc trung tâm, lực lượng khuân vác, xe kéo, bồi bếp, bảo an binh... Ở sở hiến binh Nhật, ta có cơ sở làm thông ngôn, nắm được khá nhiều tình hình của địch.

Theo yêu cầu của tỉnh, Thành bộ Việt Minh Thái Phiên giao cho cơ sở trong sở công chính lấy máy đánh chữ, máy in rô-nê-ô, giấy mực cung cấp cho Việt Minh Vụ Quang để phục vụ hoạt động chuẩn bị khởi nghĩa. Để tuyên truyền cổ động cho cuộc khởi nghĩa, Thành bộ vận động công nhân nhà in Cécillon bí mật in truyền đơn, tài liệu để kịp thời sử dụng. Công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa thôi thúc mọi người làm việc bất kể ngày đêm, vừa phải đẩy mạnh cao trào chống Nhật, nhanh chóng hình thành đội ngũ cứu quốc, tự vệ vừa phải gấp rút rèn sắm vũ khí, tổ chức may cờ đỏ sao vàng...

Ngày 14-8-1945, Tỉnh ủy Quảng Nam (tức Việt Minh Vụ Quang) họp bàn kế hoạch đẩy mạnh công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa. Khi biết tin, Nhật đã đầu hàng Liên Xô và quân đồng minh, Tỉnh ủy chuyển sang bàn kế hoạch khởi nghĩa, quyết định phát động ngay toàn dân trong tỉnh nổi dậy giành chính quyền.

Hội nghị chủ trương chuyển ngay lực lượng cứu quốc thành lực lượng quần chúng vũ trang làm nòng cốt cho toàn dân nổi dậy khởi nghĩa, chuyển các Ủy ban Việt Minh, Ủy ban cứu quốc thành các Ủy ban bạo động. Đối với Đà Nẵng và Hòa Vang là hai nơi bọn Nhật đóng quân đông, cần có kế hoạch riêng thật chu đáo để tránh đổ máu trong khởi nghĩa.

Các đồng chí trong Ban bạo động khởi nghĩa giành chính quyền tại Quảng Nam - Đà Nẵng năm 1945. Người đứng giữa là đồng chí Lê Văn Hiến. Ảnh: Tư liệu
Các đồng chí trong Ban bạo động khởi nghĩa giành chính quyền tại Quảng Nam - Đà Nẵng năm 1945. Người đứng giữa là đồng chí Lê Văn Hiến. Ảnh: Tư liệu

Tối 16-8-1945, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ triệu tập cuộc họp Việt Minh mở rộng để truyền đạt nghị quyết của Tỉnh ủy. Hội nghị nhất trí lãnh đạo khởi nghĩa và bàn kế hoạch cướp chính quyền nhưng phải tránh đổ máu; đồng thời bầu ra Ủy ban khởi nghĩa của thành phố. Sau đó, ở huyện đường Hòa Vang cơ sở nội ứng của ta trong lính lệ báo cho biết viên tri huyện Ngô Khắc Trâm đang trông chờ Việt Minh đến để đầu hàng.

Ngày 22-8-1945, hai đồng chí Nguyễn Hồng Minh, Đoàn Bá Từ từ sáng sớm đi vào huyện đường Hòa Vang trao lệnh cho viên tri huyện giao chính quyền, xuống thuyền để giải về tỉnh, bảo lính hạ cờ quẻ li xuống, treo cờ đỏ sao vàng lên. Cùng ngày, đồng bào Mỹ Khê (khu Đông) kéo nhau tập trung từ sáng sớm về đình làng dự ngày hội khởi nghĩa của xã. Hai bên đường đình làng cắm cờ đỏ sao vàng. Sau lời tuyên bố triệt hạ bộ máy lý hương, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời của xã ra mắt đồng bào. Đây là xã giành chính quyền sớm nhất ở khu Đông. Theo đà ấy, trước ngày khởi nghĩa toàn thành phố, ở một số xã và công sở, ta đã thực hiện khởi nghĩa từng phần như: Mỹ Khê, Hà Khê, Thanh Khê, An Khê, Thuận An, Liên Trì, sở công chính, đề-pô xe lửa…

Tối 25-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa mở phiên họp quyết định ra lệnh tổng khởi nghĩa toàn thành. Ủy ban khởi nghĩa giao trách nhiệm cho đồng chí Lê Văn Hiến đảm nhận chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thành Thái Phiên. Để thống nhất giờ hành động, ta quyết định toàn thành phố lấy giờ phát tiếng còi vào sáng 26-8-1945 làm hiệu lệnh nổi dậy chiếm lĩnh toàn thành phố. Đúng 8 giờ ngày 26-8-1945, tiếng còi thường lệ ở bưu điện vừa cất lên, anh em ta ở tất cả các công sở, nhà máy đều tổ chức treo cờ, giăng biểu ngữ, tập hợp công nhân viên chức đọc lệnh khởi nghĩa, tuyên bố xóa bỏ bộ máy điều hành cũ, thiết lập ban điều hành mới của cách mạng...

Ở tòa đốc lý, đồng chí Lê Văn Hiến, nhân danh Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thành phố đến tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn của Nhật do Nguyễn Khoa Phong làm thị trưởng. Từ đó, trên cột cờ Tòa thị chính, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên, báo hiệu giờ khai sinh của chính quyền cách mạng. Đến 9 giờ, lực lượng khởi nghĩa đã tiếp quản toàn bộ các công sở trong thành phố. Cờ đỏ sao vàng phấp phới ở khắp các công sở, nhà máy, đường phố, ghe thuyền trên sông Hàn... Khắp nơi loa truyền thanh loan tin thắng lợi. Các sinh hoạt bình thường nhanh chóng được khôi phục.

Ngày 28-8-1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tổ chức mít-tinh mừng thắng lợi tại sân vận động Chi Lăng. Đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ thay mặt Thành bộ Việt Minh tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn của Nhật, thành lập chính quyền nhân dân, công bố các chính sách lớn của Việt Minh, thực hiện nam nữ bình đẳng, xóa bỏ bất công trong chính sách thuế.

Đồng chí Lê Văn Hiến thay mặt Ủy ban khởi nghĩa giới thiệu danh sách Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Thành Thái Phiên. Cuộc mít-tinh kết thúc, nhân dân tuần hành qua các đường phố lớn. Thành phố từ nay hóa thân với cái tên mới - thành Thái Phiên. Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân ta thoát khỏi đêm dài nô lệ, rửa được nhục mất nước, tự quyết định vận mệnh của mình.

LÊ HÙNG
(Theo lịch sử Đảng bộ thành phố Đà Nẵng giai đoạn 1925-1954)

;
;
.
.
.
.
.