ĐNO - Sáng 18-8, tại Đắk Lắk, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức lễ phát động thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương dự lễ phát động. Tại điểm cầu Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường tham dự.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long (giữa), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh (bên trái), Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường (bên phải) tham dự lễ phát động tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Phát biểu phát động thi đua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng coi phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược, trong đó phát triển hạ tầng giao thông là trụ cột quan trọng, đặt mục tiêu đến năm 2025 đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc (đến 2030 phấn đấu đưa vào khai thác 5.000 km).
Từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy đầu tư các dự án hạ tầng giao thông đạt kết quả quan trọng và nổi bật.
Đến nay, cả nước đã hoàn thành khoảng 1.000 km đường bộ cao tốc, đi qua 15 tỉnh thành phố, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên gần 2.100 km; các dự án đang thi công với trên 1.700 km, chuẩn bị khởi công khoảng 1.400 km; các dự án trải dài qua khắp 48 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Để đạt mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển đường cao tốc, từ nay đến hết 2025, phải hoàn thành ít nhất khoảng 1.000km đường cao tốc với thời gian không còn nhiều, chỉ còn khoảng 500 ngày đêm.
Để tạo khí thế thi đua sôi nổi và triển khai thành công, hiệu quả đợt thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các cấp ủy Đảng quyết liệt chỉ đạo sát sao; cả hệ thống chính trị phải vào cuộc; chính quyền phải hành động quyết liệt, đồng thời vận động người dân và doanh nghiệp trong cả nước đồng tình, ủng hộ, phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt, trách nhiệm với cộng đồng xã hội, tập trung thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng sau:
Các bộ, ban, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao thực sự vào cuộc coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ đã được giao. Trong mọi trường hợp khó khăn, vướng mắc, các lực lượng tham gia dự án cần đồng tâm hiệp lực "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm", đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm, hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án hạ tầng giao thông đang triển khai cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của các cấp chính quyền, phát huy vai trò người đứng đầu, tuyên truyền vận động, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, trong đó chú trọng việc đầu tư xây dựng các khu tái định cư, bảo đảm người dân có nơi ở mới tối thiểu bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Đồng thời, phối hợp với các nhà đầu tư, nhà thầu thi công làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, tạo thêm công ăn việc làm, sinh kế cho người dân địa phương, tạo sự phấn khởi, gắn bó mật thiết với nhân dân, "đi dân nhớ, ở dân thương", "sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân". Địa phương có nguồn vật liệu phải tích cực hỗ trợ cho địa phương khó khăn hơn, cấp trực tiếp cho chủ đầu tư, nhà thầu, tất cả vì mục tiêu chung, vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động đợt thi đua cao điểm tại đầu cầu Đắk Lắk. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, huy động tối đa máy móc, phương tiện, tổ chức thi công khoa học, liên tục, "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão", "xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ", "3 ca 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm", "đã ra quân là chiến thắng", "đã cam kết phải thực hiện, đã hứa phải làm", đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm, hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được.
Đồng thời, nâng cao chất lượng công trình, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, vệ sinh môi trường, an toàn lao động, tạo cảnh quan không gian phát triển của dự án sau khi hoàn thành sạch, đẹp, khang trang hơn; phối hợp với địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan.
Các nhà thầu chính phải tạo điều kiện, hợp tác, hỗ trợ để các doanh nghiệp, nhà thầu địa phương trưởng thành, lớn mạnh qua việc tham gia dự án; các nhà thầu phụ, các nhà thầu địa phương cần tích cực tham gia, huy động nhân lực, vật lực để hỗ trợ các nhà thầu chính khi có yêu cầu; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các ban quản lý dự án, các nhà thầu thi công, các cơ quan, đơn vị phải xây dựng kế hoạch triển khai, ban hành các tiêu chí thi đua phù hợp, tập trung vào những nhiệm vụ khó, nhiệm vụ trọng tâm và xác định rõ việc hoàn thành các công trình đường cao tốc là nhiệm vụ chính trị hàng đầu giai đoạn từ nay đến Đại hội XIV của Đảng.
Đồng thời, nêu cao trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm với tập thể, vì danh dự của cá nhân, của cơ quan, đơn vị, địa phương mình; vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân về một hệ thống đường bộ cao tốc đồng bộ, hiện đại, phù hợp với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Dự kiến, sơ kết phong trào thi đua đợt 1 sẽ được tổ chức vào tháng 12-2024; đợt 2 vào tháng 6-2025 và tổng kết phong trào thi đua vào cuối tháng 12-2025.
Quang cảnh lễ phát động tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Đợt thi đua nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi, thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, để hoàn thành thắng lợi mục tiêu đến năm 2025 đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc, tạo tiền đề phấn đấu đến năm 2030 đưa vào khai thác 5.000 km đường bộ cao tốc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại lần thứ XIII của Đảng, Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động.
Để bảo đảm hoàn thành mục tiêu 3.000km vào năm 2025, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp cùng các địa phương rà soát tình hình triển khai và chia các dự án thành 3 nhóm. Trong đó, nhóm 1 gồm 13 dự án với tổng chiều dài hơn 700km.
Đây là những dự án có các điều kiện thuận lợi về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu, vướng mắc đã cơ bản được tháo gỡ, bảo đảm hoàn thành trong năm 2025 như: Cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Bãi Vọt đến Vạn Ninh và từ Quảng Ngãi đến Nha Trang; cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu...
Nhóm thứ 2 là 10 dự án tiến độ đang bám sát kế hoạch đề ra, song còn một số khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, nguồn cung vật liệu... cần được tháo gỡ trong tháng 8-2024 để hoàn thành trong năm 2025.
Nhóm này có các dự án như: Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau, Hòa Liên - Túy Loan; dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh qua Long An và Thành phố Hồ Chí Minh; cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang và một phần cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột...
Nhóm thứ 3 có 4 dự án (chiều dài 60km) còn nhiều khó khăn, các chủ thể phải tập trung giải quyết, nỗ lực vượt bậc mới có thể hoàn thành trong năm 2025. Đó là phần qua tỉnh Đồng Nai của cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và phần còn lại của dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.
VĂN HOÀNG