Việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác định kỳ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương là một trong những giải pháp hiệu quả giúp phòng ngừa tham nhũng. Những năm qua, thành phố tăng cường thực hiện công tác này bảo đảm nguyên tắc khách quan, hợp lý và công khai, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan.
Đồ họa: THANH HUYỀN |
Việc chuyển đổi vị trí công tác được quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành của các bộ quản lý chuyên ngành. Chuyển đổi vị trí công tác là việc công chức, viên chức khi có đủ thời hạn làm việc theo quy định của pháp luật được chuyển từ vị trí việc làm hiện tại đến vị trí công tác khác có tính chất tương đương trong các lĩnh vực, ngành, nghề dễ nảy sinh tham nhũng.
Chuyển đổi vị trí công tác được thể hiện qua hai phương thức: chuyển đổi cùng chuyên môn, nghiệp vụ từ bộ phận này sang bộ phận khác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; giữa các lĩnh vực, địa bàn được phân công theo dõi, phụ trách, quản lý hoặc giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vị quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương; chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện bằng văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ đối với người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 2 năm đến 5 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực (theo thông tư hướng dẫn của các bộ quản lý chuyên ngành).
Việc chuyển đổi vị trí công tác khác với mục đích của hoạt động luân chuyển cán bộ là nhằm đào tạo, bồi dưỡng toàn diện cán bộ lãnh đạo, quản lý; hay mục đích của hoạt động điều động và biệt phái là nhằm thực hiện công việc, nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất của cơ quan, đơn vị.
Những năm qua, việc chuyển đổi vị trí công tác ở thành phố Đà Nẵng được thực hiện định kỳ hằng năm và bảo đảm các nguyên tắc: cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền có trách nhiệm định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình nhằm phòng ngừa tham nhũng. Việc luân chuyển cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thực hiện theo quy định về luân chuyển cán bộ; việc chuyển đổi vị trí công tác phải bảo đảm khách quan, hợp lý, phù hợp chuyên môn, nghiệp vụ và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc chuyển đổi vị trí công tác phải được thực hiện theo kế hoạch và được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; không được lợi dụng việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức vì vụ lợi hoặc để trù dập cán bộ, công chức, viên chức.
Trong năm 2023, các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc UBND thành phố đã thực hiện chuyển đổi đối với 240 công chức, viên chức công tác tại các vị trí thuộc danh mục phải định kỳ chuyển đổi theo quy định tại Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ và một số vị trí do yêu cầu công tác; trong đó, khối sở, ban, ngành đã thực hiện chuyển đổi 182 công chức, viên chức; khối quận, huyện đã thực hiện chuyển đổi 51 công chức, viên chức và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố đã thực hiện chuyển đổi 7 viên chức, người lao động.
Nhìn chung, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có sự quan tâm, rà soát thực hiện chuyển đổi vị trí công tác theo đúng quy định, đảm bảo kế hoạch đề ra trong năm. Một số cơ quan, đơn vị cũng có sự chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với một số trường hợp dù không thuộc quy định phải chuyển đổi theo định kỳ để đảm bảo yêu cầu công việc. Đa số cán bộ, công chức, viên chức sau khi được chuyển đổi vị trí công tác đều yên tâm và thích nghi nhanh chóng với vị trí công việc mới, phát huy tốt năng lực, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc, như việc định kỳ chuyển đổi, thay đổi vị trí công tác có ảnh hưởng nhất định đến tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa các lĩnh vực mà công chức, viên chức theo dõi, phụ trách, nhất là các vị trí đòi hỏi kinh nghiệm công tác, chứng chỉ hành nghề; khó khăn về số lượng biên chế công chức được giao hằng năm cùng với yêu cầu phải đảm bảo thực hiện đúng đề án vị trí việc làm khi các cơ quan, đơn vị thực hiện tuyển dụng, sử dụng nhân lực (nhiều vị trí chỉ do một công chức, viên chức thực hiện và không có người có trình độ chuyên môn tương đồng để thay thế, đặc biệt là vị trí kế toán, tổ chức nhân sự tại các cơ quan, đơn vị).
Để tăng cường hơn nữa việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác nhằm đẩy mạnh phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực cần thực hiện một số giải pháp sau: Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện các chính sách, quy định liên quan về chuyển đổi vị trí công tác để tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện cũng như bảo đảm được quyền lợi cho công chức, viên chức phải chuyển đổi vị trí công tác.
Thứ hai, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện chuyển đổi vị trí công tác; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức về mục đích, vai trò và tầm quan trọng của của thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, hướng tới việc học hỏi và nâng cao kỹ năng, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thứ ba, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức, tạo môi trường làm việc thuận lợi giúp họ sẵn sàng thích nghi và phát huy tốt nhất năng lực tại vị trí công tác mới; đây cũng là điều kiện để đào tạo, bồi dưỡng giúp cho công chức, viên chức trưởng thành hơn, rèn luyện bản lĩnh, nâng cao năng lực nghiệp vụ công tác.
Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm hạn chế các hành vi tiêu cực liên quan đến công tác này và kịp thời điều chỉnh những bất cập, vướng mắc, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện trong thời gian đến.
SỞ NỘI VỤ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG