Cầu nối vững chắc giữa Đà Nẵng với quốc tế

.

Trong quá trình chủ động hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế, Đà Nẵng thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia có quan hệ hợp tác với Việt Nam chọn là nơi đặt cơ quan đại diện lãnh sự. Các cơ quan này đóng vai trò quan trọng là cầu nối tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Đà Nẵng với các địa phương và đối tác quốc tế.

Một tiết mục văn nghệ do các nghệ sĩ đến từ Hàn Quốc tại sự kiện Lễ hội Việt Nam- Hàn Quốc 2024.  Ảnh: THANH PHƯƠNG
Một tiết mục văn nghệ do các nghệ sĩ đến từ Hàn Quốc tại sự kiện Lễ hội Việt Nam- Hàn Quốc 2024. Ảnh: THANH PHƯƠNG

Nhịp cầu hữu nghị

Giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố Nguyễn Xuân Bình cho hay, các Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc, Lào, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc tại Đà Nẵng có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối, xúc tiến các chương trình hợp tác giữa Đà Nẵng và địa phương, doanh nghiệp các nước. Đồng thời, thúc đẩy quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân Đà Nẵng với các nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn.

Tổng Lãnh sự Lào tại Đà Nẵng Souphanh Hadaoheuang nhấn mạnh, hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân Việt Nam - Lào đã có mối quan hệ gắn bó đặc biệt từ lâu đời. Để mối quan hệ này ngày càng gắn bó bền chặt, Tổng Lãnh sự quán luôn tích cực phối hợp Sở Ngoại vụ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa như Tết cổ truyền Bunpimay, chương trình ở nhà dân (homestay), chương trình Người mẹ thứ hai dành cho sinh viên Lào… Đây là cơ hội để người dân hai nước tìm hiểu văn hóa, phong tục truyền thống tốt đẹp của nhau. Bên cạnh đó, Tổng Lãnh sự quán nỗ lực thu hút khách du lịch từ Lào đến Đà Nẵng và ngược lại để nhân dân được hiểu hơn về văn hóa của hai dân tộc thông qua du lịch.

Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Đà Nẵng Đổng Bích Du cho hay, nền tảng của quan hệ Trung Quốc - Việt Nam là ở nhân dân, giao lưu mật thiết giữa nhân dân hai nước trở thành dòng chảy lớn trong tình hữu nghị Trung Quốc - Việt Nam. Thời gian qua, Tổng Lãnh sự quán tổ chức nhiều hoạt động giao lưu như cuộc thi hùng biện tiếng Trung toàn quốc - Đà Nẵng; cuộc thi sáng tạo video ngắn “Tài năng hữu nghị Trung - Việt”; giao lưu văn hóa truyền thống thanh niên Trung - Việt…

Với Liên bang Nga, mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai nước đã có bề dày hơn 7 thập niên. Tại Đà Nẵng, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước ngày càng củng cố và tăng cường. Tổng Lãnh sự Liên bang Nga tại Đà Nẵng Maria Mizonova cho biết, 2025 là năm kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Liên bang Nga - Việt Nam. Tổng Lãnh sự quán tổ chức lễ tiễn mùa đông dự kiến vào tháng 3-2025. Đây là lễ hội truyền thống dân gian lâu đời của Nga, với mong muốn tiễn biệt mùa đông lạnh lẽo và chào đón mùa xuân mới tràn đầy sức sống. Qua đây, giới thiệu những nét văn hóa độc đáo của Nga đến người dân Đà Nẵng, góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện Liên bang Nga - Việt Nam.

Đến nay, Lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nam- Nhật Bản, Việt Nam - Hàn Quốc tại Đà Nẵng đã trở thành sự kiện thường niên thu hút, đem đến những trải nghiệm văn hóa đặc sắc cho du khách Nhật Bản, Hàn Quốc và người dân thành phố. Các hoạt động giao lưu nhân dân chính là sự kết nối, thúc đẩy mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước trên thế giới ngày càng gần gũi hơn, hiểu biết, gắn bó, tin cậy lẫn nhau và mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng.

Kết nối các doanh nghiệp, nhà đầu tư

Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; trong đó, tập trung 3 lĩnh vực: thành lập khu thương mại tự do; đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ; vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI). Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại Đà Nẵng Kang Boosung cho hay, để góp phần vào mục tiêu này, Tổng Lãnh sự quán tổ chức hội nghị triển vọng hợp tác đầu tư công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) Hàn Quốc - Việt Nam vào ngày 16-8. Đây là dịp để các doanh nghiệp Hàn Quốc tìm hiểu môi trường đầu tư ICT tại miền Trung Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Giờ đây, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang mở rộng đầu tư từ sản xuất truyền thống sang các ngành công nghiệp công nghệ cao.

“Chúng tôi luôn tích cực phối hợp Hiệp Hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Quảng Nam và Đà Nẵng, các cơ quan liên quan giải quyết kịp thời các khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải. Chính sự hài lòng của các doanh nghiệp đã đầu tư sẽ góp phần vào việc thu hút các doanh nghiệp khác quan tâm và quyết định đầu tư. Tổng Lãnh sự quán sẽ tiếp tục nỗ lực kêu gọi, giới thiệu các doanh nghiệp đến với Đà Nẵng, và tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác các lĩnh vực truyền thống giữa Hàn Quốc và Đà Nẵng như sản xuất, dịch vụ, du lịch”, ông  Kang Boosung nói.

Hiện nay, các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản hướng tới và mong muốn đầu tư tại Đà Nẵng trên lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, vi mạch, bán dẫn, AI. Điển hình như Tập đoàn Pasona đã thành lập Pasona DX Hub Đà Nẵng chuyên đào tạo kỹ sư trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng Mori Takero cho biết, Đà Nẵng đang ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài ở lĩnh vực công nghệ thông tin. Hơn nữa, thành phố có môi trường kinh doanh tốt, nhiều chính sách ưu đãi, cơ sở hạ tầng phát triển và nguồn nhân lực trẻ dồi dào, có chuyên môn. Tổng lãnh sự kết nối, kêu gọi các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, an ninh mạng đến tìm hiểu cơ hội tại Đà Nẵng.

Ông Mori Takero chia sẻ, tháng 8-2023, Công ty Suganuma Group và Công ty Fore Nhật Bản phối hợp Đại học Duy Tân triển khai dự án “Vườn ươm tài năng An toàn An ninh mạng - Blue Rock”. Vừa qua, 100% sinh viên năm 4 tốt nghiệp từ dự án này đều được Công ty Fore và Công ty Cổ phần LLL (Nhật Bản) tuyển dụng làm việc tại Việt Nam. Dự án này góp phần thúc đẩy hoạt động đào tạo nguồn nhân lực của Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung trong thực hiện chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia. Hơn nữa ở Đà Nẵng có nhiều công ty, tập đoàn lớn của Nhật Bản đều có dự án đầu tư tại thành phố như Honda, Mikazuki, Murata Manufacturing… Những dự án này đã và đang góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng.

Theo bà Đổng Bích Du, hiện nay Đà Nẵng đang tập trung phát triển các lĩnh vực liên quan đến khoa học công nghệ, vi mạch bán dẫn, AI. Đây là những lĩnh vực mà Trung Quốc có thế mạnh và sẵn sàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm để Đà Nẵng phát triển đột phá những lĩnh vực này trong tương lai. “Tổng Lãnh sự quán sẽ giới thiệu, kêu gọi các doanh nghiệp Trung Quốc có tiềm năng đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Đà Nẵng; khuyến khích nhiều khách Trung Quốc đến Đà Nẵng du lịch. Qua đó, sẽ góp phần làm tăng trưởng kinh tế thành phố, thúc đẩy việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Việt Nam có ý nghĩa chiến lược ngày càng đạt được nhiều thành quả, mang lại hạnh phúc, lợi ích cho nhân dân, doanh nghiệp hai bên”, bà Đổng Bích Du chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, trên cơ sở định hướng xây dựng và phát triển thành phố theo tinh thần của Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội, Sở Ngoại vụ sẽ tiếp tục duy trì và tăng cường quan hệ phối hợp với tổng lãnh sự quán các nước tại Đà Nẵng trong công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến đầu tư, thương mại với địa phương, doanh nghiệp các nước. Qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố trong năm 2024 với chủ đề “Năm đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”.

Với phương châm kết nối Đà Nẵng với thế giới, Sở Ngoại vụ nghiên cứu, tham mưu với Bộ Ngoại giao, lãnh đạo thành phố tiếp tục xúc tiến hiện diện ngoại giao của các nước tại Đà Nẵng, các quốc gia có tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực mà thành phố có thế mạnh. Qua đó, khẳng định vị trí, vai trò của Đà Nẵng trong tiến trình hội nhập và hợp tác quốc tế.

THANH PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.