Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Lê Văn Hiến (15-9-1904 - 15-9-2024):

"Cái gì lợi cho việc chung thì cứ làm"

.

Đó là cái đầu đề tham luận của tôi viết cách đây 16 năm (2008) tại hội thảo nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh của Bộ trưởng Lê Văn Hiến do Bộ Tài chính tổ chức tại Hà Nội. Cái tiêu đề đặt trong ngoặc kép vì đó là nguyên văn câu nói của cụ Hiến đáp lại khi tôi xin phép được biên tập để xuất bản nhật ký của cụ mà ấn  phẩm sau đó mang tên “Nhật ký của một Bộ trưởng” vừa được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia tái bản lần thứ tư. Ấn phẩm lần thứ ba được Nhà xuất bản Đà Nẵng in cách đây đúng 20 năm (2004).

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bộ trưởng Lê Văn Hiến đứng hàng thứ hai, thứ ba bên phải sang. (Ảnh tư liệu)
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bộ trưởng Lê Văn Hiến đứng hàng thứ hai, thứ ba bên phải sang. (Ảnh tư liệu)

Xin được nói thêm về cuốn sách này. Đến thăm và được làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong khuôn khổ hoạt động của Hội Sử học mà Đại tướng là Chủ tịch danh dự, nhiều lần thấy ông chăm chú đọc và ghi chép từ một chồng những cuốn vở học trò còn rất lành lặn nhưng đã đượm màu thời gian. Đại tướng giới thiệu cho tôi đó là những tập vở cụ Lê Văn Hiến dùng để viết nhật ký trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp… và nói với tôi về giá trị lịch sử vô cùng quý giá của nó. Đại tướng nói rằng chính nhật ký của cụ Hiến giúp Đại tướng khôi phục lại ký ức của mình để viết các tập hồi ký về giai đoạn này và khuyên Hội nên tìm cách xuất bản cho nhiều người được khai thác. Nhưng Đại tướng cũng nhắc rằng, nhật ký là cái chứa đựng nhiều riêng tư nên phải xin phép và thực hiện thật nghiêm túc những yêu cầu của chủ nhân.

Khi tôi gặp và chân thành đặt vấn đề, hồi hộp chờ nghe ý kiến của chủ nhân tập hồi ký thì cụ Lê Văn Hiến trả lời ngay và rất đơn giản “Cái gì lợi cho việc chung thì cứ làm” và nói thêm “Cả đời tôi nghĩ vậy và làm vậy”.

Ngày hôm nay, tại quê hương Đà Nẵng, chúng ta tổ chức tưởng niệm một người con tiêu biểu của xứ Quảng đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của nước nhà. Cụ Lê Văn Hiến ra đời cách đây đúng 10 con giáp (1904) và qua đời cách nay đã hơn một phần tư thế kỷ (1997) nhưng di sản của cụ không chỉ nằm trong sách vở mà ở chính con người và cuộc đời cũng như lời răn “Cái gì có lợi cho việc chung thì cứ làm” vẫn còn nguyên vẹn cái ý nghĩa như một nguyên lý phấn đấu,  động lực của cuộc sống không chỉ riêng một người mà với cả mọi người.

Xuất thân từ nhà nghèo nhưng Lê Văn Hiến được gia đình hết lòng hỗ trợ để theo học ở Huế vì coi con đường học vấn không những sẽ mang lại lợi ích cho bản thân, gia đình mà cho cả xã hội sau này. Chính cái học vấn ấy đã giúp Lê Văn Hiến dấn thân và tìm đến nguồn sáng đầu tiên là tác phẩm “Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc viết năm 1925 để đến năm 1928, Lê Văn Hiến đã là một trong những người xứ Quảng sớm nhất tham gia tổ chức Hội Thanh niên Cách mạng Đồng chí do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập và tham gia Thành ủy của tổ chức này tại Đà Nẵng lúc này đã là thành phố thuộc địa của Pháp.

Như vậy “việc chung” chính là lòng khao khát độc lập của người dân Việt Nam muốn tự mình tranh đấu để giành lấy và Lê Văn Hiến đã từ chối một cuộc sống yên bình, đầy đủ của một “thày ký sở giây thép” (bưu điện) mà chọn con đường dấn thân đầy chông gai, máu lửa trong đội ngũ những người cộng sản. Chính trong hoạt động cách mạng, Lê Văn Hiến đã gặp và gắn bó với Thái Thị Bôi, người đồng chí sau này là bạn đời của mình, rồi trở thành “bạn tù” cùng bị thực dân giam cầm vì tội “hoạt động cộng sản” và sau này người nữ chiến sĩ cộng sản ấy cũng qua đời sau những ngày bị giam cầm khắc nghiệt vào thời điểm chồng lại bị thực dân bỏ tù (1938).

Thời kỳ Mặt trận Bình dân (1936-1939) có thể nói là thời kỳ hoạt động sôi nổi nhất của phong trào đòi “tự do, cơm áo và hòa bình” do Đảng khởi xướng và Lê Văn Hiến là một chiến sĩ tiên phong. Giống như Võ Nguyên Giáp cùng Trường Chinh ở Hà Nội, Lê Văn Hiến cùng với người đồng chí Lê Phương Trà ở Đà Nẵng cũng viết sách về “Vấn đề Dân cày” coi việc bênh vực người nông dân bị bóc lột thậm tệ phải sống trong bùn lầy nước đọng là “việc chung”.

Cùng với những hoạt động trên báo chí, xuất bản (mở nhà sách “Việt Quảng”), Lê Văn Hiến còn viết sách “Ngục Kontum” để tố cáo tội ác thực dân trước dư luận giữa lúc đại diện Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp (đặc sứ Justin Godhart) đến Đông Dương điều tra. Lê Văn Hiến còn cổ vũ và tập hợp dân chúng tham gia Đông Dương Đại hội do Đảng Cộng sản chủ trương và tranh luận trên nghị trường của Viện Dân biểu Trung kỳ về những vấn đề gắn với lợi ích của quần chúng lao động… Và một lần nữa, Lê Văn Hiến lại bị thực dân bỏ tù (2-1938) cho tới đầu năm 1945 mới được thả.

Điều đáng nói là cho đến thời điểm Cách mạng tháng Tám 1945 bùng nổ trên cả nước, Lê Văn Hiến chưa bao giờ lên chiến khu, chưa tiếp cận với Trung ương và lãnh tụ, cũng như sau này trong cả cuộc đời hoạt động đầy trọng trách và cống hiến, cũng chưa bao giờ là Ủy viên Trung ương Đảng nhưng Lê Văn Hiến vẫn tận hiến cho cách mạng như một lẽ tự nhiên trước “việc chung” của dân tộc cùng sự tín nhiệm của Chủ tịch Hồ Chi Minh, con người mà đã có lần Lê Văn Hiến bộc lộ trong “Nhật ký” của mình là “Ông Thánh”.

Cùng với cả nước, Lê Văn Hiến tham gia lãnh đạo quần chúng giành chính quyền ở Đà Nẵng, một thành phố thuộc địa của Pháp và đã sáng suốt trong việc cô lập và “trung lập hóa” quân Nhật để cách mạng giành thắng lợi một cách ôn hòa, ít đổ máu. Không những thế, Lê Văn Hiến cũng chính là người chủ trương vận động nhiều sĩ quan, binh lính Nhật có cảm tình với cách mạng ở lại giúp Nhà nước cách mạng Việt Nam huấn luyện quân sự chuẩn bị cho công cuộc bảo vệ nền độc lập cũng như đối phó bằng vũ lực với thực dân Pháp lăm le trở lại xâm lược nước ta, mà trong lịch sử được gọi là “người Việt Nam mới”.

Tín nhiệm từ trong thực tiễn đấu tranh cách mạng không những đưa Lê Văn Hiến lên vị trí Chủ tịch Ủy ban Nhân dân lâm thời của Thành Thái Phiên (danh hiệu của thành phố Đà Nẵng), mà từ chiến khu Tân Trào, chấp nhận đề nghị của Nguyễn Chí Thanh, đại diện Trung Kỳ  tại Quốc dân Đại hội Tân Trào, Lê Văn Hiến còn được bầu vào Ủy ban Giải phóng dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Bức thư của Nguyễn Chí Thanh thông báo quyết định này kết thúc bằng câu “…Vì quyền lợi của Dân tộc, yêu cầu đồng chí nhận lời” cho thấy tâm thế đầy tinh thần phấn đấu trong sáng vì “việc chung” của thế hệ đã làm nên những trang sử vẻ vang của thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc và dựng xây chế độ mới.

Cũng vì thế, sau ngày nước Việt Nam tuyên bố độc lập (2-9-1945), trong danh sách Chính phủ lâm thời được công bố, Lê Văn Hiến được đảm nhận chức Bộ trưởng Bộ Lao động. Và trên đường ra thủ đô Hà Nội để nhậm chức, Lê Văn Hiến một lần nữa được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy cử ra Huế để tham gia việc tiếp quản một số tài sản của triều đình Huế theo cam kết giữa cựu hoàng Bảo Đại sau khi thoái vị với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đồng thời Lê Văn Hiến cũng được giao trách nhiệm tháp tùng cựu hoàng Bảo Đại và Hoàng thân Lào Xuphanuvông ra Hà Nội diện kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh… 

Dù đang đảm nhận chức vụ một bộ trưởng, Lê Văn Hiến luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó những công việc đặc biệt cần đến một sự tin cậy cũng phải đặc biệt. Tháng 12-1945, Bác Hồ lại giao cho Bộ trưởng Lê Văn Hiến thay mặt Chính phủ làm đặc phái viên vào kiểm tra vùng Nam Trung Bộ và Nam Bộ với nhiều nhiệm vụ quan trọng…

Dù phải đảm nhận một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ lại, liên quan đến lợi ích của nhiều tầng lớp xã hội, đặc biệt là người lao động, Bộ trưởng Lê Văn Hiến đã hoàn thành một cách xuất sắc. Chỉ trong 6 tháng là Bộ trưởng Bộ Lao động, Lê Văn Hiến hoặc trực tiếp hoặc tư vấn cho Chủ tịch nước ban hành nhiều văn bản luật pháp và chính sách luôn có lợi cho người lao động, bảo vệ quyền lợi người lao động trong quan hệ với giới chủ... Vị bộ trưởng này cùng với những người kế nhiệm đã hoàn thành xuất sắc việc chuẩn bị cho Quốc hội thông qua Luật Lao động. Đây cũng là bộ luật đầu tiên được Quốc hội khóa I thông qua tại kỳ họp thứ hai (11-1946).

Phải 7 năm sau (1953), Quốc hội khoá I mới thông qua văn bản luật thứ hai là Luật Cải cách Ruộng đất trên chiến khu Việt Bắc. Cùng với Hiến pháp 1946 thông qua nhưng chưa ban hành thì hai bộ luật này trong đó có Luật Lao động là dấu ấn sớm nhất và đậm nét nhất mà Bộ trưởng Bộ Lao động Lê Văn Hiến đã tận tụy tham gia đúng với tinh thần luôn sẵn sàng phấn đấu cho “cái gì có lợi cho việc chung”.

Ngày 28-2-1946, tại phiên họp của Hội đồng Chính phủ lâm thời, Lê Văn Hiến được “điều động” qua làm Bộ trưởng Bộ Tài chính và đảm nhiệm liên tục cương vị này khi Chính phủ chính thức được thành lập sau khi Quốc hội được bầu, liên tục qua 15 năm thử thách vô cùng gian khổ, trong đó có 8 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ cùng 7 năm khôi phục kinh tế và bước đầu xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa bước vào kế hoạch 5 năm đầu tiên thì đến năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa lại giao phó cho Lê Văn Hiến một thử thách mà vị bộ trưởng này chưa từng làm. Đó là lĩnh vực ngoại giao với cương vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên tại Lào.

Với vốn tiếng Pháp căn bản, mối quan hệ sẵn có với Hoàng thân Xuphanuvông lúc này đã là người đứng đầu cách mạng và Nhà nước Lào, Lê Văn Hiến đảm nhận Đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa liên tục 15 năm cho đến lúc về hưu (1962-1977) cũng có nghĩa là trọn vẹn một giai đoạn quan trọng nhất để đất nước Lào láng giềng hoàn thành công cuộc xây dựng nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và cũng góp phần trọn vẹn trách nhiệm đại sứ trong công cuộc hoàn thành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và thống nhất Tổ quốc. Rời khỏi công việc nhà nước vượt tuổi “xưa nay hiếm”, cụ Lê Văn Hiến vẫn giành tiếp 5 năm tiếp theo (1978-1993) để sáng lập và điều hành với tư cách Chủ tịch Câu lạc bộ Thăng Long, một mô hình sinh hoạt bổ ích cho các thế hệ cán bộ lão thành cũng với tinh thần “cái gì có lợi cho việc chung thì cứ làm”.

Cụ Lê Văn Hiến mất ngày 15-11-1997, thọ 93 tuổi. Nhà cách mạng Lê Văn Hiến được truy tặng Huân chương Sao Vàng, phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam.

Trong cuộc đời của cụ Lê Văn Hiến, công việc đảm nhiệm thời gian dài nhất là Bộ trưởng Bộ Tài chính, ở cương vị này ông còn đảm nhiệm chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch quốc gia (1959-1962), là tiền thân của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Là người cầm “tay hòm chìa khóa” ngân khố và tài sản của Nhà nước, cũng lại là người có trách nhiệm góp phần làm giàu cho quốc gia, bên cạnh việc học hỏi khoa học quản lý tài chính trong sách vở và đồng nghiệp, cẩm nang giúp Lê Văn Hiến trở thành một tấm gương mẫu mực, có được những cống hiến xuất sắc cho “việc chung” chính là sự rèn luyện phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng.

Cụ từng chia sẻ : “Tôi nghĩ lại, tài năng không phải là tất cả. Có tấm lòng thì tập hợp được tài năng. Nếu biết tập hợp thì sẽ giải quyết được tất cả mọi công việc”. Cụ luôn lấy Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương soi và học tập. Cụ viết : “Theo lời dạy của Hồ Chủ tịch về Cần , Kiệm, Liêm, Chính mình tự xét mình chưa có gì đáng thẹn với 4 chữ ấy. Chỉ ngại thiếu tài, chứ sự siêng năng cần mẫn thì chắc có. Về tính tiết kiệm, khỏi lo ai nói mình bốc giời xa xỉ mà chỉ nghe người ta thường cho mình là “cá gỗ hạng nặng”. Về liêm khiết và chính trực tự vấn lương tâm thật không có gì đáng thẹn…”.

Cũng với tấm lòng và tầm nhìn sâu sắc ấy, sinh thời, từ góc nhìn của môt nhà quản lý tài chính quốc gia, cụ Lê Văn Hiến cũng từng lo lắng tâm sự : “Nhìn cuộc sống và việc làm của cán bộ, chiến sĩ, dân rất thương, rất quý, nên dân đóng góp rất hăng hái…Dân hăng hái đóng góp vì dân biết đây là đóng góp cho chính mình. Nếu như  hồi đó dân thấy cán bộ phè phỡn, ăn trên ngồi trốc, hoặc sử dụng công quỹ bừa bãi, lãng phí thì làm sao dân hăng hái tự nguyện đóng góp được? Cho nên thanh liêm, không tham ô, không lãng phí là những điều kiện rất quan trọng không những đối với chi, mà còn hết sức quan trọng đối với thu nữa. Tôi nghĩ đây là bài học kinh nghiệm không những trong thời chiến, mà còn trong thời bình, hiện nay và sau này”.

Cuối cùng lại xin được nhắc lại câu cụ nói “Cái gì lợi cho việc chung thì cứ làm” và xác tín “Cả đời tôi nghĩ vậy và làm vậy” nên mới có tấm gương Lê Văn Hiến để ngày hôm nay chúng ta trân trọng tưởng nhớ.

Tháng 9 năm 2024
DƯƠNG TRUNG QUỐC

;
;
.
.
.
.
.