Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945 - 2024)

Cách mạng tháng Tám 1945: Nguồn cảm hứng mới mẻ của văn học nghệ thuật xứ Quảng

.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước - kỷ nguyên độc lập, tự chủ. Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Ðình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ách nô lệ bị đập tan, con người Việt Nam được giải phóng; bừng lên một niềm hạnh phúc lớn lao đến thiêng liêng, như kết quả tất yếu từ khát vọng tự do và quyết tâm cứu nước của cả dân tộc.

Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, Cách mạng Tháng Tám cũng có ý nghĩa chấm dứt một thời kỳ phát triển tự phát và đầy phức tạp của non một thế kỷ văn học thời Pháp thuộc - thời kỳ mà văn học yêu nước và sau đó là văn học cách mạng tuy đã có mặt, sung sức và đầy triển vọng nhưng chưa phải là  dòng chính thống và nhiều lúc phải ra đời dưới hình thức bán hợp pháp hoặc bất hợp pháp. Cách mạng Tháng Tám mở đầu một giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng nền văn học của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, một nền văn học dân tộc, dân chủ, có giá trị nhân đạo sâu sắc; một nền văn học phấn đấu vì lý tưởng độc tự do của dân tộc.

Trên địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng những ngày đầu cách mạng thành công, đã  có mặt một đội ngũ khá đông đảo những người viết văn từng hoạt động văn học từ trước cách mạng dường như đang như đứng trước ngã ba đường lịch sử, trước biến chuyển lịch sử trọng đại của dân tộc. Phan Khôi sau những vang dội với lối thơ mới mẻ “trình làng”, mở đầu phong trào Thơ mới từ những năm 30, sau đó là thời kỳ làm báo nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc, đến thời điểm này cũng đang có mặt ở quê Quảng Nam. Phan Thao làm báo ở Sài Gòn và dịch truyện ngắn Lỗ Tấn; Khương Hữu Dụng những ngày nổ ra cách mạng đang hoạt động ở Đà Lạt sau đó về hoạt động văn nghệ ở Quảng Nam; Nguyễn Văn Xuân, Phan Du từng viết truyện ngắn trên Tiểu thuyết Thứ Bảy cũng nhập cuộc với đội ngũ những người viết bước vào chế độ mới.

Tế Hanh quê Quảng Ngãi, giải thưởng Tự lực văn đoàn năm 1939, tác giả tập Hoa Niên (1944) đã nổi tiếng từ trước, ngay sau cách mạng thành công,  đã có mặt tại Đà Nẵng với cương vị ủy viên giáo dục của Ủy ban nhân dân thành Thái Phiên (tức thành phố Đà Nẵng). Nguyễn Đình, vừa sáng tác thơ trào phúng vừa làm công tác bình dân học vụ và phổ biến luật hỏi, ngã. Võ Quảng làm chánh tòa thành phố, sau này thành nhà văn nhà thơ thiếu nhi. Nguyễn Văn Bổng làm công tác tuyên truyền, làm giáo dục với vị trí hiệu trưởng trường trung học Thái Phiên, hoạt động trong Đoàn văn hóa cứu quốc Thái Phiên.

Hầu hết những người viết đều đi theo kháng chiến, tập họp nhau trong Đoàn văn hóa kháng chiến của tỉnh, sáng tác thơ văn và tham gia các công tác của đoàn thể. Một số người đã làm thơ từ trước, nhưng sau cách mạng và đi vào kháng chiến, thơ văn mới được biết rộng rãi như Hồ Thấu, Phạm Văn Ký, Trinh Đường... Tuy bước đầu không tránh khỏi những bỡ ngỡ, băn khoăn, nhưng có thể nói, những cây bút xứ Quảng đã sớm vượt qua giai đoạn “nhận đường” để chuẩn bị tâm thái sẵn sàng đến với cách mạng và cùng bước vào cuộc kháng chiến của toàn dân tộc. Họ bắt đầu cuộc săn tìm đối tượng thẩm mỹ mới và từ bỏ cái tôi chủ quan,  trang bị lại cho mình một thứ “vũ khí của tiếng nói” mới, mang dư vang từ cuộc Cách mạng Tháng Tám, một cuộc cách mạng làm lay động đến khoảng sâu đậm nhất trong tâm hồn mỗi người.

Ở thành phố Đà Nẵng, hòa trong không khí sôi nổi của những ngày đầu cách mạng, ngay sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 thắng lợi, Ty Thông tin tuyên truyền Đà Nẵng đã được thành lập. Đây là nơi tập họp đầu tiên của những trí thức văn nghệ sĩ Đà Nẵng tham gia những công việc do đoàn thể cách mạng giao. Mọi người đều hồ hởi tham gia các công việc của chính quyền mới, từ cắt, viết khẩu hiệu, vẽ áp-phích đến duyệt tin bài cho các buổi phát thanh; làm không kể ngày đêm, Chủ nhật, ngày nghỉ.

Không khí rạo rực của cách mạng đã trở thành nguồn chất liệu và cảm hứng để cây bút văn xuôi Nguyễn Văn Bổng có ngay những tác phẩm đầu tiên nóng hổi tính thời sự. Tập bút ký Nhập vào đám đông của Nguyễn Văn Bổng đã nói lên cái hào hứng của thanh niên trí thức được hòa mình vào quần chúng cách mạng trong những bước đi đầu tiên. Lúc ấy, Nguyễn Văn Bổng đang làm hiệu trưởng, kiêm cả giảng dạy tại trường trung học Thái Phiên do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng thành lập, nhân trường nghỉ hè, đã trực tiếp mang bản thảo ra Hà Nội in tại nhà xuất bản Hoa Lư do Lưu Quang Thuận thành lập.

Tập bút ký vừa in xong còn để ở nhà in thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ, sách bị cháy, bản thảo không tìm lại được, ngoài một vài bài được in lại trên tạp chí Tiên Phong, cơ quan của Ban vận động Văn hóa mới của Hội Văn hóa Cứu quốc(1). Bên cạnh các tác giả thơ và văn xuôi, một số người có năng khiếu âm nhạc cũng bắt đầu sáng tác những ca khúc đầu tiên, như Phan Huỳnh Điểu viết bài Trầu cau diễn trong những đêm lửa trại hướng đạo; Vũ Hùng, Ngọc Trai, Trương Đình Cử, có vốn nhạc lý khá vững cũng hào hứng muốn thử sức về sáng tác.

Cũng trong những ngày này ở thành phố Đà Nẵng, phải kể đến không khí sinh hoạt văn nghệ quần chúng rất sôi nổi, nhất là ở các khu phố nội thành. Những người say mê đàn hát đã họp nhau lại, hình thành một ban ca nhạc, trong đó có những tên tuổi sau này nổi tiếng như Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Bích Sơn, Văn Cận (tên thật Võ Văn Hoài)... Hằng đêm, những thành viên nhóm này thường đến Phòng thông tin thành phố (sau này là cơ quan Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Đà Nẵng) để đàn hát các ca khúc cách mạng từ Hà Nội gửi vào, như Tiến quân ca, Diệt phát xít, Tiếng súng Nam Bộ, Cảm tử quân, Bài ca 19-8...(2). Ở khu vực ngã tư đường Hùng Vương- Phan Châu Trinh hiện nay có hiệu sách Thái Thị Bôi. Phòng phát thanh của Ty thông tin tuyên truyền thành phố đặt trên tầng hai của hiệu sách này.

Ở khu vực nhà hát Trưng Vương hiện nay, đêm đêm, đồng bào từ khu Tây thành phố kéo xuống, từ khu Đông kéo qua sông Hàn, cùng đồng bào khu trung tâm nội thành đứng ngồi nghe tin tức, các bài bình luận, biết được hành động xâm lược của quân Pháp, vừa phẫn nộ trước tội ác của chúng đồng thời hồ hởi với tin thắng trận của quân và dân ta ở Nam Bộ và các vùng của ta bị quân Pháp đánh chiếm từ sau 23-9-1945... Đến khuya, bà con mới kéo về, còn bàn tán xôn xao trên các đường phố. 

Nhà văn Võ Quảng (1920-2007), người từng công tác trong Ủy ban hành chính kháng chiến thành phố Đà Nẵng sau Cách mạng Tháng Tám 1945, trong một đoạn hồi ức của mình, có ghi lại :“ Cả Ủy ban hành chính đều biết yêu văn học nghệ thuật nhưng trong những năm đó chưa kịp làm gì, chỉ mới biết đón tiếp những nhà văn, nhà thơ, những đoàn nghệ thuật từ Hà Nội vào, từ các tỉnh đến... Một số đoàn kịch, đoàn văn công từ Bắc vào, tổ chức nhiều đêm diễn ở Đà Nẵng. Không chỉ những kịch nói, mà còn có những kịch thơ, hài kịch. Vở hài kịch “Thằng Tây đoan bắt rượu” làm nhiều người cười lăn cười lóc”(3). Những đêm có các đoàn tàu chở quân Nam tiến từ Bắc vào, đồng bào ta ra ga Đà Nẵng chào đón, đưa tiễn. Bài hát Đoàn Giải phóng quân của Phan Huỳnh Điểu ra đời trong không khí sôi động ấy, mang khí thế hừng hực của những đoàn quân Nam tiến mà chính nhạc sĩ đã chứng kiến khi các anh dừng chân ở ga Đà Nẵng.

Cách mạng Tháng Tám thực sự là nguồn cảm hứng mới mẻ, bừng sáng trong tâm hồn thế hệ thanh niên Quảng Nam - Đà Nẵng lớn lên cùng cách mạng, trong đó có lớp trí thức văn nghệ sĩ. Cách mạng đã làm thay đổi số phận của nhiều nhà văn nhà thơ và những người làm văn học nghệ thuật nói chung từng chìm đắm trong “tháp ngà nghệ thuật” trước cách mạng, hướng họ đến với dòng chảy của nền văn nghệ chính thống phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nhiều người trong số họ về sau này đã trở thành những tài năng xuất sắc, những cây bút chủ lực của nền văn học nghệ thuật nước nhà trong sự nghiệp kháng chiến chống ngoại xâm và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

NẠI  HIÊN

1. Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng, Kỷ niệm một thời tuyên truyền kháng chiến Quảng Nam- Đà Nẵng, NXB Đà Nẵng, 12-1996, tr.8
2. Trương Đình Quang, Từ nhóm đàn hát không chuyên,  Tạp chí  Văn hóa - VH Thông tin tháng 9-2003, Sở VHTT thành phố Đà Nẵng, tr.41
3.  Nhiều tác giả, Đà Nẵng 1946, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng xuất bản, 2010, tr.33.

;
;
.
.
.
.
.