Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945 - 2024)

Chăm lo chu đáo người có công

.

Đảng bộ, chính quyền thành phố luôn xác định công tác chăm lo chế độ, chính sách cho thương binh, liệt sĩ, người có công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên. Nhờ đó, chính sách đối với người có công được triển khai kịp thời, giúp họ được hưởng quyền lợi đầy đủ và bảo đảm theo quy định.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng (bên phải) thăm hỏi gia đình chính sách trên địa bàn quận Hải Châu. Ảnh: LP
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng (bên phải) thăm hỏi gia đình chính sách trên địa bàn quận Hải Châu. Ảnh: LP

Triển khai chính sách kịp thời, đúng đối tượng

Hiện toàn thành phố có gần 17.000 lượt đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, kinh phí chi trả hằng tháng trên 34,3 tỷ đồng. Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH), quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, người có công và thân nhân được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, trong đó tập trung vào một số chế độ như: trợ cấp, phụ cấp hằng tháng; trợ cấp một lần; điều dưỡng phục hồi sức khỏe, ưu đãi giáo dục và đào tạo, hỗ trợ cải thiện nhà ở, miễn, giảm tiền sử dụng đất... Các chính sách này được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Đầu năm 2024, Sở LĐ, TB&XH ban hành các quyết định thực hiện chế độ điều dưỡng đối với người có công và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn thành phố cho 5.706 người, kinh phí hơn 12,5 tỷ đồng. Những đối tượng còn đủ sức khỏe, có nguyện vọng đăng ký điều dưỡng tập trung tại các Trung tâm điều dưỡng người có công các tỉnh thành, ngoài kinh phí điều dưỡng của Trung ương, thành phố hỗ trợ kinh phí cho các địa phương triển khai tổ chức việc đưa, đón người có công đến các cơ sở điều dưỡng được chu đáo, góp phần phục hồi sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần cho người có công.

Chế độ ưu đãi về giáo dục và đào tạo đối với học sinh, sinh viên là con của thương binh, bệnh binh, liệt sĩ, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học không ngừng được mở rộng. Từ quy định giải quyết chế độ trợ cấp, chế độ miễn giảm học phí cho đối tượng đang học trường công lập, đến nay thực hiện chế độ ưu đãi giáo dục và đào tạo đến tất cả loại hình giáo dục, đào tạo từ mẫu giáo, các loại hình giáo dục phổ thông đến cơ sở đào tạo nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học. Hiện có trên 15.451 lượt học sinh, sinh viên là con của thương binh, bệnh binh, liệt sĩ, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được thực hiện chế độ ưu đãi giáo dục và đào tạo, trong đó có gần 11.000 học sinh, sinh viên đang theo học các cơ sở đào tạo được hưởng trợ cấp hằng tháng. Kinh phí thực hiện chế độ ưu đãi học sinh, sinh viên đến nay trên 100 tỷ đồng.

Để nâng cao đời sống người có công, ngoài việc thực hiện tốt các chính sách, chế độ theo quy định, công tác hỗ trợ cải thiện nhà ở được thành phố quan tâm và thường xuyên chỉ đạo Sở LĐ,TB&XH phối hợp với địa phương rà soát nhu cầu sửa chữa, xây mới nhà ở của người có công. Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ- TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, từ năm 2013 đến năm 2019, UBND thành phố hỗ trợ sửa chữa, xây mới 8.378 nhà (trong đó 1.902 nhà xây mới và 6.476 nhà sửa chữa) với kinh phí trên 250 tỷ đồng. Đồng thời, từ năm 2021 - 2023 triển khai thực hiện theo các văn bản mới của Trung ương, UBND thành phố đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới cho 2.874 nhà (trong đó 698 nhà xây mới và 2.176 nhà sửa chữa), kinh phí hơn 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Đến nay, công tác hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công trên địa bàn thành phố cơ bản hoàn thành với hơn 16.800 nhà được sửa chữa, 3.217 nhà xây mới, tổng kinh phí thực hiện gần 440 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố. Ngoài ra, thành phố hỗ trợ tiền sử dụng đất cho hơn 8.400 hộ với kinh phí hơn 200 tỷ đồng, đồng thời thực hiện miễn giảm tiền sử dụng đất cho hơn 3.200 hộ, kinh phí thực hiện gần 207 tỷ đồng.

Nhiều chính sách đặc thù

Song song thực hiện chế độ chính sách theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30-12-2021 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, thành phố còn có chính sách đặc thù với người có công. Vào dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ, thành phố ban hành nghị quyết quy định đối tượng, mức quà tặng cho người có công, thân nhân. Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thành phố trích kinh phí hơn 35 tỷ đồng tặng quà cho hơn 40.000 lượt người có công và thân nhân; dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 vừa qua, thành phố tặng quà cho hơn 26.000 lượt người có công và thân nhân liệt sĩ, kinh phí thực hiện hơn 15 tỷ đồng.

Đối với người có công thuộc nhóm 1 gồm Mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở, ngoài tiền trợ cấp ưu đãi của Trung ương, thành phố hỗ trợ từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/người/tháng theo Nghị quyết số 245/2019/NQ-HĐND ngày 11-7-2019 của HĐND thành phố nhằm hỗ trợ điều trị bệnh, góp phần chăm sóc sức khỏe cho người có công. Đối với người có công mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, hằng năm, thành phố chi trên 17 tỷ đồng giải quyết trợ cấp thường xuyên và trên 1,4 tỷ đồng giải quyết trợ cấp khó khăn đột xuất theo Nghị quyết số 19/2016/NQ-HĐND ngày 11-8-2016 của HĐND thành phố. Bên cạnh đó, thành phố quan tâm, hỗ trợ cho người có công thuộc hộ nghèo không còn sức lao động mức 1 triệu đồng/tháng. Đối với người có công đang được phụng dưỡng tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng, thành phố hỗ trợ tiền ăn 2,1 triệu đồng/tháng.

“Ngoài chính sách quy định của Trung ương, thành phố ban hành nhiều chính sách đặc thù, nhằm nâng cao mức sống của người có công trên địa bàn thành phố, bảo đảm mức sống của người có công bằng hoặc cao hơn mức trung bình của người dân nơi cư trú. Đồng thời, phong trào toàn dân chăm sóc người có công với cách mạng được cấp ủy, chính quyền địa phương, các tầng lớp xã hội đặc biệt quan tâm với nhiều hình thức như: vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham gia đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa; công tác phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; tổ chức thăm và tặng quà người có công nhân dịp Tết Nguyên đán, ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 và các ngày lễ lớn; hỗ trợ xây nhà tình nghĩa... ”, ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH cho biết. Cũng theo ông Nguyễn Đăng Hoàng, để tiếp tục thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn thành phố, trong thời gian đến, các ngành chức năng tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân, tiếp tục khẳng định việc thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa” không chỉ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước mà còn là nghĩa vụ của toàn dân, toàn xã hội thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân đối với những người đã cống hiến, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Thành phố hiện đang quản lý trên 18.250 liệt sĩ, với trên 1.800 thân nhân đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng và 13.139 người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ; 11.512 thương binh, bệnh binh, trong đó có 6.841 người đang hưởng trợ cấp; 3.387 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hiện còn sống 69 mẹ; hơn 3.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học; 6.170 người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù, đày; 18.911 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế và 4.214 người có công giúp đỡ cách mạng.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.