Quốc hội Việt Nam - Lào trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội

.

ĐNO - Sáng 5-9, tại Đà Nẵng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sommad Pholsena cùng chủ trì tọa đàm chuyên đề “Vai trò của Quốc hội trong xây dựng và phát triển chính sách phát triển kinh tế - xã hội”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu khai mạc tại tọa đàm
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu khai mạc tại tọa đàm "Vai trò của Quốc hội trong xây dựng và phát triển chính sách phát triển kinh tế - xã hội". Ảnh: T.P

Tọa đàm diễn ra với 2 phiên, phiên thứ nhất: “Phát triển kinh tế tập thể và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài” và  phiên thứ hai: “Vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”. 

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho hay, việc tổ chức tọa đàm để Quốc hội Lào và Việt Nam cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, bài học thực tiễn trong xây dựng và triển khai chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Tọa đàm là sự kiện tiếp nối các hoạt động trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội đã được ký kết vào tháng 5-2022. 

Hy vọng rằng, những thông tin và bài học kinh nghiệm từ tọa đàm sẽ góp phần hữu ích, thiết thực cho mỗi quốc gia trong xây dựng cũng như tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước trong tình hình mới. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, Quốc hội Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Quốc hội Lào góp phần củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, gắn bó tin cậy và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sommad Pholsena chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: T.P
Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sommad Pholsena chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: T.P

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Lào, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sommad Pholsena bày tỏ vinh dự khi dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội Lào đến dự tọa đàm cùng Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sommad Pholsena nêu rõ, buổi tọa đàm nhằm trao đổi kinh nghiệm với Quốc hội Việt Nam trong việc thực hiện vai trò của mình trong xây dựng, thu hút đầu tư nước ngoài và chính sách về tín dụng xã hội. 

Nhất là việc phát triển hợp tác xã là vấn đề mới đối với Lào. Chính vì vậy, tọa đàm là cơ hội tốt để hai bên đi sâu thảo luận vào một số vấn đề như vai trò của Quốc hội trong việc chấn chỉnh kết quả kiểm toán, cơ chế, phương pháp, biện pháp được kiểm toán; công tác giám sát việc thực hiện kế hoạch ngân sách nhà nước, đặc biệt là việc phân công quản lý thu ngân sách giữa Trung ương và địa phương; vai trò của Quốc hội trong việc xác nhận, thẩm tra các dự án đầu tư nhà nước, phân bổ ngân sách cho các dự án đã hoàn thành, dự án tiếp tục và dự án mới; chính sách thúc đẩy, thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, đặc khu kinh tế và một số vấn đề khác.

Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng chính sách, pháp luật thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài; kinh nghiệm về chính sách phát triển kinh tế tập thể, trong đó có chính sách phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; tín dụng chính sách xã hội…

Quang cảnh tọa đàm “Vai trò của Quốc hội trong xây dựng và phát triển chính sách phát triển kinh tế - xã hội”. Ảnh: T.P
Quang cảnh tọa đàm “Vai trò của Quốc hội trong xây dựng và phát triển chính sách phát triển kinh tế - xã hội”. Ảnh: T.P

Đồng thời, các đại biểu Quốc hội Lào cũng được thông tin những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội của Việt Nam. Qua 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Sau 35 năm, số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tính riêng năm 2023 tăng lên 36,61 tỷ USD với số vốn giải ngân đạt 23,2 tỷ USD, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. 

Cùng với đó, các mô hình kinh tế tập thể ở Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập; xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh; an ninh, trật tự, an toàn xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế quốc dân.

Hơn nữa, tín dụng chính sách xã hội là chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc, và là một trong những trụ cột trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh và an ninh xã hội của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong tiến trình đổi mới. 

Đặc biệt, ngày 19-6-2020, Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết số 120/2020/QH14 về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào; công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo có những chuyển biến tích cực. 

Đoàn lãnh đạo Quốc hội Việt Nam - Lào chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: T.P
Đoàn lãnh đạo Quốc hội Việt Nam - Lào chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: T.P

Kết luận tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, việc hai Quốc hội phối hợp tổ chức các hội thảo, tọa đàm chuyên đề đã và đang hướng tới thành cơ chế thường xuyên, đem lại hiệu quả thực chất và phù hợp với tinh thần hợp tác giữa hai Bộ Chính trị, Quốc hội về việc trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Thông qua tọa đàm lần này, đại biểu Quốc hội hai nước Việt Nam - Lào trao đã trao đổi nhiều thông tin hữu ích, bài học kinh nghiệm quý báu trong xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là các cơ chế, chính sách mới, phù hợp với bối cảnh, điều kiện kinh tế - xã hội của từng nước và tăng cường hợp tác, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa hai nước trên nhiều mặt như thương mại, đầu tư,... 

Phó Chủ tịch Quốc hội tin tưởng Quốc hội hai nước sẽ tiếp tục có những hoạt động hợp tác ngày càng toàn điện và hiệu quả, tiếp tục triển khai các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm quý báu về nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn trong quá trình điều hành, lãnh đạo đất nước, trong đó có việc đồng tổ chức các hội thảo, tọa đàm chuyên đề như hôm nay.

THANH PHƯƠNG

 

;
;
.
.
.
.
.
.