Đưa nhóm dịch vụ khoa học, công nghệ thuộc đối tượng được miễn thuế giá trị gia tăng

.

ĐNO - Cần xem xét, đưa nhóm dịch vụ khoa học, công nghệ thuộc đối tượng được miễn thuế giá trị gia tăng (GTGT) lần này nhằm bảo đảm thực thi tốt nhất các chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh phát biểu thảo luận tại hội trường sáng 29-10. Ảnh VH
Đại biểu Nguyễn Duy Minh phát biểu thảo luận tại hội trường sáng 29-10. Ảnh VH

Đây là đề nghị của đại biểu Nguyễn Duy Minh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sáng 29-10 tại thảo luận ở hội trường Quốc hội về Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Đại biểu thống nhất với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến về vấn đề điều chỉnh mức thuế GTGT đối với một số hàng hóa và dịch vụ.

Theo đó, về mức thuế suất 5% áp dụng đối với dịch vụ khoa học, công nghệ theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ (điểm m, khoản 2, Điều 9), đại biểu cho rằng, việc áp dụng mức thuế suất 5% đối với dịch vụ này tại Việt Nam có thể mang lại một số lợi ích ngắn hạn về thu ngân sách và quản lý minh bạch hơn.

Hơn nữa, việc áp dụng thuế suất thay vì miễn thuế hoàn toàn có thể giúp quản lý và giám sát các hoạt động khoa học và công nghệ tốt hơn. Điều này có thể giảm thiểu rủi ro lạm dụng chính sách miễn thuế.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Quốc hội và Ban soạn thảo xem xét các khía cạnh để cho phép dịch vụ khoa học, công nghệ thuộc đối tượng không nộp thuế GTGT, đó là miễn thuế GTGT cho các dịch vụ khoa học và công nghệ sẽ khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đặc biệt từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Việc giảm chi phí đầu tư sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và các tổ chức công nghệ phát triển, từ đó thúc đẩy nền kinh tế tri thức.

Bên cạnh đó, miễn thuế GTGT sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và tổ chức tập trung vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, từ đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Điều này rất quan trọng để Việt Nam có thể cạnh tranh trên trường quốc tế và xây dựng một nền kinh tế dựa trên tri thức.

Do đó, đại biểu đề nghị cần thể chế hóa những chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ trong 5 năm gần đây, nhất là Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; bài viết “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới” của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Với những phân tích trên, đại biểu đề nghị xem xét đưa nhóm dịch vụ khoa học, công nghệ thuộc đối tượng được miễn thuế GTGT lần này nhằm bảo đảm thực thi tốt nhất các chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước và không trái với thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, tại khoản 8 Điều 5 dự thảo luật đã bổ sung đối tượng không chịu thuế GTGT “bảo hiểm các công trình, thiết bị dầu khí, tàu chứa dầu mang quốc tịch nước ngoài do nhà thầu dầu khí hoặc nhà thầu phụ nước ngoài thuê để hoạt động tại vùng biển Việt Nam, vùng biển chồng lấn mà Việt Nam và các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện đã thỏa thuận đặt dưới chế độ khai thác chung.”

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, đánh giá thêm một cách thuyết phục hơn của việc bổ sung thêm loại bảo hiểm này vào đối tượng không chịu thuế GTGT, bởi một số lý do: Miễn thuế GTGT cho bảo hiểm công trình dầu khí và tàu chứa dầu mang quốc tịch nước ngoài có thể tạo ra sự bất công bằng đối với các dịch vụ bảo hiểm khác, bao gồm các dịch vụ bảo hiểm cho các ngành công nghiệp khác hoặc cho các loại hình doanh nghiệp khác.

Điều này có thể dẫn đến sự phản ứng tiêu cực từ các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước và làm mất cân bằng cạnh tranh trong ngành bảo hiểm.

Việc miễn thuế có thể bị lạm dụng khi các doanh nghiệp tìm cách khai thác kẽ hở trong luật pháp để trục lợi. Các doanh nghiệp có thể cố tình phân loại sai mục đích sử dụng dịch vụ bảo hiểm để được miễn thuế, dẫn đến mất kiểm soát và khó khăn trong quản lý.

Việc miễn thuế GTGT cho một nhóm dịch vụ cụ thể có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm, khi các ngành công nghiệp khác cũng yêu cầu được miễn thuế. Điều này có thể dẫn đến sự không nhất quán trong chính sách thuế và làm giảm tính ổn định của hệ thống thuế.

VŨ HƯNG – AN NHIÊN


 

;
;
.
.
.
.
.
.