Góp ý sửa đổi và bổ sung Luật Đầu tư công

.

ĐNO - Sáng 15-10, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Duy Minh chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý về Luật sửa đổi và bổ sung Luật Đầu tư công.

Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng Nguyễn Duy Minh chủ trì hội nghị góp ý các dự thảo luật. Ảnh H.N
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng Nguyễn Duy Minh chủ trì hội nghị góp ý dự thảo luật. Ảnh H.N

Các đại biểu cho rằng việc sửa đổi Luật Đầu tư công là hết sức cần thiết, vì nguồn lực và quy mô đầu tư công ngày càng lớn, là kênh phát triển kinh tế - xã hội, việc phân cấp phân quyền được quy định rõ hơn; Chính phủ tiếp thu nhiều bất cập trong quá trình triển khai nên việc điều chỉnh luật là phù hợp tình hình hiện nay.

Theo các đại biểu, dự thảo luật nâng quy mô dự án quốc gia lên 30.000 tỷ đồng, tăng 3 lần so với luật hiện hành là phù hợp thực tế quy mô nền kinh tế. Hiện nay, thủ tục đầu tư khá rườm rà, nhất là quy hoạch và chủ trương đầu tư, trình tự thủ tục quá dài, dự án luật đề xuất đưa dự án nhóm B đang do HĐND cấp tỉnh, thành phố phê duyệt về cho UBND cùng cấp là phù hợp. Nhất là trong điều kiện hằng tháng UBND tổ chức họp thường kỳ, nhờ đó các dự án đầu tư sẽ nhanh hơn khi UBND giao về cho địa phương. 

Về công tác bồi thường và hỗ trợ tái định cư, Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng cho phép tách dự án giao thông nhóm B, theo các đại biểu nên tách cả dự án nhóm B và C để khắc phục tình trạng trì trệ do vướng giải phóng mặt bằng, thuận lợi trong hợp đồng giữa nhà thầu và chủ đầu tư, đủ căn cứ xử lý vi phạm hợp đồng, thúc đẩy dự án nhanh hơn, đúng thẩm quyền.

Trong nhóm vấn đề này, có ý kiến cho rằng đối với các địa phương đang thực hiện tổ chức chính quyền đô thị, một số nhiệm vụ không còn như phân bổ vốn hay quyết định vốn trung hạn, trong điều khoản thi hành Luật Ngân sách giao cho Chính phủ quy định chính sách, cơ chế về thực hiện chính sách đặc thù, thì Luật Đầu tư công nên có điều khoản này để thuận lợi hơn trong việc triển khai.

Cần quy định cụ thể thời gian thực hiện dự án. Dự thảo luật quy định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A là 6 năm, nhóm B 4 năm, nhóm C 3 năm, vì vậy thời gian thực hiện nên bắt đầu từ khi có quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, hay thời gian HĐND bố trí vốn lần đầu.

Trên thực tế những dự án lớn thường kéo dài thời gian phê duyệt, quy hoạch, đền bù giải tỏa, vượt thời gian bố trí vốn, vì lâu nay việc lập quy hoạch chi tiết kéo dài khiến thời gian triển khai thực hiện dự án kéo dài.

Theo các đại biểu, cùng với sửa đổi Luật Đầu tư công cần sửa một số luật khác như: Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch để đồng bộ như chí phí quy hoạch, quy định chặt chẽ trình tự chủ trương đầu tư, hướng dẫn cụ thể trình tự thủ tục vốn chi thường xuyên và vốn khác để chuẩn bị dự án.

Bên cạnh đó, để áp dụng Luật đầu tư công sửa đổi cần sửa thêm một số luật có liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp, tránh vướng mắc, như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Kiểm toán…   

Tiếp thu và đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Duy Minh cho biết đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sẽ tổng hợp ý kiến, chuyển cơ quan soạn thảo bổ sung, hoàn thiện dự thảo luật trong kỳ họp Quốc hội sắp tới.

H. NHUNG

 

 

 

 

 

;
;
.
.
.
.
.