Nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác bổ trợ tư pháp để làm tốt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

.

Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, ngày 10-4-2023, Thành ủy Đà Nẵng ban hành Chương trình hành động số 29-CTr/TU để tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố.

Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp thành phố tổ chức hội thảo “Giải pháp tăng cường hiệu quả công tác bổ trợ tư pháp trên địa bàn thành phố” ngày 1-8-2024. Ảnh: PHÚ NGỌC
Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp thành phố tổ chức hội thảo “Giải pháp tăng cường hiệu quả công tác bổ trợ tư pháp trên địa bàn thành phố” ngày 1-8-2024. Ảnh: PHÚ NGỌC

Một trong những nhiệm vụ quan trọng được xác định là tập trung “Lãnh đạo việc xây dựng kế hoạch tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển các lĩnh vực công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp; xây dựng đội ngũ hành nghề công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội”.

Với tinh thần đó, thời gian qua, các đơn vị, địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều cách làm mới, sáng tạo nhằm tăng cường hiệu quả công tác bổ trợ tư pháp trên địa bàn thành phố. Có thể đơn cử như việc Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp thành phố tổ chức hội thảo “Giải pháp tăng cường hiệu quả công tác bổ trợ tư pháp trên địa bàn thành phố” vào ngày 1-8-2024. Qua đó, các đơn vị, ngành chức năng, lãnh đạo các địa phương có dịp để đánh giá kết quả đạt được, các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động bổ trợ tư pháp, từ đó đề xuất nhiều giải pháp hợp lý, kịp thời khắc phục và tăng cường hiệu quả công tác bổ trợ tư pháp trong thời gian đến.

Theo số liệu thống kê, hiện nay, thành phố có 35 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 3 phòng công chứng và 32 văn phòng công chứng, với tổng số 82 công chứng viên đang hành nghề; 104 tổ chức hành nghề luật sư, trong đó có 41 văn phòng luật sư, 63 công ty luật, 54 chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư (trong đó có 3 chi nhánh của công ty luật nước ngoài) và 16 luật sư hành nghề với tư cách cá nhân; 1 trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản, 10 doanh nghiệp đấu giá tài sản, 11 chi nhánh doanh nghiệp đấu giá tài sản với 27 đấu giá viên; 2 tổ chức giám định tư pháp công lập (Trung tâm Pháp y thành phố thuộc Sở Y tế và Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an thành phố), 11 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, 55 giám định viên tư pháp và 48 giám định viên tư pháp theo vụ việc; 4 văn phòng thừa phát lại với 5 thừa phát lại.

Kể từ ngày 1-10-2022 đến hết ngày 24-7-2023, các văn phòng thừa phát lại trên địa bàn thành phố thực hiện lập 651 vi bằng và trực tiếp tổ chức thi hành án dân sự 1 vụ với tổng doanh thu là 1.324.373.063 đồng. Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thuộc Sở Tư pháp có 2 trợ giúp viên pháp lý và 25 luật sư ký kết hợp đồng với trung tâm.

Từ năm 2023 đến hết tháng 5-2024, thành phố tiếp nhận và giải quyết 347 hồ sơ thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp trên Cổng dịch vụ công thành phố cho người dân. Đặc biệt, hoạt động bổ trợ tư pháp tại các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục được quan tâm, triển khai thực hiện. Nhiều vụ việc, vụ án có khó khăn, vướng mắc kéo dài nhiều năm không thể giải quyết dứt điểm, nhất là các vụ án, vụ việc liên quan đến nhóm tội phạm, sai phạm về tham nhũng, tiêu cực đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân, dư luận xã hội quan tâm, thông qua công tác phối hợp, củng cố hoạt động bổ trợ tư pháp, giám định, định giá tài sản trên lĩnh vực đất đai, xây dựng, tài chính... đã làm rõ được các sai phạm, làm căn cứ quan trọng trong giải quyết các vụ án, vụ việc; thu hồi được số lượng lớn tài sản cho Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt, nhiều vụ việc đã thu hồi tài sản đạt tỷ lệ 100%.

Số liệu trên cho thấy việc đưa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng vào thực tiễn thành phố đã có nhiều sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt, hoạt động bổ trợ tư pháp có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, qua đó góp phần quan trọng trong công tác xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, hoạt động của một số tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp như luật sư, công chứng, đấu giá tài sản, thừa phát lại, giám định… có lúc chưa đáp ứng yêu cầu, chuyên môn, nghiệp vụ chưa thật sự theo kịp với tình hình thực tiễn, cá biệt có trường hợp sai phạm phải xử lý về hành chính và hình sự.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, quốc tế ngày càng sâu rộng, nhu cầu về các dịch vụ pháp lý, trợ giúp, tư vấn, giám định, định giá, công chứng, luật sư… ngày càng cao, đặc biệt là thực hiện lộ trình cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương gắn với thực hiện các cơ chế đặc thù trên địa bàn thành phố Đà Nẵng như Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cùng với triển khai các phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố, đòi hỏi nguồn lực cho công tác bổ trợ tư pháp không ngừng được đầu tư về cơ sở vật chất, số lượng và chất lượng hoạt động, trong đó cần tập trung đổi mới công tác bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cho luật sư, công chứng viên và thư ký nghiệp vụ của các tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương; tăng cường công tác bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho các tổ chức, cá nhân giám định tư pháp và cho cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, ban, ngành tham mưu về công tác đấu giá tài sản.

Các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, nâng cao chất lượng các hoạt động bổ trợ tư pháp, đồng thời thường xuyên tổ chức các hoạt động kiểm tra, thanh tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm, vi phạm; chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh các trường hợp cá nhân lợi dụng hành nghề bổ trợ tư pháp để vi phạm pháp luật để phòng ngừa chung; tăng cường công tác quản lý đối với các hoạt động bổ trợ tư pháp, nhất là các hoạt động đã thực hiện xã hội hóa nhằm phòng ngừa vi phạm trong hoạt động của các tổ chức và cá nhân trong các lĩnh vực này; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội đối với các tổ chức bổ trợ tư pháp mà trọng tâm là việc thực hiện pháp luật về bổ trợ tư pháp gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hiện đúng chủ trương của Trung ương là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào” trong thực hiện hoạt động của mình.

Các ngành chức năng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển các lĩnh vực công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp; xây dựng đội ngũ hành nghề công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; quan tâm đầu tư nguồn nhân lực, về cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ công tác chuyên môn, bảo đảm đáp ứng ngày càng cao các yêu cầu của cơ quan tố tụng, phù hợp sự phát triển chung của xã hội.

Có những chính sách khuyến khích, ưu đãi để thu hút nhân lực về công tác và phục vụ lâu dài; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ bổ trợ tư pháp trong tình hình hiện nay theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy.

BAN NỘI CHÍNH THÀNH ỦY

;
;
.
.
.
.
.