Ngày khuyến học, khuyến tài ở Đà Nẵng

.

Năm 1990, một số nhà giáo và nhân sĩ tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và đào tạo bàn nhau thành lập tổ chức khuyến học. Ngày 26-10-1991, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng ban hành Quyết định số 1730/QĐ-UB thành lập Hội Khuyến học tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Đây là thời điểm được chọn để làm ngày thành lập Hội Khuyến học tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và của mỗi tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng kể từ sau ngày Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (1997).

Ngày 3-3-1997, UBND thành phố ban hành Quyết định số 42/QĐ-UB thành lập Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng. Hội Khuyến học tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Hội Khuyến học tỉnh Quảng Nam và Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng được xem là sự kế thừa và tiếp nối phong trào khuyến học được hình thành vào thập niên 30 của thế kỷ XX, do chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng (Quảng Nam), một trong những lãnh tụ của phong trào Duy Tân khởi xướng.

Ở góc độ quốc gia, ngày 29-2-1996, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 122/TTg phê duyệt việc thành lập Hội Khuyến khích và Hỗ trợ phát triển giáo dục Việt Nam - gọi tắt là Hội Khuyến học Việt Nam. Ngày 2-10-1996, Đại hội thành lập Hội Khuyến học Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội và ngày 2-10-1996  được chọn làm ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam. Nhằm động viên các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; tôn vinh những gương sáng hiếu học, tập thể, cá nhân đạt thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài, ngày 16-9-2008, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1271/QĐ-TTg lấy ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam 2-10 làm ngày Khuyến học Việt Nam hằng năm.

Từ ngày 2 đến ngày 8-10-2011, lần đầu tiên, Tuần lễ Học tập suốt đời được tổ chức do Ban chỉ đạo quốc gia xây dựng xã hội học tập phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội Khuyến học Việt Nam, Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức. Tuần lễ học tập suốt đời là dịp tiếp tục tôn vinh, gìn giữ và phát huy truyền thống hiếu học quý báu của dân tộc Việt Nam, tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về xã hội học tập; là cơ hội để các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước chia sẻ những nghiên cứu, kinh nghiệm, hoạt động và thành quả về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

Ngày thành lập, ngày truyền thống và tuần lễ học tập của mỗi tỉnh, thành phố và cả nước đều có những thời điểm và hoàn cảnh ra đời khác nhau, nhưng tất cả đều nhằm một mục tiêu phát huy các giá trị truyền thống, hoạt động hiệu quả, các cam kết quốc tế, tôn vinh các tập thể, tổ chức, cá nhân đã cống hiến, sáng tạo, kiên trì vì sự nghiệp giáo dục, vì một xã hội học tập hôm nay và mai sau.

Phát huy truyền thống hiếu học của người dân xứ Quảng, 33 năm qua, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội và đạt những thành tựu to lớn. Việc triển khai các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021- 2030 với nòng cốt là 5 mô hình học tập (công dân, gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập) đã bắt đầu hình dung được mô hình “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” trên địa bàn thôn, tổ dân phố đến cấp thành phố, để trong tương lai gần, Đà Nẵng hướng tới hội nhập vào mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu”.

Mối quan hệ phối kết hợp giữa hội khuyến học các cấp và các cơ quan, ban, ngành ngày càng phát triển. Phong học tập suốt đời đang góp phần thực sự trong việc xây dựng hệ thống giáo dục người lớn. Năm 2024, Hội Khuyến học thành phố tiếp tục ký kết với các đoàn thể, tổ chức, lực lượng chương trình phối hợp nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho người lao động học tập suốt đời trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực của thành phố.

Hội Khuyến học thành phố hiện có hơn 230.000 hội viên với mạng lưới tổ chức được triển khai khắp các địa bàn dân cư và đang trở thành phong trào mang tính tự giác. Tổ chức hội, chi hội, ban khuyến học và hội viên các cấp là lực lượng nòng cốt, kết nối mọi thành phần xã hội để cùng nhau thúc đẩy sự học của người lớn, hỗ trợ giáo dục trong và ngoài nhà trường, lấy khuyến học, khuyến tài làm phương tiện góp phần đưa thành phố trở thành một xã hội học tập.

Trong năm 2024 - 2025, Thành hội tiếp tục tập trung triển khai mô hình “Công dân học tập” theo Quyết định 677/QĐ-TTg và 4 mô hình học tập theo Quyết định 387/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, thực hiện theo chỉ đạo của UBND thành phố về việc triển khai hiệu quả Thông tư số 24/2023/TT-BGDĐT quy định về đánh giá, công nhận “Đơn vị học tập” cấp huyện, tỉnh và Thông tư số 25/2023/TT-BGDĐT quy định về đánh giá, công nhận “Cộng đồng học tập” cấp xã, huyện, tỉnh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Về chiến lược, phát triển mạnh mẽ mô hình “Công dân học tập” là khâu đột phá trong kế hoạch xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030; phát triển rộng khắp mô hình “Công dân học tập” và nâng cao chất lượng 4 mô hình còn lại. Mô hình cơ bản này sẽ đóng góp cho thành phố những công dân học tập suốt đời, những công dân số - lực lượng nòng cốt xây dựng quê hương, đất nước trong cuộc cách mạng 4.0.

NGUYỄN MINH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.