Một trong những nội dung được quan tâm của Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng vừa được ban hành là quy định cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã được liên thông với cấp huyện. Điều này không chỉ tháo gỡ vướng mắc trong công tác cán bộ tại các phường, xã thuộc huyện Hòa Vang, mà còn tạo động lực cống hiến cho cán bộ, công chức.
Trần Nguyễn Phương Thảo (bên phải) tham gia công tác thiện nguyện của Đoàn phường Hòa Thuận Tây tại thôn Phú Túc, xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang). Ảnh: NVCC |
Vướng mắc trong công tác cán bộ
Chị Trần Nguyễn Phương Thảo, Bí thư Đoàn phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu), có 15 năm công tác liên tục tại phường. Hiện nay Thảo đã hết tuổi Đoàn, sắp tới Thảo sẽ thôi giữ chức Bí thư Đoàn phường nhưng chưa biết sẽ bố trí công việc ở bộ phận nào.
Trưởng phòng Nội vụ quận Hải Châu Trần Thị Kim Yến cho biết, trường hợp của chị Thảo rơi vào quy định cán bộ khối Đảng, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở phường hiện vẫn là cán bộ cấp xã (khác với công chức làm việc ở phường) nên không thể bố trí sang địa phương khác được. Dù Thảo đủ điều kiện chuyển đổi sang công chức theo quy định, nhưng hiện ở phường Hòa Thuận Tây cũng không còn trống vị trí công chức đối với bằng cấp chuyên môn của Thảo (các điều kiện về vị trí việc làm, chỉ tiêu biên chế).
Đồng thời, đối với các địa phương thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính thực hiện theo nội dung Hướng dẫn số 04-HD/TU của Thành ủy về sắp xếp tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở những địa phương thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính quận, huyện và phường, xã trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2030, theo đó tạm dừng tiếp nhận vào làm công chức, nên việc tiếp nhận chị Thảo ở các đơn vị khác ngoài phường Hòa Thuận Tây cũng không thể thực hiện được.
Theo Sở Nội vụ, khi thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, cán bộ thuộc tổ chức Đảng, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở phường và cán bộ, công chức các xã ở Hòa Vang vẫn là cán bộ cấp xã.
Việc quản lý, sử dụng và chế độ, chính sách thực hiện theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức cấp xã. Trong khi đó, công chức phường (tại 45 phường thuộc 6 quận) thuộc biên chế công chức của UBND quận, được quản lý, sử dụng như công chức quận.
Như vậy, thành phố cùng lúc thực hiện 2 chế độ công vụ khác nhau đối với cán bộ phường và cán bộ, công chức xã. Điều này phần nào đã ảnh hưởng công tác quản lý cán bộ ở địa phương, nhất là cán bộ thuộc tổ chức Đảng, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở phường.
Thực trạng này cũng gây khó khăn cho thành phố trong việc thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức ở phường, xã theo hướng chuyên nghiệp; bảo đảm thống nhất trong hệ thống chính trị cấp xã cũng như trong công tác quản lý, sử dụng cán bộ, công chức liên thông giữa các cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội với chính quyền và giữa cấp huyện và cấp xã; khó tạo sự linh hoạt trong công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, điều động cán bộ, công chức giữa các cơ quan, tổ chức và giữa cấp huyện với cấp xã.
Chính sách tạo sự thuận lợi thống nhất
Nghị quyết số 136/2024/QH15 có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 với những quy định cụ thể về công tác quản lý cán bộ, công chức phường, xã đã tháo gỡ hầu hết những vướng mắc nêu trên. Theo đó, cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã thuộc biên chế cán bộ, công chức cấp huyện. Việc bầu cử, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã thực hiện theo quy định của pháp luật về bầu cử, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức cấp huyện trở lên và theo thẩm quyền, phân cấp quản lý.
Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Ngũ Hành Sơn Lê Thị Thanh Duyên cho biết, quy định mới tạo sự thuận lợi, thống nhất giữa các cấp quận, huyện, phường, xã; tạo sự thống nhất về quản lý, sử dụng cán bộ, công chức trong toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở; tạo sự đồng thuận, công bằng trong toàn hệ thống chính trị; tạo động lực cho cán bộ, công chức, nhất là người làm việc ở phường, xã.
Bà Trần Thị Kim Yến cho rằng, với quy định mới, quận sẽ chủ động phân công, bố trí công tác phù hợp theo quy định và vị trí việc làm, chức danh tương đương như trường hợp của chị Thảo và một số trường hợp tương tự. Đặc biệt, quá trình sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức khi tiến hành sắp xếp các phường sẽ giúp quận chủ động điều tiết giữa các phường, thậm chí điều chuyển lên quận để công tác phù hợp với thực tiễn và quy định.
Những quy định tại Nghị quyết số 136/2024/QH15, cán bộ, công chức thuộc các xã ở huyện Hòa Vang cũng liên thông thành công chức cấp huyện. Theo Sở Nội vụ, việc quy định chính sách liên thông cán bộ, công chức phường, xã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, chính sách này được áp dụng tạo điều kiện thực hiện chính thức mô hình chính quyền đô thị và hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của chính quyền đô thị tại thành phố.
Theo Bí thư Đảng ủy phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu) Trần Thị Mai Hương, với quy định mới theo Nghị quyết số 136/2024/QH15 giúp gỡ rối nhiều tâm tư cho cán bộ, công chức thuộc khối Đảng, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở phường. “Việc liên thông tất cả cán bộ, công chức cấp xã thành công chức cấp huyện thực sự là cơ chế có tác động lớn đến đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, rất phấn khởi, tạo cho họ niềm vui, động lực và khát vọng cống hiến”, bà Hương nói.
Đồng quan điểm với bà Hương, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) Lê Thị Thu Hà rất vui mừng, phấn khởi vì theo quy định mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong công tác cán bộ, cũng như thúc đẩy tinh thần nỗ lực phấn đấu, tạo động lực rất lớn cho đội ngũ cán bộ, công chức ở xã để có cơ hội phát triển.
Trong niềm vui vỡ òa, Trần Nguyễn Phương Thảo cho rằng, với quy định mới, sẽ kích thích tinh thần, khát vọng cống hiến nhiều hơn, qua đó được ghi nhận và được xem xét để có điều kiện phát triển bản thân cũng như công tác lâu dài.
TRỌNG HUY