Chính trị
Đề xuất dùng thuế thu từ Google, Facebook... hỗ trợ báo chí
Đại biểu Quốc hội đề xuất xây dựng cơ chế thu thuế từ các nền tảng số như Google, Facebook... để hỗ trợ các cơ quan báo chí trong nước.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) đề xuất áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% cho các cơ quan báo chí. Ảnh: Quochoi.vn |
Sáng 28-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Góp ý về mức thuế thu nhập đối với cơ quan báo chí, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho biết, hiện nay phần lớn cơ quan báo chí hoạt động với mục tiêu phi lợi nhuận, phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền và giáo dục thay vì mục tiêu kinh doanh.
"Việc áp dụng mức thuế thu nhập phổ thông 20% cho các khoản thu nhập ngoài nhiệm vụ chính như quảng cáo, tổ chức sự kiện tạo áp lực lớn lên tài chính của họ", đại biểu nói.
Ngoài ra, theo đại biểu, các tổ chức công ích được hưởng chính sách miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng báo chí chưa được áp dụng cơ chế hỗ trợ tương tự, dù có vai trò quan trọng trong xã hội.
Đại biểu Đoàn Trà Vinh nêu thực tế, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ các nền tảng số như Google, Facebook, nguồn thu của báo chí ngày càng giảm khiến nhiều cơ quan báo chí gặp khó khăn trong duy trì hoạt động.
Các khoản thu nhập không ổn định, như tài trợ, hợp đồng quảng cáo nhỏ lẻ vẫn được tính thuế doanh nghiệp mà không tính đặc thù làm suy yếu khả năng tài chính của báo chí.
Cùng với đó, hiện luật thuế chưa có quy định riêng đối với cơ quan báo chí, dẫn dến việc áp dụng thuế suất như doanh nghiệp thông thường mà không xét đến vai trò đặc biệt của báo chí trong hệ thống chính trị và xã hội.
Một số cơ quan báo chí có thể hưởng ưu đãi nhờ quy định khác như về khu vực địa lý, hoặc lĩnh vực khuyến khích nhưng điều này không nhất quán và thiếu minh bạch.
Từ đó, đại biểu đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% hoặc nếu được, có thể thấp hơn đối với phần thu nhập chịu thuế từ hoạt động ngoài hoạt động chính trị như quảng cáo, tổ chức sự kiện.
Cùng với đó, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản tài trợ, viện trợ cho cơ quan báo chí để tạo điều kiện hỗ trợ cho họ thực hiện nhiệm vụ chính trị và truyền thông.
Đề xuất tách biệt rõ ràng giữa thu nhập từ hoạt động tuyên truyền, nhiệm vụ chính trị được miễn thuế và thu nhập từ các hoạt động kinh doanh hưởng ưu đãi thuế suất thấp.
Có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho cơ quan báo chí địa phương, nhất là vùng sâu, xa, nơi có điều kiện khó khăn, khả năng tự chủ tài chính thấp hoặc rất thấp; xây dựng cơ chế kê khai thuế đơn giản, ưu tiên hỗ trợ các cơ quan báo chí trong việc xác định thu nhập chịu thuế và áp dụng các ưu đãi.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kê khai và quyết toán thuế, giảm gánh nặng hành chính cho cơ quan báo chí.
Đại biểu cũng đề xuất hỗ trợ gián tiếp thông qua các biện pháp khác như: Thành lập quỹ hỗ trợ tài chính từ nguồn ngân sách Nhà nước hoặc nguồn xã hội hóa để tài trợ một phần cho hoạt động báo chí; xây dựng cơ chế thu thuế từ các nền tảng số như Google, Facebook và sử dụng nguồn thu này để hỗ trợ cơ quan báo chí trong nước.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cũng cho rằng báo chí hoạt động đang rất khó khăn trong khi đó thu thuế từ thu nhập báo chí không có nhiều.
Lý giải khó khăn này, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng ngoài sự cạnh tranh trong những cơ quan báo chí thì còn cạnh tranh với các nền tảng số.
Vị này nói thêm, một số cơ quan báo chí hiện nay không được nhà nước hỗ trợ nên rất khó khăn. “Những đơn vị sự nghiệp có thu thì họ tự thu, còn rất nhiều tạp chí họ tự hoạt động nên nguồn thu không nhiều, chính vì thế nếu thu thuế sẽ khó khăn thêm. Nên đưa báo chí nằm trong dạng doanh nghiệp vừa và nhỏ để được ưu đãi thuế", đại biểu đề xuất.
Theo laodong.vn