Doanh nghiệp nhà nước kinh doanh có lãi nhưng thu nhập người lao động vẫn thấp do lương thấp và quy định trích không quá 3 tháng lương để khen thưởng, phúc lợi.
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội thảo luận về quy định trích không quá 3 tháng lương để đưa vào quỹ khen thưởng và phúc lợi. Ảnh: Quốc hội |
Đại biểu Quốc hội nêu ra khả năng trên khi thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào chiều 29.11.
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng cơ chế phân phối lợi nhuận quy định theo dự thảo luật sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh tốt, có lợi nhuận nhiều, vì tất cả đều chỉ trích tối đa 3 tháng tiền lương để đưa vào quỹ khen thưởng và phúc lợi.
Đại biểu phân tích, nếu doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả nhưng mức tự trả lương cao, thì không còn lợi nhuận để trích các quỹ khen thưởng, phúc lợi nhưng thực ra thu nhập hàng tháng của người lao động hàng tháng vẫn cao.
"Ngược lại, nếu doanh nghiệp làm ăn tốt, nhưng người ta xác định mức tiền lương thấp, thì khi đó, kinh doanh có lãi, lợi nhuận nhiều, người ta chỉ được trích 3 tháng tiền lương để khen thưởng và như vậy thì người lao động vẫn thu nhập thấp", đại biểu nêu ra khả năng.
Do vậy, theo đại biểu, việc phân phối lợi nhuận trước hết phải dành để thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch được giao như tăng vốn, trích nộp ngân sách, trích lập các quỹ tích luỹ để phát triển, trích lập quỹ dự phòng, phần còn lại sẽ được phân phối cho người lao động, và như vậy người lao động sẽ được hưởng theo thành quả, lợi nhuận nhiều thì sẽ được hưởng nhiều, lợi nhuận ít sẽ được hưởng ít.
Trong khi đó, ĐBQH Võ Mạnh Sơn (Đoàn Thanh Hóa) góp ý đối với dự thảo luật có liên quan đến việc quản lý doanh nghiệp của tổ chức Công đoàn.
Theo đại biểu hiện đang là Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa, việc hình thành tài sản, nguồn vốn tại các doanh nghiệp của Công đoàn có nguồn gốc ban đầu từ nguồn tài chính công đoàn. Là tổ chức đại diện, bảo vệ và chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, Công đoàn cần được bảo đảm sự tự chủ trong hoạt động cũng như quản lý, đầu tư vốn tại doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của mình, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Hiện nay, quá trình chuyển đổi, sắp xếp các doanh nghiệp của tổ chức Công đoàn đã có kết quả bước đầu nhưng chưa đạt yêu cầu; quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Nghị định 97/2024/NĐ-CP ngày 25-7-2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 17: “Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội vận dụng quy định của Nghị định này để tổ chức thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội làm chủ sở hữu”.
Trên cơ sở đó, nhằm khắc phục những hạn chế bất cập nêu trên, đại biểu nêu một số kiến nghị, trong đó về phân phối lợi nhuận sau thuế và sử dụng Quỹ, để phù hợp với Luật Công đoàn, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung một Khoản mới tại Điều 15 Dự thảo luật như sau: “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vận dụng quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này quy định về phân phối lợi nhuận và sử dụng Quỹ tại doanh nghiệp của tổ chức Công đoàn".
Theo laodong.vn