Chính trị
Phát huy giá trị các làng nghề truyền thống
Ngày 31-10, đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố làm việc với các sở: Công Thương; Văn hóa, Thể thao; Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo của các sở, trên địa bàn thành phố có 10 làng nghề. Trong đó, 6 làng nghề chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản (làng nghề nước mắm Nam Ô, bánh tráng Túy Loan, khô mè Cẩm Lệ, rượu cần Phú Túc, chế biến nem tré Hải Châu, sản xuất giá đỗ Nghi An); 1 làng nghề thủ công mỹ nghệ (đá mỹ nghệ Non Nước); 1 làng nghề xử lý, chế biến nguyên liệu phục vụ nông thôn (đá chẻ Hòa Sơn); 2 làng nghề sản xuất mây tre đan, đan lát (chiếu Cẩm Nê, mây tre An Khê).
Thời gian qua, các làng nghề đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố, tạo nguồn sản phẩm phong phú và đa dạng phục vụ nhu cầu xã hội, xuất khẩu; giải quyết việc làm. Một số làng nghề đứng vững và phát triển trong cơ chế thị trường, trở thành sản phẩm du lịch, điểm tham quan hút khách.
Bên cạnh mặt tích cực, các sở chia sẻ những tồn tại, khó khăn và đề xuất HĐND, UBND thành phố quan tâm, ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống. Đầu tư chỉnh trang, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, xử lý môi trường của làng nghề. Ưu tiên lồng ghép, bố trí thêm nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án để bảo tồn, phát huy làng nghề trên địa bàn.
Đoàn giám sát tiếp thu, tổng hợp các kiến nghị để nghiên cứu, báo cáo Thường trực HĐND thành phố và đề xuất cấp thẩm quyền giải quyết, nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các làng nghề, ngành nghề nông thôn phát triển, cũng như phát huy giá trị văn hóa của làng nghề trong giai đoạn hiện nay.
K.NGUYÊN