ĐNO - Mặc dù thành phố luôn cam kết đồng hành với doanh nghiệp bằng nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ nhưng khá nhiều chính sách hỗ trợ chưa đến được các doanh nghiệp, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp nhỏ không thể tiếp cận được các gói hỗ trợ, doanh nghiệp lớn thì gói hỗ trợ lại khá nhỏ.
Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Xuân Thắng và Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Trần Phước Sơn chủ trì, điều hành phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: T. HUY |
Đây là ý kiến thảo luận của đại biểu Huỳnh Huy Hòa, Phó Chánh Văn phòng Thành ủy (Tổ đại biểu huyện Hòa Vang) trong phiên thảo luận tại hội trường, kỳ họp thứ 21 HĐND thành phố sáng 12-12.
Theo đại biểu Huỳnh Huy Hòa, Đà Nẵng có khoảng 41 ngàn doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 257 nghìn tỷ đồng. Tính chu kỳ 20 năm, Đà Nẵng đã tăng gấp 10 lần về số lượng và tăng hơn 34 lần về tổng vốn đăng ký, đây là những con số thực sự ấn tượng, đáng ghi nhận của thành phố.
Với số lượng doanh nghiệp và tỷ lệ doanh nghiệp của thành phố luôn nằm trong top 5 của cả nước nhưng Đà Nẵng chỉ xếp thứ 17/63 địa phương về quy mô GRDP và đóng góp khoảng 1,31% vào GDP của cả nước, tương tự là thu ngân sách hàng năm cũng không nằm trong top 10 địa phương tổng thu ngân sách cao nhất của cả nước.
Đại biểu Huỳnh Huy Hòa phát biểu thảo luận. Ảnh: T. HUY |
Do vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP nhanh trên 2 con số, trong thời gian tới, thành phố cần quan tâm nhiều hơn đến doanh nghiệp, đặc biệt là chất lượng và quy mô doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, trong bối cảnh doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn luôn chiếm tỷ lệ trên 98% trong nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, một điểm đáng lưu ý nữa là năng suất lao động của 7 ngành kinh tế cấp 1 có đóng góp lớn (chiếm tỷ lệ khoảng 60% GRDP của thành phố trong giai đoạn 2019-2023) luôn thấp hơn mức năng suất lao động bình quân của nền kinh tế và sự cải thiện theo thời gian là không đáng kể.
Đại biểu Hòa cho rằng, mặc dù thành phố luôn cam kết đồng hành với doanh nghiệp bằng nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ. Dù vậy, khá nhiều chính sách hỗ trợ chưa đến được các doanh nghiệp, vẫn còn tình trạng “Doanh nghiệp nhỏ không thể tiếp cận được các gói hỗ trợ, doanh nghiệp lớn thì gói hỗ trợ lại khá nhỏ”.
Báo cáo giám sát của HĐND thành phố cũng chỉ ra, nhiều chính sách còn nằm rời rạc, chưa được kết nối một cách tổng thể để tạo ra chính sách hoàn chỉnh đối với từng nhóm đối tượng, vì thế gần như doanh nghiệp chỉ được tiếp cận dưới góc độ từng ngành, chứ chưa tiếp cận tổng thể các chính sách hiện có.
Đại biểu Hòa đề xuất, thành phố cần sớm nghiên cứu, hoàn thiện, ban hành, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có trọng điểm, với mức hỗ trợ phù hợp, có tác động lớn, có tính lan tỏa hơn nữa; thu hút các doanh nghiệp lớn gắn với các chính sách đặc thù vượt trội liên quan Nghị quyết 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ đổi mới khoa học công nghệ.
Đại biểu Lê Hồng Cương thảo luận tại kỳ họp. Ảnh: T. HUY |
Liên quan đến tiêu chí, điều kiện lựa chọn và trình tự, thủ tục đăng ký, thẩm định, cấp phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trên địa bàn thành phố, đại biểu Lê Hồng Cương, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (Tổ đại biểu huyện Hòa Vang) cho rằng, Nghị quyết số 136/2024/QH15 đã quy định một số nội dung cơ bản nhằm triển khai việc thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới, qua đó phản ánh tầm nhìn của thành phố trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thử nghiệm công nghệ mới.
Việc triển khai thực hiện thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của thành phố.
Qua nghiên cứu dự thảo nghị quyết liên quan nội dung trên, ông Cương cho biết với việc không quy định lĩnh vực ưu tiên, không giới hạn lĩnh vực cho phép thử nghiệm có kiểm soát phù hợp với các nội dung đã được quy định trước đó trong Nghị quyết số 136/2024/QH15.
Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết chưa có quy định rõ ràng về việc thành lập, thành phần của “Cơ quan hướng dẫn, kiểm soát quá trình thử nghiệm” dự kiến sẽ có ảnh hưởng đến quá trình triển khai cấp phép, ban hành quy chế thử nghiệm, khó có thể đáp ứng tiến độ 5 ngày như dự thảo đã nêu.
Do đó, trong dự thảo nghị quyết cần bổ sung một số nội dung quy định rõ hơn đối với “Cơ quan hướng dẫn, kiểm soát quá trình thử nghiệm”. Mặc dù việc xây dựng nghị quyết cần thận trọng, tuy nhiên với lĩnh vực công nghệ mới đang thay đổi từng ngày với tốc độ như vũ bão thì chúng ta cũng không nên quá cầu toàn, mà cần sớm triển khai thực hiện.
T. HUY