Chào năm mới 2025

10 sự kiện nổi bật thành phố Đà Nẵng năm 2024

.

Năm 2024, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế đặc thù tạo động lực phát triển thành phố Đà Nẵng. Kinh tế - xã hội thành phố trong năm có nhiều khởi sắc, hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng đều đạt và vượt, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện... Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật thành phố Đà Nẵng năm 2024 do Báo Đà Nẵng bình chọn.

Ngày 1-9-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và thành phố Đà Nẵng kiểm tra thực tế một số vị trí dự kiến lựa chọn xây dựng các khu chức năng để hình thành Khu thương mại tự do Đà Nẵng.  Ảnh: HOÀNG HIỆP
Ngày 1-9-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và thành phố Đà Nẵng kiểm tra thực tế một số vị trí dự kiến lựa chọn xây dựng các khu chức năng để hình thành Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Ảnh: HOÀNG HIỆP

1.  Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 79-KL/TW

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (thứ 6, bên phải sang) tặng bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy cho các tập thể cá nhân có vai trò tham mưu bộ để Bộ Chính trị  ban hành Kết luận số 79-KL/TW. Ảnh: NGỌC PHÚ
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (thứ 6, bên phải sang) tặng bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy cho các tập thể cá nhân có vai trò tham mưu bộ để Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 79-KL/TW. Ảnh: NGỌC PHÚ

Ngày 13-5-2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 79-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kết luận đánh giá những kết quả nổi bật sau 5 năm Đà Nẵng triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW; đề ra 6 nhóm giải pháp trọng tâm.

Trong đó, yêu cầu nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện thể chế, ban hành các cơ chế, chính sách, xác định tư duy, tầm nhìn chiến lược, khát vọng phát triển; nhận diện đầy đủ, chính xác các tiềm năng, lợi thế, dư địa, tạo ra không gian, động lực phát triển mới. Tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực để xây dựng thí điểm khu thương mại tự do; trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực; phát triển Đà Nẵng thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trung tâm công nghệ cao của cả nước; trung tâm vùng về logistics, du lịch - dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo...

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực chính, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, đô thị biển quốc tế, đô thị du lịch lớn gắn với kinh tế biển...

​​​​​​​Ngày 30-9, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 169/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 79-KL/TW.  Nghị quyết số 169/NQ-CP tiếp tục khẳng định vai trò đặc biệt của Đà Nẵng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội quốc gia, đồng thời đưa ra 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cùng 19 nhiệm vụ, đề án cụ thể nhằm đưa Đà Nẵng trở thành một đô thị hiện đại, thông minh, mang tầm cỡ khu vực.

2. Quốc hội ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng biểu quyết thông qua Nghị quyết số 136/2024/QH15. Ảnh: VŨ HƯNG
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng biểu quyết thông qua Nghị quyết số 136/2024/QH15. Ảnh: VŨ HƯNG

Ngày 26-6-2024, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, đánh dấu mốc quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đối với thành phố Đà Nẵng.

Với việc cho phép thành phố triển khai chính thức chính quyền đô thị từ ngày 1-1-2025 cùng với việc hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của chính quyền đô thị và áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, lần đầu tiên được áp dụng trọng nước, Nghị quyết số 136/2024/QH15 là văn kiện quan trọng để thành phố Đà Nẵng phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, khơi thông nguồn lực, tạo đột phá phát triển trong giai đoạn tới. Đây cũng là bước ngoặt quan trọng để thành phố tiến tới hoàn thành những mục tiêu trước mắt và lâu dài được nêu trong các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và quyết định của Chính phủ nhằm xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để triển khai nghị quyết quan trọng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 136/2024/QH15 do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban chỉ đạo. Thành phố Đà Nẵng cũng đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 136/2024/QH15 do Bí thư Thành ủy làm trưởng ban chỉ đạo.

3.  Thí điểm xây dựng khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quy mô khu vực

Thành phố tổ chức diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng.  Ảnh: M.QUẾ
Thành phố tổ chức diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng. Ảnh: M.QUẾ

Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng cho phép thành phố thí điểm thành lập khu thương mại tự do.

Việc thí điểm khu thương mại tự do là nền tảng ban đầu, từ đó có cơ sở thực tiễn xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật để các địa phương khác có thể áp dụng, dần hình thành khu thương mại tự do phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế ở Việt Nam. Việc hình thành Khu thương mại tự do Đà Nẵng là cơ sở góp phần thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Đà Nẵng và vùng động lực miền Trung, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước.

Ngày 15-11-2024, Bộ Chính trị ban hành Thông báo số 47-TB/TW về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Theo đó, đồng ý chủ trương thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm tài chính khu vực tại thành phố Đà Nẵng.

4. Kinh tế tăng trưởng khá

Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khởi sắc, là điểm sáng trong phát triển kinh tế thành phố. Trong ảnh: Du khách tham quan Sun World Bà Nà Hills. Ảnh: M.QUẾ
Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khởi sắc, là điểm sáng trong phát triển kinh tế thành phố. Trong ảnh: Du khách tham quan Sun World Bà Nà Hills. Ảnh: M.QUẾ

Năm 2024, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) thành phố Đà Nẵng ước tăng 7,51% so với năm 2023, xếp thứ 2 trong khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương, xếp thứ 3 trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó giá trị gia tăng khu vực dịch vụ ước tăng 7,7%; khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 7,7%; khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản ước tăng 2%.

Quy mô kinh tế (giá hiện hành) ước đạt 151.300 tỷ đồng, mở rộng hơn 17.000 tỷ đồng so với năm 2023. GRDP bình quân đầu người đạt 4.725 USD. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1,92 tỷ USD, tăng 3,2%. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 25.760 tỷ đồng, bằng 133,3% dự toán HĐND thành phố giao và tăng 19,9% so với năm 2023.

Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khởi sắc, là điểm sáng trong phát triển kinh tế. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế đã và đang lấy lại đà tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 ước tăng 6,65% so với năm 2023. Lũy kế 11 tháng năm 2024, thành phố thu hút được 213,37 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài FDI, tăng 17,9% so với cùng kỳ 2023.  Thành phố cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong nước ngoài Khu Công nghệ cao, khu công nghệ thông tin và các khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư là 69.507 tỷ đồng, tăng 56,8% so với cùng kỳ năm 2023.

5. Đà Nẵng còn 36 phường

Công chức bộ phận “Một cửa” phường Thạc Gián (quận Thanh Khê) giải quyết yêu cầu về thủ tục hành chính của công dân.  Ảnh: T. HUY
Công chức bộ phận “Một cửa” phường Thạc Gián (quận Thanh Khê) giải quyết yêu cầu về thủ tục hành chính của công dân. Ảnh: T. HUY

Theo Nghị quyết số 1251/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2023-2025, kể từ ngày 1-1-2025, thành phố Đà Nẵng có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 6 quận và 2 huyện; 47 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 36 phường và 11 xã.

Sau khi sắp xếp, quận Liên Chiểu có 5 phường, gồm: Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam, Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam, Hòa Minh. Quận Thanh Khê có 6 phường, gồm: An Khê, Chính Gián, Thạc Gián, Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây, Xuân Hà. Quận Hải Châu có 9 phường, gồm: phường Phước Ninh, Bình Thuận, Hải Châu, Thuận Phước, Thanh Bình, Thạch Thang, Hòa Thuận Tây, Hòa Cường Bắc, Hòa Cường Nam. Quận Sơn Trà có 6 phường, gồm: An Hải Bắc, An Hải Nam, Phước Mỹ, Mân Thái, Thọ Quang, Nại Hiên Đông.

UBND thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 1251/NQ- UBTVQH15, nhằm chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bảo đảm bộ máy trong hệ thống chính trị tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới sau sắp xếp đi vào hoạt động theo đúng quy định của Trung ương và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

6. Đoạt nhiều giải thưởng lớn uy tín

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường (giữa) đại diện UBND thành phố nhận giải thưởng với giải pháp “Hệ thống giám sát điều hành thông minh thành phố Đà Nẵng”. Ảnh: Sở Thông tin truyền thông
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường (giữa) đại diện UBND thành phố nhận giải thưởng với giải pháp “Hệ thống giám sát điều hành thông minh thành phố Đà Nẵng”. Ảnh: Sở Thông tin truyền thông

​​​​​​​Năm 2024, Đà Nẵng giành nhiều giải thưởng lớn và uy tín trong nước và quốc tế. Ngày 27-9, tại lễ trao giải thưởng “TOP Công nghiệp 4.0 Việt Nam - I4.0 Awards”, thành phố Đà Nẵng là 1 trong 6 tổ chức/địa phương nhận giải thưởng tại hạng mục “Top tổ chức/địa phương tiêu biểu chủ động thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số”. Đây là lần thứ 3 liên tiếp Đà Nẵng được vinh danh tại giải thưởng “TOP Công nghiệp 4.0 Việt Nam - I4.0 Awards”.

Ngày 5-10, tại lễ trao giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam (Vietnam Digital Awards) năm 2024. Đà Nẵng được vinh danh với 2 sản phẩm: hệ thống giám sát điều hành thông minh phục vụ chỉ đạo điều hành, điều phối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhằm tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công; nền tảng giám sát hành trình số nhằm cung cấp ứng dụng trên điện thoại di động phục vụ người dân, tài xế xe cấp cứu, kíp cấp cứu.

Ngày 3-12, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức lễ vinh danh và trao giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2024 lần thứ 5. Trong đó, Đà Nẵng lần thứ 5 liên tiếp nhận giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam. Đây là giải thưởng danh giá và duy nhất dành cho nhóm các thành phố/đô thị tại Việt Nam và là lần thứ 5 liên tiếp Đà Nẵng nhận được giải thưởng này và cũng là địa phương duy nhất nắm giữ thứ hạng đầu Thành phố thông minh Việt Nam từ khi hoạt động này được tổ chức. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng được vinh danh đối với 3 giải thưởng chuyên đề bao gồm: Thành phố Điều hành, quản lý thông minh; Thành phố Hấp dẫn đổi mới sáng tạo; Thành phố Quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch.

7. Khánh thành, khởi công nhiều công trình trọng điểm

Công trình nâng cấp, tôn tạo Đài Tưởng niệm thành phố và cải tạo, mở rộng Quảng trường 29-3 là tình cảm, trách nhiệm và kết quả của sự nỗ lực, tinh thần vì sự phát triển của thành phố của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố. Ảnh: XUÂN SƠN
Công trình nâng cấp, tôn tạo Đài Tưởng niệm thành phố và cải tạo, mở rộng Quảng trường 29-3 là tình cảm, trách nhiệm và kết quả của sự nỗ lực, tinh thần vì sự phát triển của thành phố của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố. Ảnh: XUÂN SƠN

Ngày 13-5, thành phố tổ chức thông xe tuyến đường vành đai phía tây (đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh). Tuyến đường hoàn thành khớp nối hoàn chỉnh hệ thống đường vành đai bao quanh thành phố. Đồng thời kết nối mạng lưới giao thông Đà Nẵng với giao thông khu vực các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên thông qua các tuyến đường quốc lộ 1A, quốc lộ 14B, đường Hồ Chí Minh và hệ thống đường trục ngang của thành phố.

Trước đó, ngày 30-1, thành phố khánh thành 3 công trình: nâng cấp, cải tạo đường ĐT 601, tuyến đường ĐH2 từ Hòa Nhơn và đường vành đai phía tây 2 (đoạn từ đường số 8 đến nút giao cuối tuyến). Ngày 30-8, UBND thành phố tổ chức khánh thành công trình nâng cấp, tôn tạo Đài tưởng niệm thành phố và cải tạo, mở rộng Quảng trường 29-3.

Ngày 27-2, UBND thành phố tổ chức bàn giao đưa vào sử dụng hai trung tâm y tế chuyên sâu: Trung tâm phẫu thuật thần kinh, chấn thương và bỏng tạo hình và Trung tâm ghép tạng, cấy ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Đà Nẵng. Hai trung tâm tạo nên một diện mạo mới cho Bệnh viện Đà Nẵng, giúp bệnh viện giữ vững và phát huy vị thế là một trung tâm y tế chuyên sâu của thành phố và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.

  Ngày 25-11, Đại học Đà Nẵng khởi công xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc tiểu dự án 1 xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình cấp thiết cho Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý - Điện Ngọc. Đây là hạng mục hạ tầng kỹ thuật cấp 3, khởi động đầu tiên trong tổng số 7 hạng mục của tiểu dự án 1 (thuộc dự án Làng Đại học Đà Nẵng).

8. Lần đầu tiên tổ chức ngày Vi mạch bán dẫn

Trong khuôn khổ “Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024”, nhiều thỏa thuận, biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Đà Nẵng với các đối tác, doanh nghiệp, nhà đầu tư được ký kết. Ảnh: M.QUẾ
Trong khuôn khổ “Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024”, nhiều thỏa thuận, biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Đà Nẵng với các đối tác, doanh nghiệp, nhà đầu tư được ký kết. Ảnh: M.QUẾ

Trong hai ngày 29 và 30-8, UBND thành phố tổ chức sự kiện “Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024”. Đây là lần đầu tiên sự kiện được tổ chức, đánh dấu cột mốc mới trong hành trình phát triển của thành phố. Ngày vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024 nhằm quảng bá tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư của Đà Nẵng trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm lựa chọn, quyết định đầu tư, tranh thủ thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước.

Trong khuôn khổ sự kiện, có nhiều thỏa thuận, biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Đà Nẵng với các đối tác, doanh nghiệp, nhà đầu tư được ký kết: thỏa thuận hợp tác ba bên về phát triển hệ sinh thái bán dẫn Đà Nẵng giữa Sở Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn Synopsys và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel; thỏa thuận hợp tác ba bên giữa Sở Khoa học và Công nghệ, Makara Capital Partners và Liên danh các nhà đầu tư tại Việt Nam về việc hợp tác và hỗ trợ đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của thành phố Đà Nẵng… Đây là bước đầu thuận lợi cho việc phát triển ngành vi mạch bán dẫn và kết nối, mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Đà Nẵng.

9. Dành nhiều nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

Năm 2024, thành phố tiếp tục dành nhiều nguồn lực chăm lo an sinh xã hội. Trong ảnh: Trao kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà cho hộ nghèo trên địa bàn quận Thanh Khê. Ảnh: LAM PHƯƠNG
Năm 2024, thành phố tiếp tục dành nhiều nguồn lực chăm lo an sinh xã hội. TRONG ẢNH: Trao kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà cho hộ nghèo trên địa bàn quận Thanh Khê. Ảnh: LAM PHƯƠNG

Ngày 13-12, tại kỳ họp thứ 21, HĐND thành phố khóa X thông qua nghị quyết quy định mức hỗ trợ kinh phí xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn thành phố. Theo đó, ngoài mức hỗ trợ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách thành phố hỗ trợ thêm 40 triệu đồng/hộ đối với trường hợp xây mới nhà ở; 10 triệu đồng/hộ đối với trường hợp cải tạo, sửa chữa nhà ở. Dự kiến có 800 hộ được hỗ trợ, tổng kinh phí 14 tỷ đồng. Trong đó, có 200 hộ xây mới, kinh phí hỗ trợ 8 tỷ đồng và 600 hộ cải tạo, sửa chữa, kinh phí hỗ trợ 6 tỷ đồng.

Không chỉ đối tượng người có công, từ ngày 1-7, thành phố nâng mức hỗ trợ xây mới nhà cho hộ nghèo lên 80 triệu đồng/nhà (trước đây là 50 triệu đồng/nhà); hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo lên tối đa 30 triệu đồng/nhà (trước đây là 20 triệu đồng/nhà).

Trước đó, ngày 30-7, tại kỳ họp thứ 19, HĐND thành phố khóa X thông qua nghị quyết trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học sinh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp năm học 2024-2025 trên địa bàn thành phố, với tổng kinh phí hỗ trợ gần 108,2 tỷ đồng. Đây là năm thứ tư liên tiếp thành phố miễn học phí đối với trẻ mầm non, học sinh phổ thông.

​​​​​​​10. Nông thôn mới Hòa Vang đạt nhiều thành tựu

Huyện Hòa Vang phát huy hiệu quả nguồn lực, nâng cao chất lượng các tiêu chí để đạt mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Ảnh: TRẦN TRÚC
Huyện Hòa Vang phát huy hiệu quả nguồn lực, nâng cao chất lượng các tiêu chí để đạt mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Ảnh: TRẦN TRÚC

Năm 2024, huyện Hòa Vang  đạt nhiều thành tựu lớn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; tập trung xây dựng xã nông thôn mới vượt chỉ tiêu giao, đạt 3/2 xã. Huyện triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm bảo đảm mục tiêu đạt chuẩn 3 xã nông thôn mới nâng cao và 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2024. Trong năm 2025, huyện phấn đấu 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; triển khai hiệu quả phong trào “Cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới tại huyện Hòa Vang giai đoạn 2023-2025”.

Mặt khác, phát triển nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nâng cao chất lượng chương trình nông thôn mới; tập trung các giải pháp phát triển kinh tế số và xã hội số, tăng cường thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.

BÁO ĐÀ NẴNG

;
;
.
.
.
.
.