Phát huy giá trị làng nghề nước mắm Nam Ô

.

ĐNO – Sáng 13-12, trao đổi, định hướng tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 21 HĐND thành phố khóa X, liên quan đến làng nghề nước mắm Nam Ô, Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Xuân Thắng cho rằng, UBND thành phố cần chỉ đạo cụ thể, giải quyết dứt điểm các vướng mắc, tồn tại tạo cơ sở, tiền đề, niềm tin để phát huy giá trị làng nghề nước mắm Nam Ô.

Chủ tọa điều hành phiên chất vấn. Ảnh: T. HUY
Chủ tọa điều hành phiên chất vấn. Ảnh: T. HUY

Chất vấn lãnh đạo quận Liên Chiểu, đại biểu Nguyễn Thị Phượng, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố cho biết, năm 2019 Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có Quyết định số 2974/QĐ-BVHTTDL công nhận Nghề nước mắm Nam Ô là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Ngày 3-6-2024, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm Nam Ô thành phố Đà Nẵng. Đây là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của thành phố Đà Nẵng trong số 139 chỉ dẫn địa lý đã bảo hộ tại Việt Nam và là chỉ dẫn địa lý thứ 3 cho sản phẩm nước mắm (sau nước mắm Phú Quốc và nước mắm Phan Thiết).

Hội Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô đã được thành lập và được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận và cấp Giấy chứng nhận nhãn mác tập thể cho Hội Làng nghề.

Đại biểu Nguyễn Thị Phượng chất vấn tại hội trường. Ảnh: T. HUY
Đại biểu Nguyễn Thị Phượng chất vấn tại hội trường. Ảnh: T. HUY

Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, Làng nghề nước mắm Nam Ô vẫn chưa phải là làng nghề được UBND thành phố có quyết định công nhận?

Trả lời vấn đề này, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Hoàng Thanh Hòa cho biết, năm 2007, UBND thành phố cho phép thành lập Hội Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô.

Đến nay, có 69 hội viên, trong đó có 3 hợp tác xã, 10 cơ sở chế biến nước mắm có quy mô tương đối, 17 cơ sở đăng ký thương hiệu riêng, các hộ còn lại làm theo mùa vụ. Có 3 chủ thể của làng nghề đạt chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp thành phố và quận.

Năm 2020, UBND thành phố phê duyệt Đề án “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng".

Theo ông Hòa, về tiêu chí làng nghề, theo quy định có 3 tiêu chí phải đạt, bao gồm có tối thiểu 20% tổng số hộ trên địa bàn tham gia một trong các hoạt động hoặc các hoạt động ngành nghề nông thôn; hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 2 năm liên tục tính đến thời điểm đề nghị công nhận; đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định.

Về nguyên nguyên nhân chưa được công nhận làng nghề, ông Hòa cho biết, Làng Nam Ô hiện có khoảng hơn 1.300 hộ dân, đa phần các hộ dân ở đây sản xuất nước mắm ở quy mô nhỏ, tự cung tự cấp.

Số hộ làm quy mô lớn chỉ đạt khoảng 15% số hộ dân tại khu vực, chưa đạt tỷ lệ tối thiểu 20% theo quy định. Cùng với đó, việc chưa có vị trí trưng bày sản phẩm là một hạn chế, tồn tại đáng kể.

Trả lời vấn đề chọn vị trí xây nhà trưng bày sản phẩm, Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong cho biết, hiện vị trí quận đề xuất bị vướng quy hoạch, không bảo đảm theo quy hoạch chi tiết đã được quy hoạch; quận nên rà soát, tìm vị trí mới phù hợp hơn.

Đại biểu Võ Công Chánh, Trưởng ban Nội chính Thành ủy cho rằng, việc quận đề xuất vị trí làm nhà trưng bày sản phẩm đã từ lâu và phù hợp với thực tiễn nguyện vọng của các hộ dân làng nghề và cử tri quận nói chung.

Vị trí nhà trưng bày phải gắn liền với nơi sản xuất, nguồn gốc làng nghề. Đề nghị thành phố, sở, ngành quan tâm, tạo điều kiện để đáp ứng mong mỏi, nguyện vọng của cử tri và nhân dân quận Liên Chiểu.

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Xuân Thắng cho rằng, Làng nghề nước mắm Nam Ô được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là vinh dự thành phố cũng như việc được đưa vào chỉ dẫn địa lý là hết sức có ý nghĩa.

Do đó, thành phố cần có chính sách thỏa đáng để phát huy giá trị văn hóa truyền thống của làng nghề.

Đối với bố trí địa điểm trưng sản phẩm làng nghề là cần thiết, đồng thời phải gắn liền với nơi sản xuất, tránh tình trạng sản xuất một nơi, trưng bày một nẻo.

Liên quan đến các vấn đề quy hoạch, hoán đổi vị trí…. có thể tháo gỡ được và cần triển khai sớm. Chủ tịch UBND thành phố cần chỉ đạo cụ thể, xử lý dứt điểm, tạo cơ sở, tiền đề, niềm tin để phát huy giá trị Làng nghề nước mắm Nam Ô.

T. HUY

 

 

 

;
;
.
.
.
.
.
.