Chính trị
Thông qua Pháp lệnh Chi phí tố tụng
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 40, chiều 11-12, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Chi phí tố tụng.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng, đa số ý kiến nhất trí với Điều 3 của dự thảo Pháp lệnh quy định về các loại chi phí tố tụng. Có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, vừa tạo điều kiện cho các cơ quan tố tụng thực hiện nhiệm vụ, vừa bảo đảm có căn cứ pháp luật.
Thực hiện Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng và quy định tại Điều 3 của dự thảo Pháp lệnh về 9 loại chi phí tố tụng trên cơ sở cụ thể hóa Điều 169 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 370 của Luật Tố tụng hành chính, Điều 135 của Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 130 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Điều 44 của Luật Giám định Tư pháp. Ngoài ra, còn một số chi phí có tính chất tương tự như chi phí đã được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính, bảo đảm sự công bằng về chính sách giữa những người tham gia hoạt động tố tụng ở các lĩnh vực tố tụng khác nhau nhưng có tính chất tương đồng nhau.
Về trách nhiệm quy định cách tính và nguyên tắc tính chi phí giám định (Điều 40), quá trình chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh có 2 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất: đề nghị chỉ quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý tổ chức giám định tư pháp công lập trong việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí làm căn cứ xác định chi phí giám định.
Loại ý kiến thứ hai: đề nghị mở rộng đối với các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định tư pháp có trách nhiệm ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí làm căn cứ xác định chi phí giám định.
Thường trực Ủy ban Tư pháp tán thành với loại ý kiến thứ nhất vì đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan này, đồng thời bảo đảm phù hợp với đặc thù của từng tổ chức giám định tư pháp công lập. Đối với các loại giám định khác (như: giám định tiền tệ, tài chính, cổ vật, cầu đường...) là loại giám định theo vụ việc, không phải là nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, ngành, nếu quy định tất cả các bộ, ngành đều phải ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí để thu chi phí giám định thì sẽ rất khó khăn và không khả thi. Đối với các loại giám định này, khi được cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu theo vụ việc, các cơ quan sẽ căn cứ quy định của Pháp lệnh này và các tiêu chuẩn, định mức của ngành, lĩnh vực để xác định chi phí theo từng trường hợp cụ thể.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị mở rộng các bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý chuyên môn lĩnh vực giám định ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức phi chí ở lĩnh vực giám định thuộc thẩm quyền quản lý nhằm khắc phục những khó khăn trong việc thanh toán chi phí giám định theo vụ việc thời gian qua và phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 29 của Luật Ngân sách nhà nước: “Các bộ, cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ… ban hành các định mức kỹ thuật - kinh tế làm cơ sở cho việc quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách”.
Qua thảo luận, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Ủy ban Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong các phiên làm việc trước và hoàn chỉnh dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm chất lượng.
Theo TTXVN