Trình Quốc hội Luật Báo chí (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9

.

Sáng 11-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung một số dự án luật, nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung một số dự án luật, nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Ảnh: Quochoi.vn
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung một số dự án luật, nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Ảnh: Quochoi.vn

Trình bày tờ trình, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đề nghị xây dựng một số dự án luật, dự thảo nghị quyết và đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Theo đó, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5.2025) theo quy trình một kỳ họp: Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5.2025) và thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10.2025): Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Báo chí (sửa đổi); Luật Luật sư (sửa đổi).

Báo cáo thẩm tra về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, theo Chương trình đã được quyết định, tại Kỳ họp thứ 9, khối lượng công tác lập pháp của Quốc hội là rất lớn.

Do đó, để vừa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, vừa phù hợp với quỹ thời gian và cân đối khối lượng công việc Quốc hội tại 1 kỳ họp, bảo đảm chất lượng luật được Quốc hội thông qua, Ủy ban Pháp luật kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Đối với dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành phương án bổ sung dự án Luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 theo quy trình một kỳ họp như đề xuất của Chính phủ.

“Ủy ban Pháp luật đề nghị trường hợp Quốc hội sửa đổi sớm hơn Luật Tổ chức Quốc hội và các luật khác có liên quan để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy thì cần xem xét sửa đổi trước một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các luật về tổ chức bộ máy” - ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Đối với 3 dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Báo chí (sửa đổi) và Luật Phá sản (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật nhất trí bổ sung các dự án luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10.

Đối với dự án Luật Luật sư (sửa đổi), đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với phương án chưa bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 mà sẽ xem xét, đưa dự án Luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2026.

Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam sẽ có nhiều vấn đề mới phát sinh, yêu cầu việc xây dựng pháp luật phải làm nhanh, làm gọn, có chất lượng nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, vướng mắc cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tư pháp lưu ý các Bộ, ngành vấn đề nào vướng mắc, cần sửa Luật ngay thì mới thực hiện theo quy trình rút gọn một kỳ họp, còn sửa đổi toàn diện Luật thì phải theo quy trình hai kỳ họp.

Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thống nhất sự cần thiết bổ sung 5 dự án luật, Nghị quyết vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh.

Tuy nhiên, căn cứ vào cân đối chung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất lùi dự án Luật Luật sư (sửa đổi) sang chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2026.

Với 3 dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Báo chí (sửa đổi) và Luật Phá sản (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10.

Theo laodong.vn

;
;
.
.
.
.
.