Bác Hồ từng căn dặn đồng bào dân tộc thiểu số: “Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”. Nhớ lời căn dặn của Bác, ông Lê Văn Nghĩa, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang luôn nỗ lực hết mình để xây dựng sự đoàn kết, ấm no, hạnh phúc của đồng bào trong thôn.
Trưởng thôn Phú Túc Lê Văn Nghĩa (giữa) nhận danh hiệu “Thôn văn hóa” tiêu biểu cấp thành phố 2024. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Gương mẫu đi đầu
Thôn Phú Túc những ngày cuối năm thời tiết se lạnh, bên ấm trà ấm áp, ông Lê Văn Nghĩa hồi tưởng lại ký ức về sự thay đổi của đồng bào Cơ tu trong thôn. Phú Túc trước đây nằm ở địa giới hành chính xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, đồng bào sống theo kiểu du canh, du cư, đời sống nhiều bấp bênh. Được gia đình cho ăn học đầy đủ, được tiếp cận nhiều tiến bộ của người Kinh nên ông Nghĩa quyết tâm thay đổi cuộc sống của gia đình. Ông dùng kiến thức canh tác của người Kinh để ứng dụng trong sản xuất và đạt năng suất cao.
Năm 1988, ông bàn với gia đình để về khu vực địa bàn xã Hòa Phú (thôn Phú Túc ngày nay) mua mảnh đất để sinh sống và phát triển kinh tế. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện, ông về sống ngay cạnh đường quốc lộ 14G, làm nhà và làm mô hình vười, ao, chuồng. Kinh tế ngày càng khấm khá hơn, ông quyết tâm vận động đồng bào mình về sinh sống. “Với thói quen quần cư, tập quán “du canh, du cư” nên để thay đổi họ rất khó. Tuy nhiên, mình phải thuyết phục vận động, chứng minh bằng những hình ảnh, việc làm thực tế và rất kiên trì để vận động. Nhờ đó, đồng bào cũng đã nghe và chuyển về thôn Phú Túc ngày nay phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống”, ông Nghĩa nhớ lại.
Bà con đồng bào chuyển từ khu vực xã Ba về xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang) và vẫn giữ nguyên tên thôn Phú Túc. Ông được tín nhiệm làm thôn trưởng thôn Phú Túc từ đó. Ông Nghĩa nhìn nhận: “Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo thành phố, huyện và xã, so với năm 1978, 1979 thì hiện nay đời sống đồng bào Cơ tu khác một trời một vực; điện, đường, trường , trạm đều có, bà con hết sức phấn khởi”.
Bà Lê Thị Mớ nhớ lại, năm 1999, khi chuyển về sinh sống tại thôn Phú Túc, bà cũng như nhiều đồng bào được chính quyền địa phương, trong đó đặc biệt là ông Nghĩa tích cực giúp đỡ, hỗ trợ trong trồng trọt, chăn nuôi, nhờ đó cuộc sống ổn định hơn trước rất nhiều. Đặc biệt, để con em đồng bào có nơi học tập, ông tự nguyện hiến 1.000m2 đất mặt tiền của mình để chính quyền địa phương xây dựng trường học; cùng với đó, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào phát nương rẫy để trồng rừng phát triển kinh tế. Với ông Nghĩa, giúp được đồng bào mình thay đổi tư duy, ổn định đời sống, giảm áp lực cho xã hội là cảm thấy rất hạnh phúc.
Nỗ lực xây dựng thôn văn hóa
Hiện nay, thôn Phú Túc có 167 hộ, 657 khẩu, trong đó đồng bào Cơ tu có 140 hộ, 552 khẩu. Được sự quan tâm của thành phố và địa phương, nhất là trong chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng ngày càng đổi thay, đời sống người dân ổn định hơn, nhiều gia đình ngoài làm nông nghiệp còn kinh doanh buôn bán để làm giàu nhưng vẫn giữ bản sắc văn hóa riêng của người đồng bào.
Trên cương vị bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, ông Lê Văn Nghĩa luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào. Ông gần gũi, động viên, chia sẻ cùng bà con; thường xuyên phối hợp các tổ chức, hội đoàn thể tuyên truyền, vận động bà con thực hiện quy ước của thôn, vận động trẻ em đến trường, giữ gìn bản sắc dân tộc của người Cơ tu. Nhờ tinh thần đoàn kết, đồng lòng của nhân dân, thôn luôn đạt danh hiệu thôn văn hóa. Qua việc thực hiện các tiêu chí xây dựng thôn văn hóa, việc chấp hành pháp luật của nhân dân được nâng lên, tệ nạn xã hội được đẩy lùi, góp phần giữ gìn an ninh trật tự. Đồng thời, tạo hiệu quả tích cực trong việc phát huy giá trị văn hóa truyền thống và nhân lên những nét đẹp trong cộng đồng dân cư.
Đặc biệt, ông Nghĩa tiên phong vận động đồng bào tham gia phát triển kinh tế, thoát nghèo. “Trong thôn trước đây số lượng xe máy không nhiều, nay hầu như nhà nào cũng có xe máy. Nhiều gia đình có điều kiện mua xe đạp điện, máy điện cho con đi học”, ông Nghĩa vui mừng nói. Đặc biệt, ông tiên phong khôi phục làng nghề truyền thống, đó là nghề nấu rượu cần. Đến nay, rượu cần của ông đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Năm 2016, sản phẩm được công nhận sản phẩm thương hiệu chất lượng cao. Ông cũng mong muốn đồng bào Cơ tu tích cực đưa thương hiệu rượu cần Phú Túc đến với thị trường trong nước. Cùng với đó, là một bí thư chi bộ, ông quan tâm đến công tác xây dựng Đảng. Từ một chi bộ rất ít đảng viên, nay đã chi bộ có 31 đảng viên là đồng bào Cơ tu. Đặc biệt, số lượng đảng viên được trẻ hóa và tích cực tham gia vào quân dân chính trong thôn. “Các đảng viên đều tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế-xã hội. Chính nhờ đó đã góp phần vào xây dựng thôn Phú Túc trở thành thôn văn hóa tiêu biểu”, ông Nghĩa cho hay.
NGỌC PHÚ