Quốc hội: Xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân

.

Ngày 6-1-1946, toàn thể nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội khóa I.

Sáng 21/10/2024, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Sáng 21-10-2024, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội đánh dấu một bước phát triển mới trong việc củng cố nền độc lập dân tộc vừa giành được, thực hiện thể chế dân chủ thực sự, thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Kết quả, ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay.

Quốc dân Đại hội Tân Trào - tiền thân của Quốc hội Việt Nam

Tư tưởng xây dựng một nhà nước kiểu mới mà ở đó nhân dân là người chủ của đất nước đã được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh nhận định trong tác phẩm “Đường cách mệnh” (1927): “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc.

Trong quá trình chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 10-1944, trước chuyển biến nhanh chóng của tình hình thế giới có lợi cho cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho quốc dân đồng bào thông báo chủ trương triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân để thành lập một cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân ta tạo nên sức mạnh dân tộc bên trong và tranh thủ ngoại viện của quốc tế nhằm chớp thời cơ thuận lợi thực hiện cho được mục tiêu độc lập, tự do.

Vì vậy, giữa tháng 8-1945, khi chủ nghĩa phátxít tuyên bố đầu hàng các nước Đồng minh không điều kiện và lực lượng cách mạng Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong cả nước, Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) từ ngày 13 đến 15-8-1945 để quyết định phát động Tổng khởi nghĩa.

Ngày 16-8-1945, tại đình Tân Trào (Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh (Việt Nam độc lập Đồng minh hội) đã khai mạc Đại hội đại biểu quốc dân (còn gọi là Quốc dân Đại hội Tân Trào).
Quốc dân Đại hội Tân Trào là mốc son trong lịch sử vẻ vang của cách mạng Việt Nam, là tiền thân của Quốc hội Việt Nam, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Việt Nam quốc dân đại biểu Đại hội cử ra Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam để lãnh đạo toàn quốc nhân dân kiên quyết đấu tranh kỳ cho nước được độc lập. Đó là một tiến bộ rất lớn trong lịch sử tranh đấu giải phóng của dân tộc ta từ ngót một thế kỷ nay. Đó là một điều khiến cho đồng bào ta phấn khởi và riêng tôi hết sức vui mừng”.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội đánh dấu một bước phát triển mới trong việc củng cố nền độc lập dân tộc vừa giành được, thực hiện thể chế dân chủ thực sự, thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên: Mốc son lịch sử

Thực hiện Nghị quyết Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, nhân dân Việt Nam đã nhất tề nổi dậy. Cuộc Tổng khởi nghĩa đã nhanh chóng giành được thắng lợi, tiêu biểu là khởi nghĩa ở Hà Nội (ngày 19-8-1945), Huế (ngày 23-8-1945), Sài Gòn (ngày 25-8-1945). Chính quyền trong cả nước đã thuộc về nhân dân.

Ngày 25-8-1945, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc giải phóng do Quốc dân Đại hội Tân Trào cử ra được cải tổ thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam “một Chính phủ quốc gia thống nhất, giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn thể, đợi ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ cộng hoà chính thức.”

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bản Tuyên ngôn khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy."

Ngày 3-9-1945, Chính phủ lâm thời tổ chức phiên họp đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống…”

Ngày 8-9-1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 14-SL quy định mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội ghi rõ: Chiểu theo Nghị quyết của Quốc dân Đại hội ngày 16, 17 tháng 8 năm 1945 tại khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hoà và Chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên. Đồng thời, khẳng định yêu cầu bức thiết của tổng tuyển cử, đồng thời khẳng định chúng ta có đủ cơ sở pháp lý, điều kiện khách quan và chủ quan để tiến hành cuộc tổng tuyển cử đó. Sắc lệnh cũng quy định: “Tất cả công dân Việt Nam, cả trai, và gái, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường."

Mặc dù trong bối cảnh thù trong, giặc ngoài, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hết sức khó khăn, vừa kháng chiến ở miền Nam, vừa phải giải quyết những nhiệm vụ rất cấp bách hàng ngày đặt ra, vừa thực hiện sách lược tạm hòa hoãn với quân Tưởng ở miền Bắc; đồng thời lại vừa phải đấu tranh để chống lại những hành động phá hoại của chúng, nhưng công tác chuẩn bị cho tổng tuyển cử vẫn diễn ra rất khẩn trương.

Và để mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện chủ trương "thống nhất, thống nhất và thống nhất," Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh quyết định mời tất cả những người ngoài Mặt trận Việt Minh cùng đứng chung danh sách ứng cử.

Hành động này chứng tỏ Chính phủ và Việt Minh luôn tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân, tôn trọng người tài năng, đoàn kết mọi lực lượng yêu nước, thiện tâm thiện chí vì quyền lợi tối cao của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà… Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết."

Ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: “Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình.”

Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bằng ý chí sắt đá của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã dành trọn ngày lịch sử - ngày 6-1-1946: Toàn dân đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội.

Cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành sôi nổi trên khắp cả nước. Kết quả, có 6 trong số 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới của đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho Nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có tính chất hợp pháp, dân chủ - nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến, kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong bối cảnh cách mạng Việt Nam có nhiều khó khăn chồng chất, nhân dân ta vừa thoát khỏi ách nô lệ nhưng Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định tổ chức Tổng tuyển cử và cuộc Tổng tuyển cử thành công là một quyết định sáng suốt, kịp thời, nhạy bén chính trị và khoa học, thực tiễn sâu sắc. Thắng lợi đó là khẳng định đường lối, chủ trương của Đảng ta đúng đắn, sáng tạo, thể hiện khát vọng được độc lập, tự do của Nhân dân Việt Nam.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của Nhân dân ta. Đồng thời, đó cũng là sự biểu thị khát vọng dân chủ của Nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đầu tiên, là: “... kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già trẻ, lớn bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc.”

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6-1-1946 được tiến hành sôi nổi trên khắp cả nước. Kết quả, có 6 trong số 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).

Hoàn thành vai trò, sứ mệnh của mình đối với đất nước, với nhân dân

Trong hành trình phát triển của đất nước, Quốc hội Việt Nam không chỉ đóng vai trò là cơ quan quyền lực cao nhất, mà còn là biểu tượng cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Kể từ khi ra đời tới nay, Quốc hội ta đã hoàn thành vai trò, sứ mệnh của mình đối với đất nước, với nhân dân.

Quốc hội Việt Nam đã khẳng định Quốc hội luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm với cử tri, luôn luôn đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Việc gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân, nắm bắt đầy đủ, thấu hiểu sâu sắc tâm tư, nguyện vọng và yêu cầu chính đáng của nhân dân, trân trọng lắng nghe, phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân là nhân tố quan trọng bảo đảm cho Quốc hội có những quyết sách đúng đắn, phù hợp thực tiễn, góp phần nâng cao uy tín, vai trò của Quốc hội, thu hút được sự quan tâm, ủng hộ, đóng góp ý kiến xây dựng và củng cố niềm tin của cử tri, của nhân dân đối với Quốc hội.

Quốc hội không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp, kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp, bám sát yêu cầu của thực tiễn, phản ánh chân thực tiếng nói, ý nguyện của cử tri và nhân dân.

Ở mỗi nhiệm kỳ, Quốc hội ban hành khối lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật, tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc lập pháp, góp phần quan trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ bản bao phủ rộng khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Quốc hội Việt Nam đã khẳng định vai trò tiên phong trong việc hoạch định chính sách và tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển bền vững.

Những Luật, Nghị quyết quan trọng mà Quốc hội ban hành không chỉ tháo gỡ các nút thắt lâu năm trong nền kinh tế, mà còn mở ra những động lực mới cho cải cách và tăng trưởng.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tại các kỳ họp, Quốc hội khóa XV đã thông qua số lượng lớn luật, nghị quyết (trên 60 văn bản), trong đó có nhiều luật, nghị quyết quan trọng, như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đường bộ; các nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố.

Những văn bản này không chỉ hướng đến giải quyết những bất cập đã tồn tại nhiều năm, mà còn thúc đẩy minh bạch, hiệu quả trong quản lý kinh tế và xã hội.

Hoạt động giám sát của Quốc hội liên tục đổi mới và ngày càng có hiệu quả, xứng đáng với sự tin cậy của cử tri và nhân dân. Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội đã tiến hành nhiều nội dung giám sát quan trọng, từ những vấn đề kinh tế vĩ mô đến các vấn đề cụ thể của đời sống xã hội.

Cùng với những nội dung giám sát thường xuyên, Quốc hội đã chọn những vấn đề “nóng” nhất, được cử tri và nhân dân quan tâm nhất để tiến hành giám sát tối cao, giám sát chuyên đề.

Đi đôi với nhiệm vụ giám sát hoạt động của nhà nước, Quốc hội còn tự giám sát mình. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, cùng với việc quyết liệt đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực trong bộ máy hành chính nhà nước nói chung, các đại biểu Quốc hội cũng quyết liệt chống tiêu cực trong đội ngũ.

Quốc hội khóa XIV ghi nhận nhiều đại biểu Quốc hội phải rời vị trí khi chưa hết nhiệm kỳ. Việc xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật của các đại biểu Quốc hội cho thấy hiệu lực của Quốc hội không chỉ từ vai trò, chức năng theo quy định của hiến pháp, pháp luật mà còn từ phẩm chất, tư cách và năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Hoạt động chất vấn ngày càng trở thành điểm nhấn quan trọng của mỗi Kỳ họp Quốc hội. Qua các phiên chất vấn cho thấy, các nội dung chất vấn đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, "đúng" và "trúng" những vấn đề cử tri, nhân dân cả nước và các đại biểu Quốc hội quan tâm; tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội.

Quốc hội đã phát huy ngày càng tốt hơn vai trò quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước tại tất cả các lĩnh vực của đời sống nhằm mục tiêu phát triển bền vững kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường, bảo vệ tổ quốc, giữ vững chủ quyền quốc gia; đồng thời thúc đẩy hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Trong số đó, Quốc hội khóa XIV thông qua 134 nghị quyết về vấn đề quan trọng, tăng gấp 2 lần so với Quốc hội khóa XIII và tăng gấp 4 lần so với Quốc hội khóa XII.

Sự phối hợp, hỗ trợ, đồng hành của Quốc hội đối với Chính phủ trong suốt quá trình xây dựng, thẩm tra, cho ý kiến, tiếp thu, giải trình và thông qua các luật, nghị quyết, nhất là trong những giai đoạn khó khăn của phòng, chống dịch, giai đoạn thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tạo nên hình ảnh về một Quốc hội hành động và đồng hành, góp phần quan trọng đưa đất nước vượt qua những thử thách ngặt nghèo, vững bước phát triển.

Cùng với đó, hoạt động đối ngoại của Quốc hội ngày càng được đẩy mạnh và mở rộng trên cả bình diện song phương và đa phương, đưa ngoại giao nghị viện đi vào chiều sâu, làm cho thế giới, bạn bè quốc tế ngày càng hiểu biết đầy đủ, đúng đắn hơn về đất nước, con người và nền văn hóa Việt Nam; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của họ, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam nói chung và Quốc hội Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế.

Nhìn lại chặng đường 79 năm qua, có thể khẳng định rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, Quốc hội luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng cao nhất để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó.

Theo TTXVN/Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.