Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1-2025 xem xét về nhiều dự án luật, nghị quyết quan trọng liên quan tổ chức bộ máy.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thảo luận 7 dự án luật và nghị quyết chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp trong tháng 2. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Ngày 7-1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1-2025; thảo luận 7 dự án luật và nghị quyết chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp trong tháng 2 sắp tới.
Theo chương trình phiên họp, Chính phủ xem xét, cho ý kiến về: Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thành lập một số Bộ của Chính phủ khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội giải quyết các vấn đề phát sinh trong các quy định của pháp luật liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy; dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, 7 dự án luật, nghị quyết được thảo luận tại phiên họp rất quan trọng liên quan vấn đề tổ chức, bộ máy, kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới tổ chức, hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương.
Với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, làm từ trên xuống dưới và cả dưới lên trên, "Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng", "vừa chạy vừa xếp hàng", không để gián đoạn công việc, mô hình tổ chức mới phải tốt hơn, hiệu quả hơn, người dân được hưởng thụ nhiều hơn thành quả này.
Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, đây là công việc khó, nhiều nội dung phức tạp, do đó phải rất tập trung, khẩn trương thực hiện trong thời gian từ nay đến Hội nghị Trung ương và kỳ họp Quốc hội để giải quyết các vấn đề vướng mắc liên quan tổ chức và hoạt động của bộ máy.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, quyền hạn đi đôi với trách nhiệm; ai được giao phân cấp, phân quyền, ủy quyền thì phải quyết định, khi quyết định thì phải chịu trách nhiệm; các cấp được phân cấp, phân quyền, ủy quyền chịu trách nhiệm trước Chính phủ và pháp luật về việc thực hiện quyền hạn được phân cấp, phân quyền, ủy quyền.
Thủ tướng cũng cho rằng, quyền hạn của Chính phủ, chính quyền địa phương cần tập trung trong Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, không để tản mạn, manh mún, phân tán ở các luật chuyên ngành.
Cùng với đó, bỏ tư duy "không quản được thì cấm, không biết mà vẫn quản"; quán triệt tư duy ai làm tốt nhất thì giao người đó; người dân, doanh nghiệp làm được, có thể làm tốt hơn thì giao cho họ; cái gì đã cấm thì đưa vào luật, cái gì không cấm thì để cho người dân, doanh nghiệp được phép làm và có không gian sáng tạo, đổi mới.
Thủ tướng lưu ý, phân cấp, phân quyền đi đôi với tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng dữ liệu số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công việc của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Nhân dịp này, Thủ tướng đánh giá cao Bộ Nội vụ đang "làm ngày, làm đêm" các công việc rất khó, phức tạp liên quan tinh giản, sắp xếp tổ chức bộ máy, đã trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định 177, 178 và 179 về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Chúng ta cũng đã cơ bản hoàn thành phương án hợp nhất, sáp nhập các bộ, cơ quan và phương án sắp xếp tổ chức, bộ máy bên trong của các bộ, cơ quan theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Chính phủ đã đề ra để trình cấp có thẩm quyền.
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành cùng Bộ Nội vụ tiếp tục hoàn thiện phương án về tiếp tục sắp xếp, tinh giản bộ máy bên trong, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đối với các bộ, ngành, cơ quan để báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Theo laodong.vn