Chứng nhân của hành trình đổi mới

Hai mươi lăm năm là 1/4 thế kỷ. Hai mươi lăm năm dài hay ngắn không chỉ thuần túy là số đếm tịnh tiến của thời gian, mà đó còn là một chặng đường vừa đủ để nhìn lại những cột mốc, những dấu ấn đã qua…

Cầu Trần Thị Lý - một biểu tượng khát khao hội nhập và phát triển của Đà Nẵng. Ảnh: ĐĂNG ĐỆ
Cầu Trần Thị Lý - một biểu tượng khát khao hội nhập và phát triển của Đà Nẵng. Ảnh: ĐĂNG ĐỆ

Đà Nẵng trong 25 năm gần nhất, là Đà Nẵng hôm nay và Đà Nẵng của ngày chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng để trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (1-1-1997) đã khác xa. Những người yêu Đà Nẵng, gắn bó với Đà Nẵng trong suốt hành trình lịch sử này giờ đây sẽ có người nhớ, có người quên, có người đã thành thiên cổ vì sự nghiệt ngã của thời gian. Nhưng, có những “hình hài” diệu kỳ vẫn luôn hiển hiện và đồng hành với sự phát triển của thành phố “đầu biển cuối sông” này. Đó chính là những cây cầu “chứng nhân” ngày đêm oằn mình chuyên chở khát vọng, ước mơ và hoài bão của Đà Nẵng trong suốt hành trình ngoạn mục tự đổi mới mình.

Hầu như bất cứ ai đặt chân đến Đà Nẵng đều không khỏi tò mò và háo hức với những cây cầu trải quanh thành phố, đặc biệt là những cây cầu bắc qua sông Hàn. Đây không chỉ là những cây cầu nối nhịp bờ vui mà còn là những công trình nghệ thuật đặc sắc, đặc trưng của mảnh đất hiền hòa này.

Trong dòng chảy cảm xúc của mình - một người dân ngụ cư - dành cho Đà Nẵng, tôi tin, những câu cầu và dòng sông Hàn thơ mộng là những “dấu son” làm nên hồn cốt về miền đất, miền người trong mắt du khách thập phương, cũng như đã ăn sâu bám rễ trong trái tim tôi.

Tôi có thú vui lân la nên may mắn được nghe nhiều du khách kể rằng, họ đã đi khá nhiều nơi nhưng hiếm thấy có những cây cầu độc đáo, nổi tiếng như ở Đà Nẵng. Đúng vậy, thành phố chạy dọc sông Hàn chỉ khoảng chục cây số mà có tới 6 cây cầu đồ sộ bắc qua, nối liền nhịp sống đôi bờ như chẳng có dòng sông nào ngăn cách.

Mỗi cây cầu có một ngoại hình riêng, một biểu tượng và khát vọng riêng nhưng vì “yêu Đà Nẵng” nên đã quyện hòa thành một tổng thể lung linh điểm tô cho thành phố. Con chữ vụng về, lại ít am hiểu về nghệ thuật kiến trúc nhưng bằng tấm lòng và trách nhiệm của một người nặng nợ với Đà Nẵng, tôi mạn phép phác họa đôi nét về những cây cầu bắc qua sông Hàn để bạn dễ hình dung.

Đây cầu Thuận Phước, sừng sững như chứng nhân nơi đầu biển cuối sông; là cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam với 1.850 mét, có kiến trúc như cánh chim đang vỗ cánh bay.

Đó cầu Sông Hàn, một biểu tượng lấp lánh lòng dân; là chiếc cầu quay to lớn và là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng vì được xây dựng không lâu sau khi tách tỉnh (khởi công vào ngày 2-9-1998) từ nguồn vốn phần lớn do nhân dân thành phố đóng góp. Có thể nói, cầu Sông Hàn là “chứng nhân” gần như xuyên suốt chiều dài 25 năm thăng trầm biến động của thành phố.

Kia là cầu Rồng, ẩn chứa khát vọng vẫy vùng của thành phố trẻ. Cầu có kiến trúc độc đáo mang hình dáng một con rồng vàng uốn lượn, vươn mình bay ra biển; thể hiện quan niệm Á Đông và gắn liền với cội nguồn người Việt - con Rồng cháu Tiên. Cầu Rồng được vinh danh quốc tế bằng Giải thưởng Kỹ thuật xuất sắc (EEA) của Hội đồng Các công ty kỹ thuật Mỹ (ACEC) năm 2014, được ví như giải Oscar của ngành kỹ thuật.

Tiếp đến là cầu Nguyễn Văn Trỗi với kiến trúc vòm bằng giàn thép Poni hiếm hoi tại Việt Nam. Đến nay, sau vài lần sửa chữa, “cụ cầu” Nguyễn Văn Trỗi được chuyển đổi thành cầu đi bộ tham quan với vẻ trầm mặc ưu tư, chất chứa bề dày lịch sử và văn hóa.

Kế bên là cầu Trần Thị Lý với tạo hình cánh buồm vươn ra biển lớn, khát khao hội nhập và phát triển.
Xa xa là cầu Tiên Sơn, được xem là cây cầu “kinh tế” của Đà Nẵng, nằm trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây, là cây cầu duy nhất trên sông Hàn cho phép những chuyến xe container qua lại, ngày đêm trung chuyển hàng triệu tấn hàng hóa.

Thật là thiếu sót khi nói về sông Hàn lúc đêm xuống mà không nhắc đến cầu Tình yêu. Khác với 6 cây cầu giao thông kể trên, cầu Tình yêu là cây cầu tham quan du lịch, chụp ảnh lưu niệm, chỉ dài vỏn vẹn 68 mét nằm dọc bên bờ đông sông Hàn, gần với đầu cầu Rồng.

Nhìn thành phố hiện đại và lộng lẫy hiện nay, tôi chợt nhận ra, nếu không có những cây cầu bắc qua, có lẽ dòng sông Hàn cũng như nàng công chúa còn say ngủ, phía bãi bờ bên kia mãi tầng chất những hoang vu…

Đà Nẵng được mệnh danh là thành phố của những cây cầu, quả không sai! Ngoài những cây cầu gắn liền với sông Hàn kể trên, thành phố còn có những cây cầu lạ mắt, độc nhất vô nhị. Chẳng hạn như cầu Vàng Bà Nà Hills là cây cầu du lịch “hái ra tiền” nằm ở độ cao hơn 1.400 mét so với mực nước biển, có thiết kế đôi bàn tay nâng đỡ mặt cầu là “dải lụa vàng” vắt ngang vườn Thiên Thai. Cầu Vàng hiện đã vô cùng nổi tiếng, không chỉ ở Việt Nam mà lan tỏa toàn thế giới.

Hay như cầu vượt Ngã ba Huế, có thiết kế mang ý nghĩa phồn thực, trụ tháp là Linga, vòng xuyến là Yoni, sự kết hợp hài hòa âm - dương với ước muốn phồn vinh và tái sinh trường tồn của Đà Nẵng. Cầu được khánh thành nhân kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 – 29-3-2015), là một cột mốc không thể nào quên.

Không thể phủ nhận, thành phố bên sông Hàn với những cây cầu luôn tươi mới những hấp lực để níu chân du khách, bắt họ phải nán lại, chậm lại trong từng ánh nhìn, trong từng bước chân. Chưa muốn quay đi vì còn lưu luyến lắm!

Vâng, bạn nên đặt chân đến Đà Nẵng ít nhất một lần trong đời để thả hồn với thành phố “đầu biển cuối sông”, để lâng lâng thương nhớ sự hồn hậu, mến khách của bất kỳ người dân nào mà bạn gặp.

LÊ HẢI KỲ

 

;
;
.
.
.
.